"Có anh ba Hưng vốn thiệt nông dân - Đi lính hơn năm trường vừa mới được huân chương...".
Đó là bài hát “Anh Ba Hưng” do nhạc sĩ Trần Kiết Tường soạn năm 1948, một bài hát với giọng điệu hài hước, vui nhộn, dễ thuộc, nổi tiếng rất lâu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần động viên những anh trai làng hăng hái lên đường ra trận đánh giặc Pháp xâm lược.
Vậy “Anh Ba Hưng” là ai? Là nhân vật thực ngoài đời hay là do tác giả bài hát tạo nên?
Nhằm giúp bạn đọc trả lời câu hỏi này, năm 2000 Nxb. TP Hồ Chí Minh đã xuất bản quyển truyện ký “Anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân” của Diệp Hồng Phương.
Qua 135 trang, quyển sách ghi lại cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Hứa Hoà Hưng (tự là Ba Hưng) - nhân vật thực trong bài hát "Anh Ba Hưng" được nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác trong thời kháng chiến chống Pháp.
Đọc truyện ký, người đọc sẽ biết được hoàn cảnh ra đời bài hát “Anh Ba Hưng” và từng giai đoạn cuộc đời của nhân vật Anh Ba Hưng từ lúc còn là một anh trai làng “vốn thiệt nông dân” của xứ kinh Xáng Cái Cùn, thuộc tỉnh Bạc Liêu đã hăng hái ra trận đánh Tây, cho đến khi tập kết ra Bắc và trở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu và đến lúc nghỉ hưu tại thành phố Biên Hòa với cấp bậc đại tá.
Bằng lời văn chân thực, đậm chất Nam bộ, quyển truyện ký đã góp phần ôn lại lịch sử hào hùng của thời kỳ Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp và cả thời kỳ đánh Mỹ cứu nước. Nói về cuộc đời binh nghiệp của mình, Anh Ba Hưng - Đại tá Hứa Hoà Hưng đã xúc động bày tỏ: “Suốt mấy chục năm sống trong quân đội, lặn lội khắp chiến trường sông rạch chằng chịt của xứ Bạc Liêu, ra Bắc rồi vào Nam, chiến đấu và phát triển lực lượng pháo binh miền Nam, gian nan cực khổ với công tác hậu cần, rồi sang đất bạn… không lúc nào tôi quên những ngày đầu tham gia tự vệ cách mạng và bài hát “Anh Ba Hưng” được phổ biến khắp nơi động viên bao trai làng xông lên giết giặc. Tôi nhớ những đồng đội tôi, hồi đó, bây giờ đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần “vì nhân dân quên mình - vì nhân dân hy sinh” của anh bộ đội Cụ Hồ”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Anh Ba Hưng vốn thiệt nông dân” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.922334 / A107B
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.027608
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.011321; MV.011322