Chu Văn An - Gương mặt người thầy / Hoài Việt. - In lần thứ 2. - H. : Kim Đồng, 2008. - 131tr.; 21cm. - (Truyện lịch sử Việt Nam)

Thứ sáu - 30/10/2020 05:03 2.762 0
Chu Văn An - Gương mặt người thầy / Hoài Việt. - In lần thứ 2. - H. : Kim Đồng, 2008. - 131tr.; 21cm. - (Truyện lịch sử Việt Nam)
    Chu Văn An sinh năm 1292 và mất năm 1370, ông vừa là một nhà giáo vừa là nhà văn Việt Nam đời Trần. Ông đậu Thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không ra làm quan, mở trường dạy học ở nhà. Đời vua Trần Minh Tông, ông được mời đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Đến đời Trần Dụ Tông, chính trị đổ nát, ông viết Thất trảm sớ (Sớ xin chém bảy nịnh thần). Không được chấp nhận, ông từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng, làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau khi ông mất, vua Trần Nghệ Tông truy tặng tước Văn Trình công, được thờ ở Văn Miếu.
    Nhằm giới thiệu đến các độc giả nhỏ tuổi tấm gương về sự cống hiến và đóng góp to lớn của nhà giáo Chu Văn An trong lịch sử giáo dục nước nhà, năm 2007 Nxb. Kim Đồng đã xuất bản quyển truyện “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” của tác giả Hoài Việt.
Qua 131 trang sách, hình ảnh người thầy đức độ Chu Văn An với sự gương mẫu, nghiêm khắc luôn hết lòng dạy bảo học trò được thể hiện rõ nét. Ông có rất nhiều học trò, trong số đó có những học trò làm quan lớn như: Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… nhưng khi họ có điều gì chưa đúng, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo. Chuyện kể về quan tể tướng Phạm Sư Mạnh, trong một lần về thăm thầy đem theo quân lính làm huyên náo cả vùng. Chuyện đến tai thầy Chu, lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông nghiêm khắc trách dạy: Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ, thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu lên nhìn mọi người? Từ đó về sau, mỗi khi về thăm thầy, quan tể tướng chỉ mặc áo vải thâm, đi một mình như người dân thường để giữ đúng lễ thầy trò.
Không chỉ là một người thầy đức độ, Chu Văn An còn được biết đến là một người thẳng thắn, cương trực. Câu chuyện ông dâng “Thất trảm sớ” với nội dung xin chém 7 tên nịnh thần đã gây ra tiếng vang lớn. Tuy không được thực hiện, nhưng nghĩa khí và tấm lòng vì dân, vì nước của ông đã được truyền tụng đến muôn đời. 
Đọc “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” sẽ giúp chúng ta có cái nhìn chân thực và sâu sắc hơn về một nhân vật lịch sử, một nhà giáo mẫu mực đã góp phần xây dựng truyền thống hiếu học và tinh thần yêu nước của dân tộc. Thầy giáo Chu Văn An mãi là tấm gương sáng được người đời sau kính trọng.
Các bạn và các em hãy tìm đọc quyển sách “Chu Văn An – Gương mặt người thầy” tại Phòng thiếu nhi Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 895.9223 / CH500V
 ▪ PHÒNG THIẾU NHI: NA.001001; NA.001002

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây