“Tôi nhìn thấy tận mắt những thiệt hại mà những quả mìn của chúng tôi giáng lên dầu những người nông dân nghèo. Tôi nhìn thấy những đứa trẻ lai Mỹ - Á bị bỏ rơi. Tôi được chứng kiến sự đau đớn của những nạn nhân chất độc màu da cam vô tội... Nhiều người Mỹ khi nhắc tới Việt Nam vẫn liên tưởng tới đất nước chiến tranh mà không hề biết rằng đây là đất nước của những con người cần cù, chăm chỉ, yêu tự do, hiếu học và là mẫu mực của lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng kiên cường và lòng khoan dung”.
Đó là những dòng hồi ký chân thực của Rhodes James - tác giả của quyển “Hồi ký của một cựu binh Mỹ : Những nỗ lực đấu tranh cho nạn nhân da cam Việt Nam” do Trần Việt Hùng dịch, NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2013.
Qua 263 trang hồi ký, tác giả kể câu chuyện của chính mình với những minh chứng thực tế về cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam lẫn cả ở Mỹ được trình bày qua 9 chương: Nguồn gốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ; Những khởi đầu của tôi; Nỗi sợ hãi màu đỏ; Những lời nói dối về chiến tranh; Dối trá tiếp nối dối trá - Di sản của Nixon; Sự che đậy ngây ngô; Những vấn đề lương tâm còn nhức nhối; Lời kết; Chất độc màu da cam - câu chuyện còn tiếp tục.
Đọc sách, người đọc sẽ biết đến một James Rhodes, người bị đẩy vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam bởi những lời nói dối về cuộc chiến thần thánh mà Chính phủ Mỹ thời đó đã dựng lên. James viết: “Tất cả những gì chúng tôi biết về Việt Nam khi ở Mỹ đều là giả dối. Không ai từng nói cho chúng tôi biết về Hiệp định Geneva 1954, rằng chúng tôi chính là những kẻ xâm lược, ngăn cản sự thống nhất của một dân tộc đã từng sát cánh cùng với quân đồng minh trong chiến tranh thế giới lần thứ II”.
Trở về nước Mỹ năm 1969, cơ thể James mọc ra 14 khối u. James nhớ lại thời gian ở Pleiku, anh và đồng đội đã sử dụng chất diệt cỏ một cách vô tư, thậm chí lấy cả những thùng phuy đựng chất độc giết người này làm bồn tắm do ngây thơ cho rằng nó không có tác hại đối với con người. Gia đình đã đưa anh đi chữa trị tại nhiều trung tâm ở Mỹ nhưng đều bị từ chối do chi phí quá lớn. Trước cái chết sắp đến, may thay anh gặp lại người đồng đội cũ, Charles Springs, cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam như anh. Springs cho anh biết đã chữa trị thành công căn bệnh quái ác nhờ những liều thuốc đông của Trung Quốc.
Năm 1990, anh quyết định quay trở lại Việt Nam với ý nghĩ sẽ được cứu chữa tại đất nước có nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam, có thể sẽ có những loại thuốc tốt hơn ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, trái với sự lo ngại của James, ông được những người dân Việt Nam đối đãi cởi mở, nhân hậu và đã cứu sống ông. James cho biết: “Với tôi, người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất, mà tôi từng gặp trên đời. Tôi đã bị từ chối chăm sóc ở trên đất nước mà tôi sinh ra, mà tôi chiến đấu vì nó. Thế rồi, tôi lại được người ta giang tay đón nhận, chăm sóc, yêu thương ở đất nước mà người Mỹ, trong đó có tôi, đã từng gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc”.
Sau này, James luôn cố gắng làm mọi điều tốt cho Việt Nam, như: dạy tiếng Anh, viết bài đăng báo cổ vũ cho quan hệ Việt – Mỹ; nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh; tích cực kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên thị trường Mỹ;… đặt biệt đã đóng góp tích cực ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam và làm cầu nối cho những người có tấm lòng thiện nguyện hướng đến Việt Nam.
Quý vị và các bạn có thể tìm đọc quyển hồi ký này tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- Ký hiệu phân loại: 305.9 / H452K
- PHÒNG ĐỌC: DV.047190
- PHÒNG MƯỢN: MA.013689