Blouse trắng tim hồng / Denis Mukwege, Berthild Akerlund; Dịch: Hiệu Constant. - Tp. Hồ Chí Minh : Văn hoá - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 275tr.; 23cm

Thứ sáu - 18/09/2020 02:42 1.110 0
Blouse trắng tim hồng / Denis Mukwege, Berthild Akerlund; Dịch: Hiệu Constant. - Tp. Hồ Chí Minh : Văn hoá - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 275tr.; 23cm
Nói về tình nhân ái của một con người sống tại một châu lục vốn nổi tiếng về sự nghèo khó lạc hậu, bần cùng và đầy bạo lực vừa được trao giải Nobel Hòa bình thì chắc sẽ có rất nhiều... Nhưng quả thật, trong tác phẩm này, qua từng câu chữ, sự tương phản cứ lớn dần lên, đôi lúc đạt tới cực điểm. Một bên cứ gây tội ác tày trời, và một bên cứ tiếp tục đi xoa dịu những nỗi đau...
Sinh ra trong một gia đình bình thường có thể nói là nghèo ở miền Đông đất nước Công-gô thuộc trung Phi, bác sĩ Denis Mukwege có cha là mục sư, mẹ nội trợ. Người mẹ gần như không biết chữ, những gì bà được học ở trường đã mai một theo năm tháng. “Tôi sinh ngày mùng 1 tháng Ba năm 1955. Là đứa trẻ thứ ba, nhưng tôi là con trai đầu tiên trong gia đình. Theo lời mẹ thì sự có mặt của tôi trên cuộc đời này đã suýt diễn ra rất ngắn. Những ngày đầu tiên tôi chào đời đã rất thê thảm, như lướt trên đầu sợi tóc vậy, do mẹ tôi đã lâm bồn rất khó”...
Cứ như vậy, qua từng trang sách, câu chuyện được đan xen giữa quá khứ và hiện tại, ta khám phá thân thế của một con người vốn được mệnh danh là “Người đàn ông sửa chữa những người đàn bà”. Từ “sửa chữa” được dùng trong ngữ cảnh này mang đúng nghĩa đen của nó, bởi qua những ca phẫu thuậtcủa bác sĩ Mukwege, những người đàn bà đã phải chịu cảnh hãm hiếp, tra tấn cực hình ít nhiều tìm lại được hình hài của người phụ nữ. Sinh con vốn là niềm vui, là thiên chức và bổn phận của bất kỳ người đàn bà nào trên đời, nhưng ở những miền heo hút của đất nước Công-gô, thì khi sinh con, người mẹ đã gần như đem cuộc sống của họ ra cá cược: “Tôi đã chứng kiến những người mẹ và trẻ thơ chết trong lúc hạ sinh, những người đàn bà đến bệnh viện với thai nhi chết treo lơ lửng giữa hai đùi.”
Cuộc đời ông gắn liền với lịch sử của đất nước Công-gô trong suốt nửa sau của thế kỷ 20 cho đến tận ngày hôm nay. Và ông tự nguyện trở thành người phát ngôn miễn phí cho những người phụ nữ thấp cổ bé họng trong đất nước vốn có nhiều kỳ thị giới tính, nhưng cùng lúc họ lại phải đảm đương tất cả mọi sinh hoạt trong gia đình, là người trưởng tàu chèo lái con thuyền cả về mặt kinh tế lẫn tinh thần! Cũng qua những hình ảnh đó, ông tố cáo tội ác man rợ có tính toán của những kẻ chủ ý gây xung đột và làm bại hoại đất nước. Người phụ nữ một khi bị hãm hiếp sẽ bị người chồng và gia đình ruồng bỏ, cộng thêm những di chứng do phải chịu cực hình khi bị hãm hiếp, họ có nguy cơ bị trục xuất khỏi xã hội “Đánh vào người phụ nữ, tức là đánh vào toàn bộ gia đình, làm suy thoái cả xã hội và cộng đồng.
Không cần xe tăng đại bác, máy bay, cũng đem lại kết quả hủy hoại như một cuộc chiến tranh “bình thường”. Xét về mặt kinh tế thì đây là cuộc chiến tranh hiệu quả nhất...”, ông đã viết như vậy.
Chiến tranh sắc tộc, bạo lực, đói nghèo và tham nhũng, đó gần như là bức tranh toàn cảnh của đất nước Công-gô hiện nay. Khi gấp sách lại, ta thấy hình như tiếc nuối, ta những muốn cuốn sách cứ dài mãi, để được đi cùng những tâm sự, thổ lộ tâm tư của tác giả, được cùng ông chứng kiến những sự kiện, chia sẻ với ông những nỗi đau và cả những niềm vui khi bàn tay nhân ái có thể xoa dịu những nỗi đau của đồng loại.
Trong câu chuyện của mình, tác giả cũng muốn nhấn mạnh về đức tin và lòng từ bi, người ta không cần phải có rất nhiều thì mới chia sẻ, “một củ khoai tây cũng có giá trị rất nhiều khi ta chẳng có gì cả...”. ... Con đường phía trước luôn rộng mở với những ai có quyết tâm, khát khao thực hiện nguyện vọng và ước mơ của mình, hãy suy nghĩ chín chắn và quyết định, một khi đã quyết định thì đừng nghi ngờ gì, hãy gắng sức để thực hiện thì sẽ thành công, đó như một chân lý: “Hãy gõ cửa, rồi cửa sẽ mở. Hãy tìm rồi sẽ gặp”.
Khi sống trong cảnh bần cùng, một bàn tay chìa ra, một lời nói chia sẻ, một sự trợ giúp dù rất nhỏ... cũng đều khiến người ta xúc động. Qua những trang sách, dù cụ thể hay ý tứ, tác giả đã hàm ơn rất nhiều người đã giúp đỡ ông và gia đình, đã cùng với ông chia sẻ nỗi đau với những người phụ nữ Công-gô. Ông tha thiết tâm niệm: “Đồng lòng, ta có thể dời núi lấp biển”.

Đó là lời giới thiệu tác phẩm Blouse Trắng Tim Hồng của dịch giả Hiệu Constant, người đã dịch quyển tự truyện “Blouse trắng tim hồng” của bác sĩ Denis Mukwege - Người đạt giải thưởng Nobel Hoà bình năm 2018 “vì những nỗ lực trong việc chống lại sử dụng bạo lực tình dục như là một vũ khí chiến tranh”.
Quả thật đây là một quyển sách của một con người có tấm lòng cao thượng, một người bác sĩ hết lòng vì công việc đã dám cất lên tiếng nói đấu tranh vì cuộc sống, vì hòa bình, vì lẽ phải mà chúng ta phải lắng nghe. Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách này và cảm nhận. 
Năm 2019, “Blouse trắng tim hồng” đã được Nxb. Văn hoá - Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh ấn hành với độ dày 275 trang. 
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 896 / BL435TR
▪ PHÒNG MƯỢN: MN.011087

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây