I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những sai lầm cần tránh sau khi tập thể dục” được trích từ tạp chí Gia đình.
Ai cũng biết rằng tập thể dục là một hoạt động được mọi người, mọi nhà khuyến khích vì nó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần của con người. Và nhằm nâng cao hơn nữa lợi ích của việc tập thể dục, nhiều chuyên gia đã không ngừng nghiên cứu để tìm ra phương pháp tập hiệu quả nhất cho cơ thể.
Để tập thể dục đạt được hiệu quả cao nhất, chúng ta không nên quan niệm rằng "tập xong là…xong". Có nhiều thói quen tưởng chừng đơn giản nhưng lại không tốt cho sức khỏe nếu bạn thực hiện chúng ngay sau khi vừa tập thể dục.
Không thư giãn sau khi tập
Đây là sai lầm hầu như ai cũng mắc phải. Hầu như tất cả mọi người đều chú trọng những động tác chính và sau khi tập xong thì không mấy ai nhớ tới việc cần thư giãn. Trong khi đó, việc thư giãn sau khi tập là rất cần thiết vì nó không chỉ hạn chế đau nhức cơ mà còn giúp nhịp tim trở lại ổn định hơn. Do đó, sau khi kết thúc bài tập thì bạn nên nhớ thư giãn cơ, đi bộ nhẹ nhàng hoặc chỉ đơn giản là thở sâu, thở đều trong vài phút cũng mang lại hiệu quả tích cực.
Chạm tay vào da mặt
Khi vừa tập thể dục xong, cơ thể bạn và cả đôi tay đều đầy mồ hôi. Đặc biệt, đối với những bạn tập bằng máy tập công cộng ở công viên hay phòng tập gym thì vi khuẩn bám vào tay càng nhiều gấp bội. Do đó, để an toàn cho làn da thì trong khi tập hoặc sau khi tập, bạn không nên chạm tay vào da mặt để hạn chế tối đa vi khuẩn bám vào và gây mụn.
Ăn thực phẩm giàu chất béo
Sau khi tập thể dục xong, hầu như ai cũng thấy đói, việc ăn một ít thực phẩm vào lúc này cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích nhằm phục hồi năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, nên nhớ tránh các thực phẩm giàu chất béo, nhiều dầu mỡ. Bởi các thực phẩm này không chỉ lâu tiêu, khó hấp thụ mà còn khiến quá trình tập luyện trở nên vô nghĩa.
Lười uống nước
Lười uống nước là thói quen tai hại nhất sau khi tập thể dục. Bởi trong khi tập thường đổ khá nhiều mồ hôi nên cơ thể thường rơi vào tình trạng thiếu nước và cần bổ sung ngay. Có như vậy thì cơ thể mới không bị ảnh hưởng do mất nước gây ra. Tuy nhiên, cũng nên nhớ sau khi tập chỉ uống vài ngụm nước vừa phải.
Không thay quần áo
Quần áo ướt đẫm mồ hôi là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Thế nhưng, nhiều người sau khi tập thể dục xong cứ vô tư mặc nguyên trang phục đó để đi ăn uống, thậm chí còn về nhà nằm nghỉ ngơi trên giường... Lúc này, lượng vi khuẩn nhiều trên quần áo sẽ có dịp tấn công cơ thể và dễ gây bệnh hơn. Do đó, sau khi tập xong cần thay quần áo, tất chân càng sớm càng tốt để vi khuẩn không bám vào da, vào người gây hại. Trên đây là những thói quen không tốt cần tránh sau khi tập thể dục mà bạn cần luu ý. Nhớ được những điều này, sức khỏe của bạn sẽ được cải thiện tối ưu sau những bài tập thể dục mỗi ngày!
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Đất nước Việt Nam qua các đời.
- Mùa nắng phai.
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC ĐỜI
Biên giới Việt Nam qua các đời như thế nào? Câu hỏi này được nhà sử học Đào Duy Anh giải thích chi tiết trong công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử nổi tiếng - “Đất nước Việt Nam qua các đời” (được xuất bản thành sách lần đầu năm 1964 và được tái bản có chỉnh lý nhiều lần).
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” do Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2016, có độ dày 378 trang. Trong quyển sách, tác giả tập trung nghiên cứu địa lý hành chính để nhận định cương vực của nước Việt Nam và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, từ thời Văn Lang, Âu Lạc, qua thời kì Bắc thuộc, trải đến thời tự chủ và cho đến thời nhà Nguyễn.
Quyển sách bao gồm 15 chương khảo cứu chính về địa lý hành chính của các quốc gia cổ của người Việt, từ Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại Hán – Tam Quốc – Lưỡng Tấn – Nam Bắc Triều – Tùy Đường, đến các triều đại tự chủ: Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ - Lê – Nguyễn. Nội dung chính đề cập tới phần địa lý hành chính để nhận định cương vực của nhà nước và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, rồi đến quá trình mở mang lãnh thổ và ổn định biên giới. Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu địa lý học chính trị thông qua các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm thời Lê Hoàn, Quang Trung, … cùng những vấn đề liên quan tới bảo toàn lãnh thổ dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy lịch sử hình thành của đất nước Việt Nam cũng gắn liền với sự thay đổi địa lý đất nước – thông qua các hoạt động xây thành mở cõi, chiến đấu chống ngoại xâm, di dân lập ấp, khai khẩn đất đai, đào kênh mở đường…
Với công tác nghiên cứu công phu, khối lượng sách tham khảo đồ sộ, tác giả Đào Duy Anh đã vẽ nên bức tranh rộng lớn, mô tả sự phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam kéo dài gần hai thiên niên kỷ, khiến công trình trở thành một nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất về lãnh thổ Việt Nam trong thế kỉ XX.
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” và các công trình nghiên cứu khác cùng chuyên ngành đã xác lập vị trí của Đào Duy Anh là một nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất cho đến nay, là người khơi mở và truyền cảm hứng cho sự phát triển chuyên ngành này ở Việt Nam.
Mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 959.7 / Đ124N, Mã số: DL.015311, MG.008320, MG.008321.
MÙA NẮNG PHAI
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mà còn chứa đựng cả linh hồn dân tộc. Không chỉ là trang phục truyền thống, áo dài còn thể hiện những giá trị tốt đẹp về đạo đức, thẩm mỹ và là một di sản quý báu. Theo dòng chảy của lịch sử, chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn của xã hội. Thế nhưng, dẫu thay đổi thế nào đi chăng nữa, áo dài vẫn luôn là biểu tượng của vẻ đẹp, văn hóa và là niềm tự hào của hàng triệu người con đất Việt.
Thư viện TP. Cần Thơ xin giới thiệu đến các bạn quyển sách “Mùa nắng phai” do Nxb. Lao động ấn hành năm 2017. Sách có độ dày 135 trang, gồm 130 bức ảnh tâm đắc nhất trong 20 năm cầm máy của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dũng, cũng chính là 130 câu chuyện thi vị về hình tượng người phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống, được chia làm 3 phần: ảnh màu, ảnh đen trắng và ảnh xử lý photoshop.
Theo tác giả, đó là những bức ảnh đẹp nhất trong 20 năm cầm máy của anh. Ngay từ nhan đề “Mùa nắng phai”, tập sách ảnh đã đầy sức gợi tả. Ở đó, anh đưa công chúng đến với những khung cảnh thi vị: Những cô gáo mặc áo dài, yếm cũ, váy đụp trong không gian mang vẻ xưa cũ - nhà cổ Bắc Bộ, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng; hay những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, sông Như Ý (Huế), khua mái chèo trên sông Hoài, (phố cổ Hội An), bên những ngôi chùa cổ, ở Phủ Thành Chương, Thành cổ Sơn Tây (Hà Nội)... Tập sách này gồm những bức ảnh thiên về bảng màu đơn sắc (với những gam màu trầm, ấm), những vẻ đẹp cũ trong không gian yên bình với sự chảy trôi chầm chậm của thời gian. Những nhân vật trong ảnh cuốn hút mọi ánh nhìn bằng vẻ đẹp dịu dàng, e ấp nhưng cũng tràn đầy sức sống.
Trong sự gấp gáp, hối hả của nhịp sống đương đại, ta ít gặp những tà áo dài. Bởi thế, qua tập ảnh này, tác giả muốn đưa đến cho người xem những phút tĩnh lặng để ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp của trang phục truyền thống và vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt. Đây cũng là cách để góp phần giữ gìn, tôn vinh văn hóa truyền thống.
Quyển sách “Mùa nắng phai” hiện đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 779/M501N, Mã số: TC.4346. Mời quý vị và các bạn tìm đọc.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Cảm hứng vô tận”.
Khi hạnh phúc, tâm bạn sẽ rộng mở. Bạn sẽ vượt qua nỗi sợ và mở lòng đón nhận mọi cơ hội mang lại cho mình nguồn cảm hứng.
Bạn có thể dễ dàng chia cuộc sống thành hai phần: một bên là những việc bạn làm vì kỳ vọng hoặc vì ai đó yêu cầu - cho dù lúc bạn còn nhỏ, còn đi học, hay đi làm - và một bên là những việc bạn làm vì tự bản thân mình thấy hứng thú. Niềm cảm hứng khiến bạn năng động tích cực và kết quả là bạn làm việc trong sự hứng khởi. Thậm chí bạn còn làm được những việc vượt quá khả năng thông thường của mình.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng gặp tình huống này, chúng ta đều muốn hiểu và tìm cách kích hoạt năng lượng tích cực đó. Vậy năng lượng này từ đâu đến, và cảm hứng hoạt động theo cơ chế nào? Liệu bạn có thể tự điều động nguồn cảm hứng của mình hay sẽ phải chạy theo và tìm kiếm nó? Đây là câu hỏi tất yếu mà bất cứ ai đã từng trải nghiệm và nhận ra tiềm năng của cảm hứng đều muốn tìm câu trả lời.
Tìm cảm hứng không phải là việc dễ dàng. Cuộc sống là chuỗi ngày quen thuộc với một danh mục những việc cần làm. Trong hoàn cảnh đó làm sao chúng ta có thể buông xuôi tất cả để đi tìm cảm hứng? Hay cảm hứng sẽ tự tìm đến với ta? Đôi khi trong những nhộn nhịp của cuộc sống, bạn trải nghiệm khoảnh khắc đặc biệt: sững sờ trước một áng thơ hay, chấn động trước hình ảnh cặp vợ chồng già nua tay trong tay, khám phá một món ăn tuyệt ngon hoặc thư giãn với những người yêu thương nhất của mình trong một kỳ nghỉ đáng nhớ. Bỗng nhiên, chẳng hề chuẩn bị, bạn thấy tâm ngập tràn cảm hứng. Khoảnh khắc riêng tư đặc biệt đó lưu dấu trong tâm bạn nhiều năm, như những món quà mà cuộc sống mang lại. Những thói quen tinh thần và cảm xúc thường ngày có thể trói buộc chúng ta, nhưng một khi đã trải nghiệm khoảnh khắc cảm hứng, chúng ta nhận ra tâm mình được trải rộng, thăng hoa đến nhường nào. Những trải nghiệm ấy có năng lực chuyển hóa vô cùng mạnh mẽ.
Có một người phụ nữ đã kể cho tôi nghe, cô ấy muốn ngắm hoàng hôn xuống vào ngày ngắn ngủi nhất trong năm, ngày Đông chí, nhưng cô không chắc có thể thấy được vì ngày hôm đó trời rất nhiều mây. Cô ấy đứng đó, nhìn xuống thung lũng ở một vùng nông thôn nước Anh và đã toan quay lưng ra về thì thoáng thấy một tia nắng xuyên qua đám mây và rồi ánh mặt trời xé tan màn sương mù. Cô không hề trông đợi nhìn thấy cảnh tượng tuyệt vời đó, và rồi khi ra về cô cảm thấy bồi hồi trong tâm - như vừa được mặt trời hào phóng ban tặng một món quà đặc biệt.
Khi có cảm hứng, chúng ta có thể nhìn xuyên qua hình tướng giả tạm của thế giới và nhận ra điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Khi có cảm hứng, chúng ta thấy mình dễ dàng tập trung, mọi bước chân, hành động đều nhẹ nhàng, chính xác hơn, chúng ta nhanh chóng hòa mình và hoàn thành mọi công việc, nhìn thấu rõ từng chi tiết, thấy mình hạnh phúc và cũng lan tỏa niềm vui tới những người khác. Nguồn cảm hứng như nuôi dưỡng trí tuệ bên trong, tiếp thêm sức lực cho cơ thể. Chúng ta thấy hứng thú với món ăn, thấy hồ hởi khi tiếp xúc với mọi người, thậm chí đi bộ trong rừng cũng khiến mình thấy vui. Cảm hứng giúp chúng ta hiểu rõ mình muốn làm gì rồi tiếp sức để tâm chúng ta quyết định tiến lên và hoàn thành mong nguyện ấy.
Học cách trân trọng và quan sát cuộc sống, bạn sẽ nhận ra điều gì mang lại cảm hứng, động viên bạn nắm bắt cảm hứng và chuyển hóa nó thành hành động. Bạn sẽ không còn phải chạy theo những ước mơ không bao giờ với tới. Thay vì vậy, bạn sẽ khiến chúng trở thành hiện thực trong mỗi phút giây, mỗi ngày. Bạn sẽ thực sự sống với tâm nguyện của chính mình, trong mỗi việc bạn làm.
Cảm hứng cũng có thể lan truyền ra xung quanh. Giống như ném viên sỏi xuống một hồ nước nhỏ, cảm hứng của bạn có thể truyền sang những người khác. Khi tâm trí phấn khởi, bạn thường tự nhiên chia sẻ tâm trạng vui vẻ ấy với mọi người. Càng vui vẻ hạnh phúc bao nhiêu, bạn sẽ càng rộng lượng bấy nhiêu. Bạn sẽ vượt qua mọi lo lắng, sợ hãi về những gì có thể hay không thể xảy ra, mở lòng với mọi cơ hội mang lại cho mình niềm cảm hứng.
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài nhạc giao hưởng Red Nose Reindeer.