I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tránh xa ngay 4 món ăn có nguy cơ gây ung thư luôn hiện hữu xung quanh bạn” được trích từ tạp chí Gia đình.
Nhiều người không biết rằng, một số chất gây ung thư có thể được ẩn trong chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta.
1. Thịt nướng - chứa chất gây ung thư
Khu vực nguy hiểm nhất: Dạ dày, ruột, phổi.
Khi thịt và các thành phần khác tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa hoặc nướng ở nhiệt độ cao, rất có khả năng sẽ sản sinh ra chất benzo(α)pyrene, bao phủ trong thực phẩm hoặc thông qua khói dầu được con người hít vào cơ thể.
Đặc biệt ở phần cháy khét hàm lượng benzo(α)pyrene sẽ cao hơn. Tiêu thụ lâu dài các loại thực phẩm có chứa benzo(α)pyrene, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư phổi, ...
Khuyến cáo: Thịt nướng, hun khói hoặc thực phẩm chiên nhiệt độ cao sẽ gây ung thư, nhưng cần phải có một quá trình tích lũy lâu dài. Do đó, tần suất tiêu thụ thịt nướng càng ít thì rủi ro càng thấp, không nên dùng phương pháp nướng hoặc chiên trở thành thói quen nấu nướng hàng ngày.
2. Một số thực phẩm ngâm ướp
Khu vực nguy hiểm nhất: Dạ dày, ruột.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thực phẩm ướp muối, hay ngâm muối như cá muối, có hàm lượng nitrosamin cao. Vì cá muối được muối và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, một lượng lớn nitrit được hình thành, sẽ tiếp tục hình thành nitrosamine khi đi vào cơ thể người, thường tiêu thụ loại thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Khuyến cáo: Hạn chế ăn đồ ngâm ướp, muối. Nếu ăn dưa cà muối cố gắng ăn sau khi muối 2, 3 tuần, hàm lượng chất độc trong rau sẽ giảm, đặc biệt không ăn quá nhiều cùng một lúc. Nên sử dụng bổ sung lượng vitamin C thích hợp, điều này có thể làm giảm nguy cơ gây ung thư ở một mức độ nào đó.
3. Thực phẩm bị mốc (aflatoxin)
Khu vực nguy hiểm nhất: Gan.
Aflatoxin là một chất gây ung thư rất mạnh. Nó có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng do ngộ độc cấp tính. Phơi nhiễm liều thấp mãn tính sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư gan. Gạo mốc, ngô mốc, đậu phộng và dầu ăn mốc đều chứa aflatoxi. Chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư trong ung thư gan.
Ngoài ra, một số tủ tre đũa gỗ, thớt gỗ đã được sử dụng trong một thời gian dài dễ tạo ra các vết nứt nhỏ, cũng có thể trở nên nguy hiểm vì dư lượng thức ăn nhỏ còn sót lại trong các vết nứt và gây ẩm mốc.
Khuyến cáo: Không được ăn đồ bị mốc, chỉ cần phát hiện thực phẩm bị mốc 1 phần cũng nên vứt bỏ hoàn toàn, bởi sản phẩm bị mốc không quan sát được bằng mắt thường, ngay cả thực phẩm để trong tủ lạnh thời gian dài cũng không nên ăn. Rửa dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng, để ráo nước, phơi khô. Thường xuyên thay đũa gỗ, tre, hoặc có thể sử dụng bằng đũa thép không gỉ.
4. Đồ uống có cồn
Khu vực nguy hiểm: Gan, ruột, thực quản.
Nhiều bệnh thông thường và ung thư, có liên quan mật thiết đến rượu. Một nghiên cứu dân số lớn cho thấy liều an toàn nhất khi uống rượu là bằng 0, chỉ cần là rượu đều là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong, bất luận là rượu vang đỏ, rượu vang trắng, bia hoặc rượu thuốc. Các khối u đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư gan, ung thư vú… đều có liên quan đến uống rượu.
Khuyến cáo: Bởi vì các mối nguy hại cho sức khỏe khi uống rượu không chỉ giới hạn ở bệnh ung thư mà còn gây ra nhiều các loại bệnh khác. Không có thứ gọi là "uống rượu phù hợp sẽ tốt cho sức khỏe", do đó uống ít hay nhiều cũng đều có nguy hại. vì vậy, tốt nhất là không nên uống đồ uống có cồn.
II. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Ý nghĩa của ngày 20/11 - Ngày nhà giáo Việt Nam”.
Nguồn gốc của Ngày nhà giáo Việt Nam
Tháng 07/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo được thành lập tại Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên.
Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (Thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo viên đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 - 30/08/1957 tại Warszawa (Hội nghị có 57 nước tham dự), lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo".
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Ý nghĩa của Ngày nhà giáo Việt Nam
Ngày Nhà giáo Việt Nam (còn được gọi là Ngày lễ Hiến chương nhà giáo Việt Nam) là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 tại Việt Nam. Đây là ngày lễ hội của ngành giáo dục, là Ngày nhà giáo, ngày của sự "Tôn sư trọng đạo" với mục đích tôn vinh những con người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Vào ngày này, các học sinh, sinh viên thường đến tặng hoa và biếu quà cho các thầy cô giáo.
Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại các hoạt động giáo dục và tìm ra phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Và như đã trở thành thông lệ, vào Ngày nhà giáo Việt Nam tất cả các trường trong cả nước lại sôi nổi tổ chức các hoạt động văn nghệ do những học sinh trong trường thực hiện, tổ chức các lễ mít-tinh chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam, dựng trại, thi cắm hoa... cùng rất nhiều hoạt động khác có ý nghĩa.
Ngày 20/11 hàng năm đã trở thành dịp đặc biệt để những bạn học trò thể hiện tình cảm của mình với những người đã luôn tận tình truyền đạt kiến thức, dìu dắt mình lớn lên. Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam chúng ta vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tôn sư trọng đạo, ăn quả nhớ kẻ trồng cây hay không thầy đố mày làm nên… Đó cũng là thời gian để suy ngẫm, để nhớ về những kỉ niệm với thầy cô.
Ngày 20/11 là khoảng thời gian để tất cả các thế hệ học trò ở những ngành nghề khác trong xã hội dành thời gian để chia sẻ và tri ân tới thầy, cô. Những người từng ngày âm thầm lặng lẽ cống hiến hết cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người của đất nước.
Đã bao lâu rồi bạn chưa thăm lại thầy cô? Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam - Ngày 20/11 sắp đến hãy dành thời gian cùng bạn bè để tri ân đến thầy cô và cùng tạo ra một Ngày nhà giáo Việt Nam ý nghĩa nhé!
III. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Nhớ ơn thầy cô”, một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện.