Chuyên mục truyền thanh Tuần 610 (16/12 – 22/12/2019)

Thứ ba - 11/02/2020 04:01 1.086 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Món ăn người Việt ưa thích này có đúng là kẻ thù của mỡ máu, tim mạch?” trích từ tạp chí Gia đình.
    Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao. Trong trứng có đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, các men và hormone. Đây là món ăn trẻ em Việt Nam và nhiều người ưa thích.
    Tuy nhiên, nhiều người, đặc biệt là người mắc bệnh mỡ máu cao, tăng huyết áp, tim mạch... băn khoăn có nên ăn trứng hay không bởi lo sợ trứng làm tăng nặng tình trạng bệnh. Cũng có nhiều người lo lắng ăn quá nhiều trứng sẽ dễ mắc các bệnh về tim mạch.
Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng khẳng định, tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng tương quan với nhau rất thích hợp, cân đối.
    Thành phần của trứng có lòng đỏ và lòng trắng. Lòng đỏ là thành phần quan trọng nhất của trứng trong đó tập trung phần chủ yếu của các chất dinh dưỡng. Lòng đỏ trứng gà có 13,6% đạm, 29,8% béo và 1,6% chất khoáng.
    Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất, hoàn thiện nhất. Lòng trắng chiếm phần lớn là nước, có 10,3% chất đạm, béo và chất khoáng rất thấp.
    Chất đạm của lòng đỏ trứng chủ yếu thuộc loại đơn giản và nằm ở trạng thái hoà tan, chất đạm của lòng trắng chủ yếu là Albumin và cũng có thành phần các axit amin tương đối toàn diện.
    Chất đạm của trứng là nguồn rất tốt các acid amin cần thiết có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, đặc biệt cần thiết cho sự phát triển cả về cân nặng và chiều cao của trẻ.
    Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là Lecithin. Lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác, nó tham gia vào thành phần các tế bào và dịch thể của tổ chức đặc biệt là tổ chức não.
    Nhiều nghiên cứu cho thấy Lecithin có tác dụng điều hoà lượng cholesterol, ngăn ngừa tích luỹ cholesterol, thúc đẩy quá trình phân tách và bài xuất nó ra khỏi cơ thể.
    Trứng cũng chứa lượng cholesterol đáng kể (600mg cholesterol/100g trứng gà), nhưng trứng cũng có tương quan thuận lợi giữa Lecithin và Cholesterol do vậy Lecithin sẽ phát huy vai trò điều hòa cholesterol, ngăn ngừa quá trình xơ vữa động mạch và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể.
    Trứng cũng là nguồn vitamin và chất khoáng tốt. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt... tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Lòng đỏ có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, K).
    Cả trong lòng đỏ, lòng trắng có chất Biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để sản xuất năng lượng của cơ thể. Khi ăn trứng sống có biểu hiện ngộ độc chính là tình trạng thiếu Biotin với các dấu hiệu: Chán ăn, nôn mửa, viêm lưỡi, viêm kết mạc, viêm quanh móng...
    Trứng là thức ăn quen thuộc và giàu dinh dưỡng, các chất dinh dưỡng lại ở tỉ lệ cân đối, do vậy trứng có thể sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.
    Các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ nhỏ dưới 5-6 tháng, chỉ nên ăn 3 lần/tuần, mỗi lần một nửa lòng đỏ trứng gà dưới dạng nấu bột hay nấu cháo.
    Với trẻ trên 7 tháng, mỗi ngày có thể ăn 1 quả trứng gà hoặc một nửa quả trứng vịt hoặc 6 quả trứng chim cút. Với người lớn một tuần có thể ăn 3-4 lần trứng.
    Với người bị cao huyết áp hoặc cholesterol máu cao vẫn có thể ăn trứng vì qua những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng Hoa Kỳ đã khẳng định là ăn trứng không làm tăng huyết áp và cholesterol máu. Tuy nhiên với những người có huyết áp cao và mỡ máu cao chỉ nên ăn 2-3 lần trứng trong một tuần.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Hoàng Văn Thụ: Những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ.
     - Phát huy thế mạnh biển đảo Việt Nam trong hoạt động thể thao và du lịch.

 
HOÀNG VĂN THỤ: NHỮNG BÀI VIẾT VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ

    Đồng chí Hoàng Văn Thụ là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, người có đóng góp lớn vào phong trào cộng sản Việt Nam và là nhà thơ cách mạng Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.
    Quyển sách “Hoàng Văn Thụ: Những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ” do Lam Hồng sưu tầm, tuyển chọn, Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2017 sẽ giúp người đọc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí - Người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc.
    Sách có độ dày 123 trang gồm nhiều bài viết khái lược thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đồng chí sinh ngày 04/11/1909, là người dân tộc Tày, quê ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, sau đó được bổ sung vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác công - binh vận. Tháng 8/1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và bị xử bắn ngày 24/5/1944, tại Bạch Mai (Hà Nội).
    Những cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước; những bài học quý báu từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí cũng được trình bày qua lời kể từ những người thân, đồng đội qua những bài viết như: “Đồng chí Hoàng Văn Thụ viên ngọc sáng ngời của cách mạng Việt Nam” (Vương Văn Hòa), “Hoàng Văn Thụ tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân” (Ngô Vương Anh), “Hoàng Văn Thụ niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn” (Hoàng Hà), “Một tấm gương trung liệt” (Anh Thu),… Đó là bài học về tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường giai cấp công nhân; bài học về phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí cũng đã để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu về xây dựng tình đoàn kết, tinh thần tự phê bình và phê bình rất hữu ích cho công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ trong sạch; xây dựng đoàn kết nội bộ, gây dựng tình cảm thân ái, tôn trọng lẫn nhau.
    Quyển sách “Hoàng Văn Thụ : Những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ” còn là tài liệu hữu ích giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
    Sách đang phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 959.703092 / H407V; tại phòng Đọc với mã số: DV.053458; phòng Mượn với mã số: MG.008830, MG.008831.

 
PHÁT HUY THẾ MẠNH BIỂN ĐẢO VIỆT NAM TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ THAO VÀ DU LỊCH

    Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển Đông, với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 02 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Vì vậy, nước ta là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo, trong đó có hoạt động thể thao và du lịch.
    Quyển sách “Phát huy thế mạnh biển đảo Việt Nam trong hoạt động thể thao và du lịch” do Phạm Hồng Lâm biên soạn, Nxb. Thể thao và Du lịch ấn hành năm 2018 sẽ cung cấp những kiến thức hữu ích, giúp cho bạn đọc nhận thức rõ về những tiềm năng, lợi thế biển đảo trong hoạt động thể thao, du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh của Tổ quốc.
    Sách có độ dày 255 với bố cục 03 phần.
    Phần 1 giới thiệu vai trò, tiềm năng của biển đảo Việt Nam và định hướng, chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỷ m3, tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Ngoài ra còn có tiềm năng lớn về giao thông thủy, nguồn lợi hải sản, những khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng, và tiềm năng về du lịch với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa liên quan đến môi trường biển, các lễ hội dân gian truyền thống, thu hút đông đảo khách du lịch. Nhận thức được vai trò, tiềm năng của biển đảo, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản định hướng để phát triển biển, đảo Việt Nam, như: Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Quyết định số 2782/QĐ-BVHTTDL ngày 15/8/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020”.
    Phần 2 trình bày những định hướng để phát triển thể thao biển như: Phát triển thể thao gắn với du lịch biển hay phát triển các môn thể thao bãi biển (lặn, lướt ván, dù bay, bóng ném, bóng chuyền, cầu mây); Tổ chức các sự kiện thể thao bãi biển. Ngoài ra quyển sách còn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị để phát triển thể thao biển: Xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể; Đinh hướng phát triển nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch thể thao; Phát triển và quy hoạch các môn thể thao biển phù hợp với điều kiện địa lý; …
    Phần 3 trình bày vị trí, vai trò của du lịch biển trong phát triển kinh tế biển, có sự so sánh các giá trị du lịch biển Việt Nam với cạnh tranh khu vực, nhìn nhận quốc tế. Về xây dựng hạ tầng du lịch: Phát triển các cơ sở lưu trú chất lượng cao, hình thành 03 trung tâm du lịch biển có sức hút với du khách. Về phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, chúng ta có các lễ hội vùng biển, các sản phẩm du lịch biển “xanh”, liên kết vùng để đa dạng sản phẩm, đã và đang xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch biển Việt Nam. Một số giải pháp phát triển du lịch biển đảo trong tình hình mới cũng được nhắc đến trong quyển sách để nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch biển nước ta.
    Quyển sách “Phát huy thế mạnh biển đảo Việt Nam trong hoạt động thể thao và du lịch” hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 338.4/PH110H; tại phòng Đọc với mã số: DV.55566, phòng Mượn với mã số: MA.20087, MA.20088.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
   Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “30 năm cho một giấc mơ!”.
    Vào đầu thập niên 50, tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam California, một cô bé 10 tuổi thường xuyên đến thư viện đọc sách. Trong khi chờ người thủ thư già đóng dấu hẹn ngày trả sách, cô bé thường nhìn rất lâu vào danh mục sách mới đặt trên kệ. Cô ngạc nhiên thích thú nhận ra công việc thật tuyệt vời của những người cầm bút, và thật vinh dự làm sao khi tác phẩm của họ được đặt trên mọi kệ sách, nơi mà cả thế giới có thể ngắm nhìn.
    Một ngày nọ, cô bé thổ lộ niềm mơ ước của mình với người thủ thư già:
    – Bác ạ, khi lớn lên, cháu sẽ trở thành một nhà văn. Cháu sắp sửa viết sách đấy.
    Người thủ thư già ngước nhìn cô bé với ánh mắt khích lệ và nụ cười động viên. Bà đáp lại:
    – Khi nào cháu viết sách xong thì hãy mang đến đây cho bác. Bác sẽ trưng bày chúng ở đây, ngay trên quầy sách này.
    Cô bé hứa với bà thủ thư rằng một ngày không xa, cô sẽ hoàn thành tác phẩm đầu tay của mình.
    Tám năm sau, cô bé đã tìm ra một tia sáng cho ước mơ của mình. Cô nhận công việc viết những mẩu tin nhỏ cho một tờ báo địa phương với khoản thu nhập 1,5 đôla cho mỗi tin như thế. Tuy nhiên, khoản thu nhập ít ỏi này chẳng là gì so với niềm vui khi cô thấy những bài viết của mình được đăng trên báo.
    Còn một quyển sách ư? Phải mất khá nhiều thời gian mới làm được.
    Một thời gian sau, cô làm biên tập cho bản tin của một trường trung học, lập gia đình và bắt đầu một cuộc sống mới. Thế nhưng nỗi khát khao được viết, được sáng tác vẫn luôn cháy bỏng trong cô. Những lúc rảnh rỗi, ngoài việc chăm sóc gia đình, cô nhận thêm việc phụ trách mục tin tức giáo dục tại một tờ tuần báo.
    Tuy vậy, vẫn chưa có cuốn sách nào ra đời.
    Rồi cô chuyển sang làm chính thức cho một tờ nhật báo lớn trong khi vẫn cộng tác với các tạp chí. Công việc càng lúc càng trở nên bận rộn.
    Cuối cùng, khi tin rằng mình đã tìm được đề tài tâm đắc, cô bắt tay vào viết. Cùng một lúc, cô gửi tác phẩm của mình đến hai nhà xuất bản. Một thời gian sau, cô nhận được phản hồi. Nhà xuất bản đánh giá cao ý tưởng của cô nhưng lại cho rằng tác phẩm của cô chưa đủ hay để có thể in thành sách. Cô buồn rầu ném xấp bản thảo vào một xó.
    Nhưng vài năm sau, giấc mộng văn chương ngày xưa lại trở về, ngày càng mãnh liệt hơn. Sau nhiều đêm trăn trở, suy tư về cuộc sống, về hạnh phúc và khổ đau, cô quyết định bắt tay vào viết một tác phẩm mới, đồng thời chỉnh sửa lại tác phẩm đầu tay của mình. Rất tự tin, cô gửi cả hai bản thảo tới nhà xuất bản và thật bất ngờ, không lâu sau, cả hai đều được in thành sách.
    Thế nhưng, phải mất đến hơn một năm sau, cô mới nhận được thùng sách biếu dành cho tác giả. Cô vội vã mở nắp thùng, lòng hồi hộp khi sắp được nhìn thấy đứa con tinh thần của mình. Và cô òa khóc. Cô đã phải đợi quá lâu để có thể nhìn thấy giấc mơ của mình thành hiện thực. Rồi cô chợt nhớ đến lời đề nghị của người thủ thư già ngày trước.
    Khi cô quay lại thư viện thì người thủ thư già đã không còn nữa. Cô viết cho người quản lý thư viện một lá thư, kể rõ với ông rằng những lời động viên của người thủ thư già ngày xưa đã tác động đến cô mạnh mẽ như thế nào. Cô còn viết rằng cô sẽ tham dự buổi họp mặt cựu học sinh trường cũ và mong ông vui lòng nhận những quyển sách của cô.
    Ngày họp mặt đã đến, cô hết sức ngạc nhiên khi trông thấy một thư viện mới rất khang trang được xây cạnh ngôi trường cũ. Từ phòng đọc sách có thể nhìn thấy lớp học, nơi cô từng đánh vật với các con số, công thức, định lý… Và sách của cô được đặt trang trọng trên chiếc kệ ngày xưa kèm theo lời giới thiệu. Cô ôm ghì lấy người quản lý thư viện để bày tỏ lòng biết ơn. Họ cùng chụp một bức ảnh bên ngoài thư viện để biết rằng mọi giấc mơ đều có thể trả thành hiện thực, mọi lời hứa đều có thể làm được cho dù có phải mất đến 30 năm hoặc lâu hơn nữa.
    Có những ước mơ mãi mãi chỉ là ước mơ, có những ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Đâu là sự khác biệt?

IV. GIẢI TRÍ
    Kính thưa quý vị và các bạn!
   Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bài hát “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, một sáng tác của Hoàng Hiệp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây