Chuyên mục truyền thanh Tuần 03 (13/01 – 19/01/2020)

Thứ năm - 26/03/2020 23:29 1.088 0

I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG                            
    Kính thưa quý vị và các bạn!
    Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Những sai lầm khi tập thể dục mà ai cũng tưởng đúng khiến phản tác dụng” được trích từ tạp chí Gia đình.
    Ai cũng biết tập thể dục rất tốt cho cơ thể, tăng cường sức khỏe, tinh thần thoải mái, ... Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách hoặc mắc một số sai lầm khi tập thể dục sau đây sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tập.
    Tập lúc sáng sớm là tốt nhất
    Điều này không hoàn toàn đúng. Tập vào buổi sáng là lựa chọn tuyệt vời để kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể. Đồng thời, khi đã tập vào buổi sáng rồi thì bạn sẽ không phải sợ là cuối ngày sẽ phải bỏ tập vì không có thời gian tập hay đã quá mệt.
    Trong trường hợp bạn không muốn tập vào buổi sáng thì hãy tập trong khung giờ từ 13 - 16 giờ. Nghiên cứu trên chuyên san Journal of Physiology vào năm 2019 phát hiện tập trong khung giờ này cũng có được hiệu quả như tập vào sáng sớm. Tất cả đều phụ thuộc bạn thích vận động vào lúc nào.
    Hạ nhiệt thụ động
    Nó có nghĩa là bạn nghỉ ngơi tuyệt đối sau khi tập thể dục, chẳng hạn như ngồi trên ghế, xem tivi hoặc nằm trên giường. Các nhà khoa học tin rằng điều đó không có lợi cho bạn vì cơ thể đang cố gắng phục hồi sau tất cả bài tập và nó tiến triển rất nhanh. Thay vào đó, bạn hãy thử thực hiện một vài hoạt động hạ nhiệt bằng cách chuyển động một chút. Có thể làm một số việc vặt trong nhà hoặc chơi với trẻ em.
    Thường xuyên thay đổi bài tập
   Thay đổi thường xuyên các bài tập cũng là một cách để làm mới và tạo hứng thú trong tập luyện. Tuy nhiên, việc thay đổi quá nhiều bài tập trong thời gian ngắn khiến cơ thể chưa kịp thích nghi được những kích thích trong các bài tập thể chất. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nếu bạn đã tiến hành tập thể chất, bạn phải gắn bó với bài tập đó ít nhất 8 tuần để nó mang lại kết quả.
    Chăm chỉ tập thể dục nhưng không nên "đứng núi này trông núi kia", hãy kiên trì với với một bài tập nào đó trong một khoảng thời gian nhất định để đem lại kết quả cho cơ thể.
Không ăn gì: Tập thể dục khiến các sợi cơ căng ra và sử dụng glycogen để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hãy thử bổ sung protein và một ít carbohydrates (trái cây, sữa hoặc thịt) không quá 30 phút sau khi tập luyện. Protein giúp chữa lành, làm săn chắc các cơ bắp, bổ sung calo để hồi phục mức glycogen và tránh kiệt sức.
    Không ăn gì
    Tập thể dục khiến các sợi cơ căng ra và sử dụng glycogen để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hãy thử bổ sung protein và một ít carbohydrates (trái cây, sữa hoặc thịt) không quá 30 phút sau khi tập luyện. Protein giúp chữa lành, làm săn chắc các cơ bắp, bổ sung calo để hồi phục mức glycogen và tránh kiệt sức.
    Tập luyện quá mức
    Dù bạn đang luyện tập thường xuyên, rất căng để sớm đạt kết quả, song cơ thể bạn vẫn cần nghỉ ngơi và thời gian để hồi phục. Tập thể dục quá mức và vắt kiệt sức lực cũng khiến việc luyện tập không hiệu quả. Vì vậy, hiểu được giới hạn của cơ thể là rất quan trọng.
    Nên tập cardio trước
    Một số quan niệm cho rằng trong buổi tập, việc chọn tập cardio trước rồi mới chuyển sang các bài tập sức mạnh sẽ mang lại hiệu quả giảm cân tốt hơn.
    Tuy nhiên, đây là cách tập không đúng. Vì khi đã hoàn thành các bài cardio, bạn sẽ mệt mỏi và không còn đủ thể lực để thực hiện bài nâng tạ. Các chuyên gia khuyến cáo là nên tập nâng tạ trước, cardio sau.
    Tập thể dục khi bị bệnh
    Vẫn cố gắng tập thể dục khi đang bị sốt hoặc có các triệu chứng khó chịu như ho khan, viêm họng, cơ thể mệt mỏi, chảy nước mũi là điều rất nguy hiểm. Nếu tập thể dục trong giai đoạn này có thể khiến cơ thể bị mất nước và mất nhiều thời gian cho việc phục hồi sức khỏe.
    Đối với người mắc bệnh mạn tính hoặc những bệnh nguy hiểm như suy tim, hen suyễn,... thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất cứ bài tập thể dục nào để tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe.
    Ít uống nước
    Một người bình thường phải uống ít nhất 2 lít nước/ngày để duy trì sức khỏe. Hầu hết chúng ta đều biết rằng uống nước trước và sau một buổi tập là điều bắt buộc. Tuy nhiên, không nhiều người trong chúng ta uống nước trong khi vận động. Thói quen nhấp vài ngụm nước giữa các lần tập giữ bạn tràn đầy năng lượng trong suốt thời gian tập luyện và phục hồi cơ bắp nhanh hơn.
    Không tắm
    Tắm sau khi tập luyện hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp. Nó làm giảm đau nhức và giúp cơ bắp tái tạo nhanh hơn, điều này khiến bạn được trang bị để tập luyện tốt hơn vào ngày hôm sau. Ngoài ra, tập thể dục làm làn da khỏe mạnh hơn, nhưng nếu bạn không tắm, tất cả vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh chóng trên da.

II. GIỚI THIỆU SÁCH                                                                                                     
    Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
    - Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang.
    - Các di tích lịch sử - văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng Việt Nam.
 
ĐẶC KHẢO VỀ PHONG TỤC TẾT VIỆT NAM VÀ CÁC LÂN BANG
 
    Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam, cùng với văn hóa Tết Âm lịch của các nước Đông Á. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội đất nước, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo.
    Quyển sách “Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang” do Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2016 gồm nhiều bài viết của nhiều tác giả sẽ giới thiệu đến bạn đọc những phong tục, tập quán ngày Tết Cổ truyền của nước ta với sự đóng góp từ các nét văn hóa của các cộng đồng dân tộc.
    Với độ dày 223 trang, sách gồm nhiều bài viết như: “Lễ tiến xuân, nghênh xuân dưới triều Nguyễn” (Phan Khoang), “Giai thoại về câu đối Tết” (Tô Nam Nguyễn Đình Diệm), “Cảm tưởng về Tết trong Nam” (Vương Hồng Sển), “Cổ nhân và các tục lệ về ngày xuân” (Phạm Văn Sơn), “Những lễ hội ở Hà Tiên trong ba tháng mùa xuân” (Đông Hồ), “Tranh tết” (Nguyễn Bá Lăng),…
    Qua các bài viết cho thấy tuy là Tết Cổ truyền của dân tộc nhưng tùy theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán từng địa phương khác nhau. Tuy nhiên tất cả đều có chung một điểm là có thể phân làm ba khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, những lễ nghi hay hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.
    Quyển sách “Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang” là công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.
    Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu tại phòng Đọc với ký hiệu phân loại: 394.269597 / Đ113KH, mã số: DL.017631; tại phòng Mượn với mã số: MA.020767, MA.020768.
 
CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ TÍN NGƯỠNG NỔI TIẾNG VIỆT NAM

    Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Việt Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện và những chiến công hiển hách của dân tộc trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Có thể nói mỗi tấc đất, mỗi địa danh ở nước ta đều là những di tích, những thắng cảnh đẹp và nổi tiếng với nhiều huyền thoại.
    Quyển sách “Các di tích lịch sử - văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng Việt Nam” do Trí Thức Việt biên soạn, Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2019 sẽ giới thiệu đến các bạn các di tích lịch sử - văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng của dân tộc, và là những minh chứng hùng hồn nhất cho thấy sự đa dạng về văn hóa ở mỗi vùng miền.
    Với độ dày 203 trang, quyển sách giới thiệu đến các bạn những địa danh như: Khu di tích Đền Hùng - một quần thể kiến trúc tín ngưỡng linh thiêng và độc đáo, Khu di tích danh thắng Yên Tử, Khu di tích Cổ Loa, Chùa Trấn Quốc, Khu di tích chiến thắng Bạch Đằng, Một số di tích lịch sử cách mạng của Tuyên Quang, ATK Định Hóa Thái Nguyên, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Di tích lịch sử Pắc Bó, Chùa Thiên Mụ,… Ngoài ý nghĩa là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cho nhân dân, những di tích này còn là những di sản văn hóa, những công trình nghệ thuật có giá trị được sáng tạo nên bởi sự thông minh, bàn tay khéo léo của nhân dân lao động. Đa số các di tích còn tồn tại cho tới ngày nay đều là những di tích, danh thắng nổi tiếng, những công trình có giá trị phục vụ cho việc tham quan, nghiên cứu, học tập của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
    Quyển sách “Các di tích lịch sử - văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng Việt Nam” chứa đựng nhiều thông tin hữu ích sẽ là cẩm nang của mỗi người trong hành trình tìm hiểu cội nguồn dân tộc.
    Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ, phòng Đọc với ký hiệu phân loại: 959.7 /C101D, mã số: DV.056726; phòng Mượn với mã số: MG.009800, MG.009801.

III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
    Các bạn thân mến!
    Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Người đúng mực là người đạt đến sự thành thục cao nhất”
    Cổ nhân hiểu Đạo, sống thuận theo tự nhiên, âm dương và tôn trọng các quy luật siêu hình. Họ nghiêm ngặt trong ăn uống, ngủ và thức đều đặn, có chừng có mực, không bao giờ lao lực làm việc. Hành vi của họ tuân theo các quy luật tâm linh. Họ sống cho đến hết số kiếp đã an bài.
    1. Sự đúng mực trong tâm
    Cổ ngữ nói, con người quý ở chỗ tự mình biết mình. Quá trình thành thục cũng chính là quá trình tự nhận biết mình. Mỗi một người đều là một thân thể độc lập, cho dù là có mối quan hệ thân thiết như thế nào đi nữa thì cũng không thể có khả năng “hai người là một” được.
    Mỗi người lớn lên trong hoàn cảnh khác nhau, cách suy nghĩ và phương thức làm việc cũng khác nhau. Sự đúng mực trong tâm chính là chỉ việc làm tốt chính mình, không nên dùng quan niệm của bản thân mình để suy đoán người khác. Người chân chính thành thục sẽ không yêu cầu người khác, cưỡng cầu người khác phải giống mình.
    Giữa bạn bè cần phải có sự đúng mực, mỗi người có cuộc sống riêng của mình, không cần dùng ánh mắt nhìn chăm chú vào cuộc sống của người khác. Giữa người thân càng cần có sự đúng mực, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau, không nên cưỡng ép mỗi thành viên trong gia đình đều trở thành bản sao của mình.
    Âm dương ngũ hành có tương sinh tương khắc, cho nên, con người hay vạn vật đều phải có chừng mực mới có thể vận hành bình thường. Mỗi người đều không nên hoàn toàn dựa dẫm vào người khác, cũng không nên hoàn toàn kiểm soát người khác.
    2. Sự đúng mực trong lời nói
    Quá trình thành thục là quá trình không ngừng hiểu được sức mạnh của lời nói “thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”.
    Lời nói muốn đúng mực thì trước tiên phải có sự đúng mực trong tâm. Từ trong tâm nhận rõ chính mình, xác định đúng vị trí của mình, cân nhắc kỹ được lời nào nên nói lời nào không thì mới có thể nói ra những lời đúng mực. Lời nói không nên nói tuyệt, lúc đắc ý không nên nói lời khoa trương, lúc tức giận không nên nói lời cay nghiệt. Ở vị trí khác nhau, ở mối quan hệ khác nhau thì lời nói có ngữ khí và nội dung khác nhau.
    Giữ sự đúng mực trong lời nói, không nên đàm tiếu việc riêng tư của người khác. Trong cuộc sống, có không ít người rất thích tìm hiểu việc riêng của người khác, đem những điều mình tìm hiểu được ra làm chủ đề bàn luận. Thực ra ai cũng đều không thích có người khác đàm luận về mình sau lưng. Cho nên khi chúng ta muốn nói những lời đàm tiếu về người khác dù vô tình hay hữu ý thì hãy nên đổi vị trí của mình với họ để suy nghĩ một chút.
    Quá trình thành thục của một người cũng là quá trình học được cách im lặng. Người thường xuyên nói huyên náo, ồn ào, bất an thường thường là người không có khả năng thực sự. Người như thế mãi cũng không trở nên chín chắn được.
    3. Sự đúng mực trong hành vi
    Thành thục là học được cách dùng lý trí trước khi hành động, làm cho suy nghĩ luôn đi trước hành động. Trong động tác, hành vi phải có sự đúng mực, thoát khỏi sự khống chế của cảm xúc.
Một người thành thục nhất định phải làm chủ được cảm xúc của mình. Cho dù nội tâm có nhấp nhô, biến động đến mức nào đi nữa thì hành vi cũng phải có chuẩn mực. Không thể vì tức giận mà có những hành vi mất kiểm soát…
    Muốn có sự đúng mực trong hành vi, trước khi hành động cần phải có suy nghĩ kỹ càng. Trước khi làm việc, chúng ta cần lên kế hoạch, suy xét cân nhắc, không nên chỉ dựa vào sự nhiệt huyết nhất thời mà làm. Mỗi mối quan hệ khác nhau tự nhiên cũng có những hành vi đúng mực khác nhau. Giữa bạn bè có hành vi nào không nên làm, cần phải nhận rõ từ trong tâm. Trong cuộc sống hàng ngày, việc ăn, ở, ngủ nghỉ, lao động… đều phải có sự cân đối, đúng mực mới có thể khỏe mạnh cả tâm và thân.

IV. GIẢI TRÍ
     Kính thưa quý vị và các bạn!
    Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn hát “Giai điệu tổ quốc” của tác giả Trần Tiến.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây