I. KHOA HỌC VÀ CUỘC SỐNG
Kính thưa quý vị và các bạn!
Chuyên mục “Khoa học và cuộc sống” tuần này, chúng tôi xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Ăn lẩu vào ngày lạnh nên tránh nhúng những loại rau này vì có thể sản sinh độc tố gây nguy hại cho sức khỏe” trích từ tạp chí Gia đình.
Mùa Đông đến, không ai có thể chối từ sức hấp dẫn của cái hương vị đậm đà, ấm nóng của nồi lẩu. Bên cạnh vị ngon, lẩu còn là món ăn lai rai, giúp bạn bè, người thân quây quần và trò chuyện nhiều hơn.
Khi ăn lẩu, rau là một nguyên liệu không thể thiếu, thậm chí các chuyên gia còn khuyên chúng ta nên tích cực ăn nhiều rau để cơ thể được giải nhiệt, trừ nóng, đồng thời khiến cho món lẩu được thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Theo Trung tá, lương y Phạm Anh Đào, trong món lẩu không thể nào thiếu rau xanh nhưng không phải cứ kết hợp tùy hứng là được. Vì khi ăn lẩu, rau thường được trần sơ qua nên không phải loại rau nào cũng phù hợp. Hơn nữa, cũng có một số món lẩu "kén" rau, không phải loại rau nào cũng có thể ăn kèm bởi chúng có thể sinh độc ảnh hưởng đến sức khỏe.
1. Ăn lẩu gà không nên kèm rau kinh giới, cà chua
Lương y Phạm Anh Đào cho biết, trong Đông y thịt gà là vũ cầm, thuộc phong mộc về tạng can. Còn kinh giới vị cay tính ấm phá kết khí, hạ ứ huyết. Nếu ăn thịt gà mà kèm rau kinh giới có thể xảy ra hiện tượng chóng mặt, ù tai, run rẩy, ngứa ngáy… Ngoài ra, thịt gà cũng kỵ cà chua và tỏi nên không nên bổ sung 2 món này vào nồi lẩu gà.
2. Lẩu tôm, cua, sò, ốc không nên ăn kèm cà chua
Lương y cho biết, kiến thức về những món giàu vitamin C kỵ với hải sản đã được phổ biến từ lâu.
Trong khi đó, cà chua lại là một loại rau ăn giàu vitamin C, khi kết hợp với asen pentavenlent có trong tôm, cua, sò ốc… sẽ tạo thành asen trioxide (thạch tín). Nếu ăn nhiều, mọi người có thể đối mặt với nguy cơ ngộ độc, thậm chí là nguy hiểm tính mạng.
3. Lẩu bò không nên ăn kèm rau mùng tơi
Trong Đông y, thịt bò có tính ôn (ấm) trong khi đó rau mồng tơi lại có tính hàn, vị chua, trơn nhầy… Sự kết hợp này có thể khiến người ăn bị đau bụng, nhẹ thì đầy bụng khó tiêu, nặng thì gây táo bón, rất khó chịu.
4. Tránh ăn nấm lạ
Lương Phạm Anh Đào cho biết, có rất nhiều loại nấm thích hợp với việc ăn lẩu như nấm kim châm, nấm đùi gà… Nhưng sự thật là không phải loại nấm nào cũng an toàn khi ăn và mọi người phải cẩn trọng khi tự ý hái nấm lạ về nhà ăn. Tốt nhất nên tránh ăn nấm lạ vì đó có thể là nấm độc, gây ngộ độc và tử vong cho người ăn.
Làm sao để chọn rau an toàn khi ăn lẩu?
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, một điều hết sức quan trọng cần chú ý khi ăn lẩu đó là chọn rau sạch làm sao để vệ sinh nó thật cẩn thận trước khi ăn.
Để tránh ngộ độc, mọi người nên chọn mua rau sạch, có nguồn gốc rõ ràng bởi hiện nay trên thị trường có bán một số loại rau được phun thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… hay được trồng ở những nơi ô nhiễm. Sau khi mua về cần bỏ rễ và rửa sạch bằng nhiều lần nước, ngâm kỹ bằng nước muối hoặc dung dịch rửa rau.
Bạn có thể lựa chọn các loại rau nhúng lẩu rất an toàn và phổ biến như: Rau muống, rau cải ngọt, rau cải xoong, rau cải thảo, đậu phụ, nấm kim châm…
Nên tránh mua những loại rau dễ gây ngộ độc, dị ứng như giá đỗ, dọc mùng, nấm lạ, rau lạ, rau dại, lá môn ngứa…
Cách chọn rau phù hợp với từng món lẩu
Bạn cần chọn những loại rau đi kèm để phù hợp với từng món lẩu khác nhau, như sau:
- Lẩu riêu cua: Nên ăn kèm với rau sống, hoa chuối thái mỏng…
- Lẩu ốc: Rau tía tô thái nhỏ, rau muống chẻ, đậu phụ…
- Lẩu vịt: Rau ngổ, rau muống…
- Lẩu gà: Rau cải xanh, bắp chuối, rau muống, ngải cứu…
- Lẩu bò: Dứa, chuối xanh, rau cải thảo, rau cải ngọt, cải thìa…
- Lẩu hải sản: Hành tươi, cà chua, dứa, các loại rau thơm, rau muống, rau cần, cải ngồng...
II. GIỚI THIỆU SÁCH
Trong chuyên mục giới thiệu sách tuần này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 02 quyển sách:
- Đất nước Việt Nam qua các đời.
- Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ.
ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM QUA CÁC ĐỜI
Biên giới Việt Nam qua các đời như thế nào? Câu hỏi này được nhà sử học Đào Duy Anh giải thích chi tiết trong công trình nghiên cứu địa lý học lịch sử nổi tiếng - “Đất nước Việt Nam qua các đời” (được xuất bản thành sách lần đầu năm 1964 và được tái bản có chỉnh lý nhiều lần).
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” do Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2016, có độ dày 378 trang. Trong quyển sách, tác giả tập trung nghiên cứu địa lý hành chính để nhận định cương vực của nước Việt Nam và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, từ thời Văn Lang, Âu Lạc, qua thời kì Bắc thuộc, trải đến thời tự chủ và cho đến thời nhà Nguyễn.
Quyển sách bao gồm 15 chương khảo cứu chính về địa lý hành chính của các quốc gia cổ của người Việt, từ Văn Lang, Âu Lạc, qua các triều đại Hán – Tam Quốc – Lưỡng Tấn – Nam Bắc Triều – Tùy Đường, đến các triều đại tự chủ: Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ - Lê – Nguyễn. Nội dung chính đề cập tới phần địa lý hành chính để nhận định cương vực của nhà nước và vị trí các khu vực hành chính trải qua các đời, rồi đến quá trình mở mang lãnh thổ và ổn định biên giới. Bên cạnh đó, tác giả còn nghiên cứu địa lý học chính trị thông qua các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm thời Lê Hoàn, Quang Trung, … cùng những vấn đề liên quan tới bảo toàn lãnh thổ dân tộc. Chúng ta có thể nhận thấy lịch sử hình thành của đất nước Việt Nam cũng gắn liền với sự thay đổi địa lý đất nước – thông qua các hoạt động xây thành mở cõi, chiến đấu chống ngoại xâm, di dân lập ấp, khai khẩn đất đai, đào kênh mở đường…
Với công tác nghiên cứu công phu, khối lượng sách tham khảo đồ sộ, tác giả Đào Duy Anh đã vẽ nên bức tranh rộng lớn, mô tả sự phát triển và biến đổi của lãnh thổ Việt Nam kéo dài gần hai thiên niên kỷ, khiến công trình trở thành một nghiên cứu đầy đủ nhất, hệ thống nhất về lãnh thổ Việt Nam trong thế kỉ XX.
Quyển sách “Đất nước Việt Nam qua các đời” và các công trình nghiên cứu khác cùng chuyên ngành đã xác lập vị trí của Đào Duy Anh là một nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất cho đến nay, là người khơi mở và truyền cảm hứng cho sự phát triển chuyên ngành này ở Việt Nam.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 959.7 / Đ124N; phòng Đọc với mã số: DL.015311, phòng Mượn với mã số: MG.008320, MG.008321.
QUÁI THÚ RĂNG THỎ VÀ KHU NHÀ GỖ
“Ai trong chúng ta cũng có những kỉ niệm ấu thơ theo cách của riêng mình. Nhưng đối với những người sống ở thành thị, nhất là những ai trải qua một phần đời mình trong các khu tập thể cấp 4 xập xệ của thời bao cấp như chúng tôi, những năm tháng ấy thật đặc biệt.” - Nhà báo Trương Anh Ngọc đã viết thay lời giới thiệu quyển sách.
Quyển sách “Quái thú Răng Thỏ và khu nhà gỗ” của tác giả Mây (Nguyễn Thu Hằng) là câu chuyện lấy bối cảnh những năm 1990, xoay quanh kỷ niệm tuổi thơ của nhóm trẻ: Răng Thỏ, King Kong, Ngọc Rùa. Cả ba lớn lên trong khu tập thể bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Với độ dày 168 trang, tác phẩm được xây dựng qua lời kể nhân vật Răng Thỏ. Khi đã trưởng thành, cô bé nhớ về những ngày rong chơi bên bè bạn. Thời thơ ấu của Răng Thỏ và khu nhà gỗ gắn liền khu tập thể cũ kỹ trong bệnh viện Bạch Mai với vòm cây xanh, sân chơi nhỏ, những người bạn. Răng Thỏ nghịch ngợm, thường trốn ngủ trưa, rủ rê nhóm bạn đi hái nhãn, lên sân thượng bệnh viện ngắm các tòa nhà. Ngọc Rùa nhút nhát, sợ bạn bè cười nhạo mỗi lần cậu mắc lỗi. King Kong mạnh mẽ, coi mỗi cuộc chơi là cuộc chiến và thường ví bản thân như chiến binh, …
Bên cạnh khơi gợi kỷ niệm tuổi thơ, quyển sách còn tái hiện cảnh sinh hoạt trong khu tập thể Hà Nội thời bao cấp như những ngày hè mất điện, người dân xôm tụ ngoài hành lang, trẻ nhỏ tranh nhau chiếc quạt nan. Cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng giàu tình cảm. Thông qua truyện ngắn này, nhà văn muốn tạo ký ức thật đẹp cho những bạn đọc nhỏ tuổi, để khi lớn lên, trước sự đổi thay cuộc sống, các bạn sẽ có những nơi, những điều quý giá để hồi tưởng.
Quyển sách do Nxb. Kim Đồng ấn hành năm 2018. Mời bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ tại phòng Thiếu nhi với ký hiệu phân loại: 895.9223 / QU103TH; mã số: NA.003941, NA.003940.
III. CHUYÊN ĐỀ VỀ THANH NIÊN
Các bạn thân mến!
Chuyên mục về thanh niên tuần này xin gởi đến quý vị và các bạn bài viết “Tô mì của người lạ”.
Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo, cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang lang thang trên đường phố, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.
Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!
Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quầy hàng bèn hỏi: “Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?”
“Nhưng… nhưng cháu không mang theo tiền…” – cô thẹn thùng trả lời.
“Được rồi, tôi sẽ đãi cô – người bán nói – Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì”.
Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc.
“Có chuyện gì vậy?” – ông ta hỏi.
“Không có gì. Tại cháu cảm động quá!” – Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.
“Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cháu cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu… bả ác độc quá!” – cô bé nói với người bán mì…
Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài:
“Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi. Tôi mới chỉ đãi cô có một tô mì mà cô đã cảm động như vậy. Còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô lại không biết ơn, mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?”
Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó.
“Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ, dù chỉ một chút, mà chỉ vì một chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ”.
Trên đường về cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con…”
Khi bước lên thềm cửa, cô thấy mẹ đang mệt mỏi và lo lắng vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói:
“Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong nãy giờ rồi, vào mà ăn ngay cho nóng…”
Không thể kiềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.
“Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ là sự đương nhiên…”
Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.
Cha mẹ không hy vọng chúng ta đền đáp công ơn dưỡng dục, nhưng…
Liệu có bao giờ chúng ta biết quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta chưa?
IV. GIẢI TRÍ
Kính thưa quý vị và các bạn!
Trong chương trình phát thanh tuần này xin gửi đến quý vị và các bạn bản giao hưởng “Khúc nhạc mùa Noel”.