CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 29 (tháng 12/2024)                                                       

Thứ ba - 19/11/2024 04:14 66 0
                                                                     
     Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 29 (tháng 12/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
      Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Văn hoá tặng sách trong thời đại Internet” của Đức Nhân đăng trên báo điện tử Vietnamnet.
      Sau tang lễ của Steve Jobs - đồng sáng lập Apple thì những vị khách góp mặt đều được vợ ông tặng cuốn sách 'Tự truyện của một Yogi'  theo chính di nguyện của Jobs.
Nhà viết tiểu sử lừng danh - Walter Isaacson nói rằng Steve Jobs mỗi năm đều đọc lại cuốn          Tự truyện của một Yogi. Thật kỳ lạ khi Steve Jobs không trao tặng iPhone, iMac hay sản phẩm mới nhất trong thời điểm đó là iPad của công ty ông sáng lập và lãnh đạo cho những khách mời, mà lại là một cuốn sách. 
     Trước đó, trong nhà ông cũng thiếu vắng thiết bị công nghệ, thay vào đó là một tủ sách. Steve Jobs có quan điểm rằng công nghệ có thể bị thay thế song giá trị trường tồn mà sách đem lại thì không. Đối với Jobs, công nghệ là đại diện của trào lưu, còn sách là biểu tượng cho văn hoá. Vì thế, sau khi về nơi cực lạc, Jobs đã tặng lại cho những người bạn của mình giá trị vĩnh cửu của sách. 
     Ở Việt Nam, tặng sách đang trở thành văn hoá nở rộ ở nhiều lứa tuổi, thế hệ chứ không chỉ thuộc về các bạn trẻ. Hơn 10 năm trở lại đây, khi văn hoá đọc phát triển và phổ biến thì sách không chỉ là báu vật với những người mê đọc mà còn trở thành một món quà mang nhiều ý nghĩa tinh thần.
     Trên những trang mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và cả TikTok, rất nhiều người tìm đến các blogger, các cộng đồng để nhận được tư vấn về việc tặng sách cho bạn bè, người thân hay đồng nghiệp. 
     Có cả những bài viết, video với nội dung như “Top những cuốn sách hay dành tặng cho nhau”, “3 cuốn sách bạn phải tặng cho người quý mến nhất”… giúp cho người mua tìm được cuốn sách phù hợp nhất để dành tặng cho người mình trân trọng. 
     Ngày nay, một món quà đơn thuần như phụ kiện hay trang phục không nói hết được tấm lòng của nhiều người. Ngược lại, sách là đại diện cho tư duy, tinh thần và lòng mong mỏi muốn gửi đến nhau những điều tốt đẹp nhất.
      Phát triển bản thân là một trong các từ khoá phổ biến nhất hiện nay, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong bất kỳ độ tuổi, giới tính nào, từ người 20 tuổi cho tới 40, thậm chí là 60 tuổi. Và đọc sách chính là chìa khoá dẫn đến sự phát triển bản thân hiệu quả nhất. 
     Thông qua sách, người tặng muốn gửi đến người nhận những gì giá trị và có ích nhất. Sách khác với đa số món quà khác, chỉ có thể chắt lọc từ tri thức của bản thân và thông qua một cộng đồng tích cực. Cộng đồng đọc sách được tạo ra từ mỗi cá nhân đam mê đọc. Mỗi độc giả lại tiềm ẩn nội lực và tư duy khác biệt. Điều này được thể hiện qua những tác phẩm họ đọc và dành tặng cho cộng đồng lớn hơn.
     Như thế tặng sách không đơn thuần chỉ là giữa cá nhân với nhau, giữa người đọc và người chuẩn bị có thói quen đọc, mà tặng sách còn nuôi dưỡng và phát triển một cộng đồng văn minh. Ở Việt Nam văn hoá đọc sách đã có một chỗ đứng quan trọng, được chính phủ, truyền thông quan tâm và người dân hưởng ứng.
    Từ văn hóa đọc chúng ta phát triển thành văn hoá tặng sách. Tặng sách chính là cách thể hiện những gì bản thân mong muốn gửi gắm đến người khác hơn bất cứ thứ gì - mong muốn họ phát triển, tiến bộ và thành công trong thời đại mà tri thức chiếm vị trí quan trọng nhất 
    Mỗi cá nhân tặng người thân những cuốn sách giá trị nhất. Rồi những cuốn sách giá trị nhất này sẽ lan toả tới nhiều người khác. Nhiều người sẽ tạo ra các cộng đồng lớn mạnh và đem tới giá trị tích cực. Một xã hội có văn hoá đọc và tặng sách chính là một xã hội phát triển và tiến bộ.

      II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
     * Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức”  kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Lịch sử, ý nghĩa của ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội Quốc phòng Toàn dân 22/12” của M.H đăng trên báo điện tử Đầu tư.
     Tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: "Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền... đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc...".
      Chính vì vậy, vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã chính thức thành lập với 3 tiểu đội gồm 34 chiến sĩ được lựa chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng. 34 chiến sĩ này là con em các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, có tinh thần kiên quyết, dũng cảm, chí căm thù địch rất cao, đã siết chặt họ thành một khối vững chắc.
     Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng và đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới lá cờ đỏ sao vàng,            Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ.
Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam.
     Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh tuy ngắn nhưng rất súc tích. Bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta như: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang.
      Hồ Chủ tịch nói: "...Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".
      Tên gọi “Quân đội nhân dân” là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
     Chấp hành chỉ thị của Hồ Chủ tịch là: "phải đánh thắng trận đầu", vì vậy ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh "ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận".
      Và chỉ sau một tuần lễ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.
     Vào tháng 4/1945, theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ngày 15/5/1945 tại chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên), đã diễn ra lễ hợp nhất 2 đội: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc Quân với tên gọi mới là: Việt Nam Giải phóng quân, quân số ban đầu là 13 đại đội.
      Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng, là đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc.
Lực lượng võ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày đã đập tan ách đế quốc thực dân và chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
       Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, quân đội Việt Nam mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam.
      Và trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại, quân đội ta đã bước vào thời kỳ trưởng thành.
       Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như mọi bộ phận khác của nó mang cái tên lịch sử là Giải phóng quân miền Nam đã góp phần thành công trong công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.
       Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ, người cha của các lực lượng võ trang Việt Nam, đã dạy: "... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng..."
       Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
      Năm 1989, theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22/12 hàng năm không chỉ là ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng Toàn dân.
      Từ đó, mỗi năm, cứ đến ngày 22/12, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.

       * Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
         1. Quyển sách “Bác Hồ với các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam” do Đỗ Hoàng Linh và Văn Thanh Mai đã sưu tầm, biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2009. Sách có độ dày 303 trang gồm 2 phần chính: Biên niên sự kiện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các quân, binh chủng quân đội nhân dân Việt Nam; Những kỷ niệm với Bác Hồ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Với 63 bài viết đầy tình cảm kính yêu, trân trọng của các chiến sĩ quân đội dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Có Bác trong tim; Thật hạnh phúc khi được gặp Người; Bác Hồ chăm sóc cán bộ; Từ trường quân chính kháng Nhật đến Hà Nội; Theo Bác đi chiến dịch Biên Giới; Bác Hồ dạy chúng tôi làm công tác cảnh vệ; Bác thăm trường thương binh hỏng mắt; Chúng con nguyện xứng tên cùng Bác; Bác Hồ ăn Tết với chiến sĩ; Bác Hồ với đội du kích Pắc Bó;… giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về tình cảm của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với vị lãnh tụ kính yêu, Người đã dành nhiều công sức để đào tạo, rèn luyện, chăm sóc những thế hệ chiến sĩ trung thành, có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hóa và sức khỏe dồi dào, những con người dám “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.  Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 895.922803 / B101H. PHÒNG MƯỢN: MV.015279; MV.015280. PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.042525
         2. Quyển sách “Thành phố Cần Thơ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do tập thể tác giả Trường Chính trị thành phố Cần Thơ đã biên soạn, nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật phát hành năm 2024. Sách dày 204 trang gồm ba phần: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – một số vấn đề cơ bản;  Thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017-2023; Một số mô hình điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại thành phố Cần Thơ. Qua đây làm rõ ý nghĩa quá trình nhận thức, triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại thành phố Cần Thơ là sự nỗ lực phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cần Thơ, góp phần vào thành tựu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong suốt 20 năm (2004 - 2024). Từ đó, góp phần củng cố thêm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố Cần Thơ về niềm tin, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 335.4346/TH107PH. PHÒNG MƯỢN: MH.014339.

 

 
        3. Quyển sách “Môi trường văn hoá trên không gian mạng” do Từ Thị Loan chủ biên, Nxb. Văn hoá dân tộc xuất bản năm 2023. Sách với 440 trang gồm 4 chương:Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng môi trường văn hoá trên không gian mạng; Thực trạng môi trường văn hoá và xây dựng môi trường văn hoá trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay; Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng môi trường văn hoá trên không gian mạng; Dự báo xu hướng phát triển và giải pháp xây dựng môi trường văn hoá trên không gian mạng. Đây là những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện để tìm ra cơ chế, cách thức, biện pháp quản lý và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trên không gian mạng, tiến tới điều tiết, chuyển hoá, khắc phục những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực, góp phần xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 302.2309597/M452TR. PHÒNG MƯỢN: MA.027533.
      Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây