CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 25 (tháng 8/2024)     

Chủ nhật - 14/07/2024 23:47 159 0
                                                                                                                      
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 25 (tháng 8/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0  
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Vừa ăn vừa đọc sách có hại dạ dày không?” đăng trên chuyên trang điện tử Gia đình và xã hội của báo “Sức khỏe & Đời sống” https://giadinh.suckhoedoisong.vn

Một số người khi ăn uống thường tranh thủ vừa ăn vừa đọc sách báo. Nhưng thói quen này không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là dạ dày của bạn.

Muốn ăn ngon miệng, tiêu hóa hấp thu tốt cần có sự tham gia của các giác quan hỗ trợ thêm vị giác. Nhìn thấy một món ăn hấp dẫn (ngon mắt) ta tăng thèm ăn, ngửi thấy mùi thơm xào nấu là bụng thêm đói cồn cào, nghe nói đến mơ chua là ứa nước miếng.

Còn xúc giác? Nhiều người thích sờ mó vào món ăn, không dùng thìa, đũa... Nhiều người thích lấy tay nắm xôi ăn. Tất nhiên ngày nay chúng ta vận động bỏ cách ăn này vì mất vệ sinh.
Trong ăn uống, yếu tố tâm lý thần kinh rất quan trọng, nếu ta huy động các giác quan tập trung chú ý vào bữa ăn, món ăn không những ngon miệng mà các dịch tiêu hóa cũng được tiết ra nhiều và đầy đủ để tiêu hóa, do đó việc hấp thu chất dinh dưỡng sẽ tốt.

Nếu khi ăn, lại tập trung tư tưởng vào những việc khác (đọc sách báo, xem tivi, cãi nhau...) thì sẽ giảm hứng thú khi ăn, kém ngon miệng, nếu lặp đi lặp lại thường xuyên thì có hại cho tiêu hóa hấp thu nói chung, dạ dày nói riêng.

Đặc biệt trong dưỡng sinh xưa, người ta rất chú ý tập trung tinh thần khi ăn uống. Trong phép ăn uống của Yoga cũng nói: Phải biến mỗi bữa ăn của ta thành một nghi thức trang nghiêm. Như vậy, trước hết là phải giữ yên lặng trong khi ăn, không trò chuyện cười đùa, không bực tức.

Hai là phải chú ý và chỉ chú ý vào các động tác cần làm trong khi ăn như xới, gắp và nhai, ngoài ra không để tâm vào việc nào khác, không nghe nhạc, không đọc sách báo... Ba là phải giữ nhịp độ ăn thật thong thả, thật chậm rãi, nhai thật kỹ rồi mới nuốt... Những điều này rất phù hợp với sự hiểu biết của y học hiện đại.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Ngày Quốc khánh Việt Nam và những điều ít biết” do  Luyện Thủy tổng hợp đăng trên báo điện tử Quân đội nhân dân.

Chúng ta đều biết Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày lễ chính thức của nước ta, diễn ra vào ngày 2-9 hằng năm.

Tuy nhiên, theo các tài liệu lưu trữ quốc gia hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, trong những năm đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tên gọi “ngày QUỐC KHÁNH VIỆT NAM” được quy định là ngày 19 tháng 8 dương lịch, còn ngày 2 tháng 9 được quy định là “ngày VIỆT NAM ĐỘC LẬP”.

Cụ thể là Sắc lệnh 22C NV/CC ngày 18 tháng 2 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, quy định những ngày Tết, kỷ niệm lịch sử  và lễ tôn giáo, trong đó có ấn định ngày 2 tháng 9 là ngày “VIỆT NAM ĐỘC LẬP”.

Sắc lệnh 141bis ngày 26 tháng 7 năm 1946 do Quyền Chủ tịch Chính phủ Huỳnh Thúc Kháng ký về việc lấy ngày 19 tháng 8 dương lịch, ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 từ nay sẽ là ngày “QUỐC KHÁNH VIỆT NAM”.

Kể từ hai văn bản này, ngày 2 tháng 9 thường được gọi bằng các cụm từ khác nhau như: “Ngày Độc lập”, “Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, “ngày Tuyên ngôn độc lập”. Cho đến năm 1954, “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9” là văn bản chính thức đầu tiên Chính phủ sử dụng cụm từ “Quốc khánh” để nhắc đến ngày 2 tháng 9.

 “Khẩu hiệu kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh 2-9” được đăng trên báo Nhân Dân năm 1954.
Ngày 2-9 chính thức được quy định là ngày Quốc khánh tại điều 145, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992: “Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 là ngày Quốc khánh”, và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, chương 1, điều 13, mục 4 quy định: “Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945”.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
 
1. Quyển sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2023. Sách dày 623 trang và 111 hình ảnh minh họa thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách được chia thành 03 phần:
   Phần thứ nhất: “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam” gồm bài viết đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam từ khi thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng (năm 2013) đến nay; các bài phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các Hội nghị toàn quốc, các phiên họp về công tác phòng, chống tham nhũng nhiều năm qua. Phần thứ hai: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, gồm 22 bài viết, bài phát biểu được tuyển chọn từ hơn 500 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng Đảng. Phần thứ ba: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với số ký hiệu phân loại: 324.2597075 / K305QU. PHÒNG MƯỢN: MH.014311; MH.014312. PHÒNG ĐỌC: DL.021311

 
2. Quyển sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” do Hồng Minh tổng hợp biên soạn, Nxb. Hồng Đức xuất bản năm 2019. Sách với 171 trang, nội dung thể hiện qua năm chương: Chương I “Cưới hỏi” giới thiệu về nghi lễ cưới hỏi dân gian của nước ta như: Thế nào là lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ ăn hỏi; những thủ tục cần làm trước khi cô dâu về nhà chồng…; Chương II “Tục lệ và những điều cần biết đối với trẻ sơ sinh” viết về các tục lệ như: Tục đón tay trẻ sơ sinh, tục cúng đầy tháng, tục đặt tên cho trẻ…; Chương III “Tang lễ” đề cập đến những vấn đề về tang phục, tang chế, một số cách an táng người đã khuất và những điều cần biết về việc tang lễ…; Chương IV “Phong tục về những ngày lễ tết lớn trong năm” là những bài viết đa dạng về các phong tục vào Tết nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Giỗ Tổ Hùng Vương... cũng như một số ngày lễ tết của các dân tộc thiểu số như: Tết của người Mông, Lễ Tết cổ truyền Chool chnăm Thmây của người Khmer hay tết của người Tày, người Nùng ở Cao Bằng… hay một số lễ hội tiêu biểu ở ba miền như: Hội Chùa Hương – Hà Nội, Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ - Châu Đốc, Lễ hội Cá Ông (Cầu ngư) – Đà Nẵng…;  Chương V “Ngày, giờ và năm, tháng với những việc lớn trong đời”.  

Có thể thấy, hầu hết các phong tục vẫn được duy trì đến ngày hôm nay, nhưng một số phong tục bị mai một đi theo thời gian và một số khác được chắt lọc hoặc được kết hợp với nhau cho phù hợp với xã hội hiện đại. Quyển sách là một tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại 390.09597/M458TR;PHÒNG MƯỢN: MA.023224; MA.023225; PHÒNG ĐỌC: DL.018879
3. Quyển sách “Phòng tránh tai nạn ở trẻ nhỏ: Bảo vệ trẻ khỏi những sự cố, bắt nạt, lạm dụng” được viết bởi nhóm phóng viên Báo Asahi; do Nguyễn Đỗ An Nhiên biên dịch, Nxb. Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2022. Với độ dày 255 trang, sách gồm 5 chương. Chương 1 và chương 2 đề cập đến các nguy cơ tai nạn khác nhau tùy vào giai đoạn trưởng thành của trẻ và địa điểm, ví dụ nhiều tai nạn em bé ngừng thở trong lúc ngủ, té ngã khi bắt đầu biết đi,…từ đó giới thiệu các biện pháp có thể áp dụng ngay tại nhà. Chương 3 lắng nghe những trăn trở của các bậc làm cha mẹ như trầm cảm sau sinh hay việc nuôi con từ A-Z. Chương 4 tóm tắt những gì mà trường học, địa phương có thể làm để ngăn chặn bi kịch trẻ ở tuổi dậy thì. Chương 5 nghĩ về một xã hội mà mọi người cùng nhau bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn. 
     Quyển sách là ngọn hải đăng soi đường để tất cả chúng ta cùng nỗ lực bảo vệ con trẻ, để cuộc sống an toàn hạnh phúc hơn. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 613.6 / PH431TR;    PHÒNG MƯỢN: ME.008986; ME.008987; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.061753

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây