CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 21 (tháng 4/2024)    

Thứ ba - 12/03/2024 00:25 93 0
                                                                                                                    
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 21 (tháng 4/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài Người trẻ đọc sách nhiều hơn để sống tốt hơn” của Trần Hòa đăng trên trang điện tử Báo Giáo dục và thời đại.

Đọc sách là cách tiếp nhận tri thức cách hiệu quả. Từ sách, chúng ta không chỉ thu nhận tri thức mà còn học được cách sống đẹp.
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định “xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế”.
Để thực hiện những định hướng quan trọng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong thanh - thiếu niên.
Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

Đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành thư viện nói riêng, văn hóa đọc của thanh niên, thiếu niên có nhiều thay đổi, cần có những nhận diện thấu đáo để từ đó kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số.

Xoay quanh văn hoá đọc trong thanh niên, đã có nhiều hội thảo, toạ đàm nhằm đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc của thanh thiếu niên trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó xác định được những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân để tìm giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số nhằm đưa văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ hơn đối với thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, theo thống kê và xếp hạng Việt Nam vẫn nằm trong số những nước ít đọc sách. Biểu hiện lười đọc dễ thấy khắp nơi, đặc biệt trong giới trẻ. Thay vì đọc sách lúc rảnh rỗi, đa số thanh niên lại “lướt mạng” hoặc nói chuyện với bạn bè. Thay vì đọc sách, nhiều người lại lao vào các trò chơi điện tử.

Lười đọc sách không chỉ khiến chúng ta thui chột tri thức, tụt lùi lạc hậu mà còn vô tình đánh mất vẻ đẹp tâm hồn. Từ đó, những nhận thức cơ bản về chân – thiện – mỹ có thể không còn đúng đắn, thậm chí lệch lạc về cách nghĩ – cách sống – và trong chính cách ứng xử trong gia đình, cơ quan.

Từ cổ chí kim, không thể tự dưng mà thế giới coi trọng việc đọc sách. Đọc sách giống như nguồn nước cho cây trồng, tri thức chính là dinh dưỡng để nuôi dưỡng toàn diện và tăng sức đề kháng cho thân thể và cho tâm hồn. Sách cũng là “người thầy” dạy mỗi người cách sống phù hợp với hoàn cảnh.

Coi trọng đọc sách nên Việt Nam đã chọn ngày 21/4 là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, để mỗi người ý thức về tầm quan trọng của việc đọc sách. Các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có chỉ số đọc sách rất cao. Dễ thấy khách du lịch phương Tây sang Việt Nam – thường mỗi người đều cầm một cuốn sách trên tay. Họ có đọc bất cứ đâu, từ trên xe buýt đến công viên, thậm chí vừa đi trên phố vừa đọc sách.

Tại Việt Nam, bàn về vấn đề đọc sách, GS. Chu Hảo khẳng định trong bài viết “Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc”. Hay tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách?”, thực trạng giới trẻ lười đọc, ít đọc, đọc theo phong trào đã được chỉ ra. Trong đó, thói quen đọc sách của người Việt mới chỉ dừng lại ở việc tra cứu tài liệu, đọc theo đám đông và chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của việc đọc sách.

Đọc sách mang đến nhiều lợi ích bất ngờ, giúp kích thích não bộ phát triển, hạn chế lão hóa và giảm khả năng mất trí nhớ. Ngoài ra, đọc sách cũng giúp con người ta nâng cao hiểu biết, làm giàu vốn từ, tăng khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề…

Đặc biệt trong thời đại ngày nay khi xuất hiện nhiều sự lệch chuẩn thì đọc sách được ví như một con đường, như một “kim chỉ nam” giúp mỗi người đi đúng hướng. Bởi vậy, bạn đừng quên việc đọc sách mỗi ngày – vì như trên biển, bạn không thể bỏ quên la bàn.
         

II. NHỊP CẦU TRI THỨC 
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài “Đọc sách theo tấm gương Bác Hồ” của Hồ Minh đăng trên Báo điện tử Vĩnh Long.

Lịch sử chứng minh, qua các giai đoạn ở nước ta, người Việt Nam luôn có tinh thần hiếu học và ham đọc sách. Như cổ nhân đã nói: “Mỗi quyển sách là một hũ vàng”. Với tinh thần đó, rất nhiều danh nhân đã trở thành những tấm gương đọc sách tiêu biểu mà “mắt không rời sách, gối đầu lên sách” như Lê Quý Đôn hay “sách là thuốc bổ tinh thần”, “siêng xem sách và xem nhiều sách là việc đáng quý” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng khuyên rằng: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình.

Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc”.
Tấm gương thích đọc sách, báo cùng những lời khuyên của Người, chính là lời nhắc nhở cho những người đang học tập, nghiên cứu và lao động trong nhiều lĩnh vực phải noi theo.

Bác Hồ sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống nho học, bên cạnh những tác động tích cực đến niềm đam mê sách, cùng những lời giáo huấn từ người cha- cụ Nguyễn Sinh Sắc: “Học phải có sách”, “Việc đọc sách là đáng quý lắm, ngày nào chưa đọc được mười trang sách là ngày đó nhịn đói nhịn khát”.

Mồ côi mẹ từ lúc 11 tuổi, cha bận việc triền miên và sách đã trở thành người bạn không thể thiếu đối với Nguyễn Sinh Côn (theo Nguyễn Sinh Khiêm trong tác phẩm “Tất Đạt tự ngôn” tên Nguyễn Sinh Côn hay Nguyễn Tất Thành do ông ngoại của Bác Hồ, cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt).

Những thể loại văn học cổ điển của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du hay Nguyễn Đình Chiểu thường được Nguyễn Sinh Côn quan tâm đọc; các tác phẩm đó đã nhen nhóm lên lòng yêu nước và nỗi cay đắng của người dân bị mất nước trong tâm hồn chàng thiếu niên xứ Nghệ.

Là người đam mê và đọc nhiều sách, trong đó có sách lịch sử của Trung Quốc, mặc dù tuổi đời còn nhỏ nhưng Nguyễn Sinh Côn đã tự hỏi “vì sao không thấy sách lịch sử Việt Nam và toàn sách lịch sử của Tàu”. Có thể thấy rằng thời niên thiếu của Người, sách không chỉ là người bạn tâm giao mà còn là nền tảng cho những thành tựu vĩ đại về sau này.

Với mong muốn nâng tầm tri thức của mình, Người đã tiếp cận với nền văn minh Pháp thông qua những trang sách lúc 13 tuổi. Năm 17 tuổi, Người tập trung nghiên cứu sách lịch sử thế giới; trong đó Bác chú trọng vào những sách viết về cuộc cách mạng tư sản Pháp, cùng một số tác phẩm của các nhà văn, nhà triết học, như: Vonten, Môngteskiơ, Rutxô,…

Chính việc Bác tiếp cận được nhiều loại sách với những nội dung tiến bộ, thành tựu văn hóa nhân loại; tất cả đã trở thành tài sản vô giá về sau.

Quá trình bôn ba khắp các châu lục để tìm ra đường lối giải phóng cho dân tộc mình, Bác luôn ghi nhớ lời dặn của cụ Nguyễn Sinh Sắc trước lúc Người lên tàu rời Bến cảng Nhà Rồng “Thư giả quốc chi hồng nguyên giã- Người đọc sách có thể tìm ra một chân trời mới tốt đẹp cho đất nước”.

Lời dặn đó đã trở thành động lực theo chân Người trong suốt hành trình, bất cứ lúc nào có thời gian rảnh là Người lại đọc sách, báo, thậm chí đọc đến nửa đêm.

Đối với Bác Hồ, thư viện trở thành địa điểm quen thuộc, là đầu mối lưu trữ và cung cấp các tài liệu quý. Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử- Tập 1 (1890- 1930)” do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh biên soạn, đề cập cụ thể một khoảng thời gian Bác đến thư viện đọc tài liệu, như: Ngày 9/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 10/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève đến 16 giờ; ngày 11/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 12/12/1919, 3 lần đến Thư viện Sainte Geneviève, sáng từ 10 giờ đến 11 giờ 30, chiều từ 13 giờ 50 đến 14 giờ 45, tối từ 18 giờ 45 đến 20 giờ; ngày 13/12/1919, 2 lần đến Thư viện Sainte Geneviève; ngày 15/12/1919, từ 10 giờ 50 đến 11 giờ 55 tới Thư viện Sainte Geneviève; ngày 17/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève từ 9 giờ 45 đến 14 giờ 15; ngày 19/12/1919, tới Thư viện Sainte Geneviève từ 10 giờ đến 11 giờ 5; ngày 21/9/1920, tới thư viện bình dân của những người bạn giáo dục.
Qua thống kê, có thể thấy thời lượng của Bác đến thư viện nghiên cứu tài liệu, trở thành tấm gương lưu truyền hậu thế.

Và còn rất nhiều những nơi Bác lui tới tham khảo sách, báo ở trên đất Pháp hay Liên Xô. Khi về nước, sách, báo vẫn là một phương tiện cung cấp thông tin hữu ích đối với Người; cho dù thời trai trẻ hay lúc tuổi già, nơi đó là căn cứ cách mạng heo hút như Pắc Bó hoặc Bắc Bộ Phủ giữa lòng Thủ đô Hà Nội, với Bác không giới hạn thời gian, có khi đọc đến 2 giờ sáng.

Theo quan điểm của Bác Hồ, đọc sách ngoài mục đích nâng cao tri thức, còn để phục vụ cách mạng và dân tộc, với quyết tâm làm sao cho dân được tự do, nước nhà được độc lập, ai cũng no đủ và được học hành; biểu tượng “Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin” đã trở thành huyền sử bất hủ cho tinh thần thích đọc.

Cũng theo Bác, muốn nghiên cứu những tinh hoa văn hóa của nhân loại và tiếp cận những hệ tư tưởng mới trên thế giới, phải thông qua việc đọc nhiều sách và phải đọc được các loại sách viết bằng ngôn ngữ khác nhau.

Vì thế, Bác luôn miệt mài học ngoại ngữ để làm công cụ và chìa khóa mở toang cánh cửa tiếp cận tinh hoa nhân loại. Theo GS. Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ có thể nói được 29 thứ tiếng, chưa kể tiếng một số dân tộc nước ta; trong các tiếng đó, có những thứ tiếng Bác rất uyên thâm.

Trong tác phẩm “Đi theo con đường của Bác”, Đại tướng Văn Tiến Dũng có đoạn viết: “Chúng ta phải học Bác nhiều điều, kể cả cách đọc báo nữa”; còn trong tác phẩm “Búp Sen Xanh” của tác giả Sơn Tùng có ghi lại lời tâm sự của người bạn thân thời niên thiếu của Bác Hồ là Phạm Gia Cần: “Ở gần Thành, mình học hỏi được nhiều thứ, nhất là cách đọc sách”.

Phương pháp đọc sách, báo của Bác Hồ rất khoa học, vì muốn không mất thời gian đọc lại nhiều lần về thông tin đó, Bác ghi chép và phân loại các thông tin trong sách, báo hoặc sử dụng bút màu đánh dấu những nội dung trọng tâm.

Trong tác phẩm “Hồi ký- Người là Hồ Chí Minh” của Hội Nhà văn xuất bản năm 1995, đề cập màu mực biểu thị quy định, như: “Gạch xanh là nói về chính trị, gạch đỏ là nói về chữ nghĩa”.
Quan điểm thứ hai về cách đọc sách của Bác Hồ là phải suy nghĩ kỹ, không nhất thời tin tưởng một cách mù quáng; đọc phải nắm cốt lõi và cái thần của tác phẩm, đồng thời biết đánh giá ưu khuyết điểm; muốn làm được người đọc phải có kiến thức rộng cùng khả năng phân tích và tổng hợp.

Trong tác phẩm “Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5”, của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, có đề cập đến quan điểm của Bác không đồng tình về việc “thuộc lòng từng câu, từng chữ, để đem lòe thiên hạ”.
Thứ ba là Bác tán thành quan điểm của học giả Lê Quý Đôn: “Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được”; với Bác là áp dụng những điều đã đọc vào thực tế cuộc sống rất quan trọng, bởi “dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách”.

Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ phương pháp đọc sách và vận dụng vào thực tế thông qua tác phẩm “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác- Lênin”, Bác Hồ viết: “Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết”.
Sách là nguồn tài nguyên vô tận, giúp con người hoàn thiện bản thân, là sợi dây liên kết tri thức nhân loại. Đọc sách, báo chính là giúp con người phát triển trí tuệ, học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau để vận dụng có sáng tạo vào trong cuộc sống.

Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học và thích đọc sách, báo, đồng thời biết phát huy những tinh hoa một cách có sáng tạo nhằm mang lại lợi ích cho quốc gia và dân tộc.

Trong tác phẩm “Bản sắc văn hóa Việt Nam”, GS. Phan Ngọc nêu lên nhận định của mình: “Truyền thống văn hóa Việt Nam là truyền thống vượt gộp- Vượt gộp có nghĩa là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới”.

Bác Hồ là một tấm gương tiêu biểu cho truyền thống ấy từ khi còn rất trẻ; Người luôn tận dụng mọi thời gian nhàn rỗi nghiên cứu sách, báo nhằm chắt lọc những tinh hoa trong nhiều lĩnh vực của các nước trên thế giới và tận dụng một cách có sáng tạo để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam; điển hình là chủ nghĩa Mác- Lênin.

Tư duy đọc sách, báo của Bác Hồ rất khoa học và luôn có mục đích cụ thể, từ việc chuẩn bị vốn ngoại ngữ để đọc những tác phẩm ngoại quốc theo nhu cầu, cho đến ghi chú những nội dung trọng tâm, phân tích nhận định và chắt lọc cốt lõi của tác phẩm, đồng thời vận dụng vào thực tế ở Việt Nam.

Thế hệ trẻ, lực lượng kế thừa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, ngày 17/8/1947 trong thư gửi thanh niên, Bác Hồ khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà; nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Quán triệt tinh thần ấy, thế hệ chúng ta hôm nay, nhất là giới trẻ phải biết gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của các bậc tiền nhân đã tốn biết bao công sức tạo dựng.

Ngoài các phương pháp học tại trường, học từ thầy và bạn, tương tác trong môi trường xã hội, thì sách và báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao tư duy, mở rộng sự hiểu biết vượt ngoài phạm vi một quốc gia.

Sách là công cụ ghi nhận tri thức phổ quát của nhân loại; là tài liệu để học tập, tu dưỡng và rèn luyện. Đọc sách chính là khai thác, tìm hiểu, thẩm thấu những tinh hoa với nhiều mục đích khác nhau, như: giải trí, giáo dục tư tưởng, nghiên cứu khoa học, xây dựng và phát triển xã hội,… luôn được các quốc gia, các dân tộc trên thế giới ứng dụng hiệu quả.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:

1. Quyển hồi ức “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2021. Sách dày 366 trang gồm 10 chương. Trong đó, Đại tướng dành 9 chương nói về các sự kiện lịch sử lớn gồm: Trận “Điện Biên Phủ trên không”; Hội nghị lịch sử; Kế hoạch cơ bản và kế hoạch thời cơ; Hạ quyết tâm chiến lược; Đòn điểm huyệt; Chuyển cuộc tiến công thành tổng tiến công; Trận Sài Gòn bắt đầu; Giải phóng Trường Sa: Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Và chương cuối cùng “Đôi dòng suy ngẫm” là những điều tâm huyết, đúc kết cuộc đời cầm quân của Đại tướng qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh và tin tưởng rằng: Dưới ngọn cờ tất thắng của Đảng và của Bác Hồ vĩ đại, với hoài bão lớn, kiên định trong mọi tình huống với nghị lực sáng tạo và trí tuệ Việt Nam trong thời đại mới, nhân dân ta đoàn kết, đại đoàn kết, sẽ biến những ước mơ trở thành hiện thực, tiến lên tiếp tục đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giành những thắng lợi mới, phát triển với nhịp độ nhanh và bền vững, sánh vai với các nước trung bình, rồi từng bước với các nước tiên tiến trên thế giới, như trước đây đã từ một nước thuộc địa trở thành một trong những nước đi tiên phong trong trào lưu giải phóng dân tộc.
Trân trọng giới thiệu quyển sách “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 959.7043 / T455H. PHÒNG ĐỌC: DV.060354; PHÒNG MƯỢN: MG.010779; MG.010780

2. Quyển sách   “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Minh, do Nxb. Thế giới xuất bản năm 2018. Sách gồm 282 trang, chia sẻ cách xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ trong gia đình qua các nội dung gồm: Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con; Chọn sách và đọc sách cùng con; Phát hiện và nuôi dưỡng tiềm năng qua đọc sách; Cách đọc mỗi cuốn sách; Đọc mà chơi, chơi mà đọc. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với  ký hiệu phân loại: 649 / N515D.  PHÒNG ĐỌC: DV.055805. PHÒNG MƯỢN: ME.007246; ME.007247

3. Quyển sách Người giỏi không phải là người làm tất cả của Donna M. Genett, do Nguyên Chương dịch; Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2020. Sách với 113 trang  gồm 7 chương với 113 trang sách nhưng chứa đựng những kiến thức sâu sắc và thực tế giúp bạn tránh quá tải công việc và cân bằng cuộc sống. Sách đưa ra 6 bước ủy quyền hiệu quả trong công việc. Từ đó trình bày các kỹ năng giao việc hoặc khi nhận được một công việc được giao, cách tiết kiệm được thời gian để bạn dành cho gia đình, phát triển năng lực. Sách cũng giúp người lãnh đạo, quản lý nhận ra khả năng của từng nhân viên và đạt được mục tiêu đề ra của tổ chức và cải thiện mối quan hệ cấp trên – cấp dưới – đồng nghiệp. Vì thế, những nhà quản lý hay thậm chí vị trí nhân viên hoàn toàn có thể áp dụng ngay sau đọc xong cuốn sách. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với ký hiệu phân loại: 658.4 / NG558GI; PHÒNG MƯỢN: MA.023400; MA.23401.  PHÒNG ĐỌC: DV.058939

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  







 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây