Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 22 (tháng 05/2024) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0
Các bạn thân mến! Podcast là một tệp âm thanh kĩ thuật số bao gồm lời nói, âm nhạc... được tải lên mạng để người nghe có thể tự do truy cập. Khác với radio, nơi các chương trình được phát sóng theo lịch trình có sẵn và biến mất ngay sau khi phát sóng, podcast là một hình thức nội dung theo nhu cầu. Người nghe có thể tự do lựa chọn nghe podcast bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, và có thể tua đi tua lại tuỳ thích. Ngày nay xu hướng nghe podcast ngày càng phổ biến và thịnh hành trong giới trẻ. Tận dụng lợi thế công nghệ, những nhà sáng tạo nội dung podcast đang góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc trên nền tảng số.
Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Podcast phát triển có khiến con người ít đọc?” của Minh Hùng đăng trên tạp chí điện tử Tri thức Znews để hiểu thêm vấn đề này.
Thời gian gần đây, xu hướng podcast phát triển, góp phần thay đổi cách con người tiếp nhận thông tin. Tại tọa đàm "Xu Hướng Podcast ảnh hưởng thế nào đến thói quen đọc sách" chiều 4/3/2023, dịch giả Trịnh Lữ và nhà báo Phan Đăng đã bàn về sự phát triển của podcast cùng sức ảnh hưởng của loại hình này đến thói quen đọc.
Podcast không thể thay thế được sách
Nhiều bạn trẻ tại sự kiện đã chia sẻ trải nghiệm của mình với podcast, cho rằng đây là một phương tiện truyền thông tiện lợi, cho phép người nghe đa nhiệm. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng vì đặc tính tiện lợi, không gò bó về mặt thời gian giúp cho podcast trở nên phổ biến với giới trẻ.
Nhà báo Phan Đăng ghi nhận những ưu điểm của podcast so với đài phát thanh ngày xưa. Ông cho rằng ưu điểm dễ nhận thấy nhất là quyền tự do truy cập: "Nghe radio là nghe cái người ta cho bạn nghe. Nghe podcast là nghe cái bạn muốn nghe".
Nếu đài phát thanh phải đi từ một tổ chức chặt chẽ, được thừa nhận, có kiểm duyệt lớp lang kỹ càng mới ra được một kênh phát sóng, thì podcast lại là nền tảng mà ai cũng làm được.
Cả đầu thu lẫn đầu phát của podcast đều tự do, thoải mái, tạo sự thu hút cho giới trẻ. Đây rõ ràng là một phương tiện truyền thông tiện lợi. Ông cho rằng các bạn trẻ có thể cứ tận dụng cơ hội mà thời đại đem lại, dù vậy, không nên từ bỏ những công cụ khiến chúng ta trở thành con người sâu sắc hơn, đó là sách chữ.
Theo dịch giả Trịnh Lữ, hồi xưa, khi có truyền hình, người ta lo radio sẽ chết, khi có điện ảnh, người ta lo sân khấu kịch sẽ chết. "Cuối cùng chẳng cái gì chết cả", ông nói. "Tôi tin rằng nếu đã yêu đọc sách thì người ta sẽ không bao giờ bỏ đọc để mà chỉ nghe podcast".
Đọc sách là đối thoại với chính mình
Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng đọc sách và nghe podcast là hai việc làm rất khác nhau. "Khi tôi đọc sách một cách đúng nghĩa, tôi nghe chính giọng của mình. Mà thông tin nghe bằng chính giọng của mình, nó ngấm lâu lắm".
Ông cho rằng giọng đọc nội tâm khiến cho câu chuyện trên trang giấy trở nên chân thật, gần gũi, khiến cho những nội dung đó ở lại trong tâm trí người đọc lâu hơn.
Ông nói: "Theo kinh nghiệm bản thân, khi đọc sách, tôi hiểu theo cái hiểu của mình, nghe theo giọng của mình. Còn nghe podcast là nghe giọng của người khác. Đó là một rào cản rất tinh vi".
Ông cho tâm lý và cách thưởng thức podcast mang tính chất giải trí nhiều hơn, phù hợp để truyền đạt những thông điệp nhẹ nhàng, giản dị, nhưng khó có thể giảng giải chuyên sâu. Về cơ bản, cả cách thưởng thức lẫn kết quả thu được từ một cuốn sách và một buổi podcast, theo dịch giả Trịnh Lữ, là rất khác nhau. Vì thế tuy podcast ngày nay rất phát triển nhưng không thể thay thế được sách chữ, vì khi đọc, người ta nghe giọng đọc nội tâm của mình, do đó, nhớ lâu hơn.
Ông Phan Đăng cũng đồng tình với dịch giả Trịnh Lữ, cho rằng bản chất của việc đọc sách là đối thoại, trên bề mặt là đối thoại với tác giả cuốn sách, nhưng sâu thẳm là đối thoại với chính mình, bằng ngôn ngữ của mình.
"Những nhà làm ngôn ngữ chia ra làm 2 loại ngôn ngữ, ngoại ngôn và nội ngôn. Khi đọc sách, ta tiếp cận bằng mắt, sự dụng nội ngôn, nó khác rất nhiều với nghe bằng tai, tiếp cận ngoại ngôn", ông nhận định. "Chúng ta hoàn toàn có thể vừa nghe đài, nghe sách nói, vừa rửa bát. Nhưng nếu chỉ nghe bằng tai, mà không có đối thoại nội ngôn, thì tôi nghĩ đó là một sự đáng tiếc rất lớn", Phan Đăng nói.
II. NHỊP CẦU TRI THỨC
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Sức mạnh tinh thần và chiến thuật: Bài học từ chiến thắng Điện Biên Phủ” của Trần Tùng đăng trên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp hội nhập.
Trong lịch sử quân sự, ít trận chiến nào có thể so sánh với sự kiên cường và tinh thần chiến đấu như Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đây không chỉ là một chiến thắng về mặt quân sự mà còn là biểu tượng của ý chí và sức mạnh tinh thần.
Khi quân đội Việt Nam huy động hơn 35,000 “người vận chuyển” và 20,000 xe đạp thồ để vận chuyển hơn 14,000 tấn vũ khí, lương thực, và trang thiết bị qua những con đường đầy gian nan đến Điện Biên Phủ, họ đã thể hiện một quyết tâm không thể lay chuyển. Điều này càng trở nên nổi bật khi so sánh với phương pháp tiếp tế hiện đại của quân đội Pháp, vốn dựa vào cầu hàng không để mang hàng hóa một cách nhanh chóng và hiệu quả. Sự đối lập giữa hai phương pháp tiếp tế này không chỉ phản ánh sự khác biệt về công nghệ và nguồn lực mà còn là minh chứng cho tầm quan trọng của chiến thuật và tinh thần chiến đấu. Mặc dù quân đội Pháp tự tin vào khả năng phòng không của mình, họ đã không thể ngăn chặn hoàn toàn các chuyến bay tiếp vận của Việt Nam. Điều này cho thấy, trong chiến tranh, sự sáng tạo và ý chí có thể vượt qua những hạn chế về mặt vật chất.
Những chiếc xe đạp thồ đã trở thành biểu tượng của sức mạnh ý chí và sự sáng tạo trong chiến tranh. Chúng không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là minh chứng cho khả năng vượt qua khó khăn và thử thách. Những người lính đã thể hiện sức mạnh không chỉ qua việc mang vác hàng hóa mà còn qua việc duy trì tinh thần chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt.
Khi lịch sử trả lời về kết quả của trận chiến, nó không chỉ nói về sự thất bại của công nghệ hiện đại trước sức mạnh tinh thần mà còn là bài học về tầm quan trọng của chiến thuật và sự kiên cường. Những chiếc xe đạp thồ huyền thoại sẽ mãi là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng không chỉ của sức mạnh vũ khí mà còn của ý chí và tinh thần.
Chiến dịch Điện Biên Phủ, diễn ra vào năm 1954, đã chứng kiến sự thể hiện xuất sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đối mặt với địa hình rừng núi hiểm trở và hệ thống đường sá chưa phát triển, quân đội nhân dân Việt Nam đã phải đối mặt với thách thức lớn trong việc vận chuyển vũ khí, lương thực và trang thiết bị đến mặt trận.
Sự sáng tạo và linh hoạt trong phương pháp vận tải đã trở thành một yếu tố quyết định. Hơn 261,451 lượt dân công đã được huy động, tương đương với 12 triệu ngày công, để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa cho hơn 87,000 người tham gia chiến dịch. Điều này đã vượt xa dự kiến ban đầu và thể hiện tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”.
Nghệ thuật giao thông vận tải không chỉ thể hiện ở khối lượng công việc khổng lồ mà còn ở cách thức tổ chức và điều phối. Các phương pháp chạy xe linh hoạt, từ việc chạy theo một chiều thuận đến “Tranh thủ chiều đi sớm, sáng về trưa, mưa lâm thâm chạy cả ngày” đã cho phép việc vận chuyển được tiến hành một cách hiệu quả, bất chấp điều kiện thời tiết và địa hình.
Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là một bài học về việc giải quyết vấn đề đường giao thông. Toàn ngành Hậu cần cùng toàn dân đã bước vào chuẩn bị cho chiến dịch với tinh thần rất khẩn trương, đặc biệt là trên mặt trận giao thông-vận tải. Sự đoàn kết và quyết tâm của toàn dân đã giúp giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất của chiến dịch.
Kết quả là, dù phía đối diện sử dụng phương pháp tiếp tế hiện đại thông qua cầu hàng không, quân đội nhân dân Việt Nam với phương tiện đơn giản như xe đạp thồ và sức người đã chứng minh được sức mạnh của sự đơn giản kết hợp với ý chí và sự kiên trì.
Những bài học rút ra cho ngày từ từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, gồm có; Sức mạnh của ý chí và sự kiên trì: Trong mọi hoàn cảnh, dù là khó khăn hay thuận lợi, ý chí và sự kiên trì luôn là chìa khóa để vượt qua thách thức. Điều này khuyến khích chúng ta không bao giờ từ bỏ mục tiêu, dù có vấp ngã.
Tầm quan trọng của sự sáng tạo và đổi mới: Trong công việc và cuộc sống, việc áp dụng các giải pháp sáng tạo và không ngừng đổi mới sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Tinh thần đoàn kết và hợp tác: Sự đoàn kết và hợp tác giữa các cá nhân và nhóm là yếu tố quan trọng để đạt được thành công chung. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc cùng nhau với mục tiêu chung.
Học hỏi từ quá khứ để chuẩn bị cho tương lai: Bài học từ lịch sử giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguyên nhân và kết quả của các sự kiện, từ đó có thể chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Tinh thần chiến đấu của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 để lại nhiều bài học quý cho đến ngày hôm nay.
Những bài học này không chỉ giúp chúng ta trong việc xây dựng một xã hội bền vững mà còn trong việc phát triển bản thân mỗi người, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
1. Quyển sách “Lòng nhân ái của Bác Hồ” do Trần Đình Việt nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn, được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành năm 2022 là bức tranh sinh động được phác họa nét chân dung Hồ Chí Minh thật gần gũi và đáng kính trọng, nổi bật là tấm lòng nhân ái bao là của Người. Sách dày 503 trang, gồm 2 phần chính:
Phần 1 giúp người đọc sẽ hiểu về lòng nhân ái Hồ Chí Minh thể hiện ở tư tưởng, đạo đức, phong cách và trong mỗi việc làm, mỗi cử chỉ, lời nói của Người.
Phần 2 là hồi ức của những người đã gặp Bác Hồ, là các anh hùng, chiến sĩ, nhà báo, nhà giáo, văn nghệ sĩ, con nuôi, là ân nhân, đồng chí từng vào sinh ra tử, có cả tướng lĩnh chính khách khác chiến tuyến với ta. Đặc biệt những người sống cùng, làm việc lâu năm với Bác như các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng… Bạn đọc cũng sẽ nhận thấy có nhiều hồi ức của phụ nữ với Bác Hồ. Chính sự tinh tế và giàu cảm xúc của họ làm ta hiểu hơn lòng nhân ái trong sắc thái yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ của Người. Những câu chuyện về Bác Hồ lắng đọng mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam, đó là tình cảm hai chiều của lãnh tụ với dân và dân với lãnh tụ, giữa cho và nhận. Ở đó vẫn sáng mãi tấm lòng nhân ái bao la của Bác Hồ kính yêu, một người vĩ đại đã dành trọn cuộc đời mình vì dân, vì nước. Quyển sách hiện đang phục vụ bạn đọc tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: Ký hiệu phân loại: 959.704092 / L431NH; PHÒNG MƯỢN: MG.011225; MG.011226; PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DL.020881
2. Quyển sách “Anh hùng Điện Biên Phủ” do Lê Hải Triều biên soạn, Nxb. Quân đội nhân dân xuất bản năm 2004. Sách với 177 trang là nén tâm hương dành cho những người con đã nằm xuống nơi đất mẹ để giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Những người anh hùng bất tử, sống mãi trong tâm trí, trái tim người Việt Nam như một huyền thoại. Sách kể về những tấm gương chiến đấu dũng cảm ngoan cường, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ như: Phan Đình Giót - Người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai dập tắt hỏa điểm của quân Pháp cho đồng đội xông lên tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam. Tô Vĩnh Diện quên thân mình cứu pháo. Trần Can – Người cắm cờ Căn cứ Him Lam, hy sinh đúng vào ngày kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ; Đinh Văn Mẫu – Tiểu đội trưởng nuôi quân luôn bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng; Đặng Đức Song - Dũng sĩ phòng ngự Đồi Xanh; Bùi Đình Cư - Chiến sĩ pháo binh dũng cảm mưu trí lập nhiều chiến công xuất sắc; Phùng Văn Khầu - Khẩu đội trưởng sơn pháo 75 ly đã bắn là trúng; Chu Văn Mùi - Chiến sĩ thông tin vô tuyến, bị địch bao vây bốn phía vẫn bình tĩnh chỉ huy các trận địa pháo bắn chính xác vào các đội hình quân địch;… và còn rất nhiều Anh hùng khác đã lập nên những chiến công góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đọc quyển sách “Anh hùng Điện Biên Phủ” để có thêm sức mạnh và niềm tin, để sống xứng đáng hơn với những cống hiến hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, quyết tâm vượt qua khó khăn tiếp nối bước chân các anh trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Sách đang được phục vụ bạn đọc tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số 895.922334/A107H; Phòng Đọc: DV.32047, DV.32046; Phòng Mượn: 895.922334/A107H, MV.12527, MV.12528.
3. Quyển sách “Món quà của lòng biết ơn: Những câu chuyện giúp bạn biết cảm ơn và yêu thương!” do Nguyễn Thu Phương biên soạn, Nxb. Văn học xuất bản năm 2022. Sách dày 143 trang kể về những câu chuyện sinh động giúp các bạn nhỏ cảm nhận được sự ấm áp và những tình cảm đáng quý của những người xung quanh mình, để từ đó giúp cho lòng nhân ái, vị tha, bao dung và những đức tính cao đẹp khác trở thành những hành vi hàng ngày, giúp các bạn trở thành một người biết yêu thương và biết ơn. Những câu chuyện được kể một cách chân thật kèm theo những lời bình giảng hay sẽ giúp trẻ hiểu được những đạo lý, truyền thống tốt đẹp và phát triển một thái độ sống đầy năng lượng tích cực. Sách hiện đang phục vụ tại Phòng Thiếu nhi của Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: Ký hiệu phân loại: 179 / M430QU; PHÒNG ĐỌC SÁCH THIẾU NHI: ND.012492 - ND.012491.
Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!