THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
Bài GTS tuần 3 tháng 10
Thứ năm - 17/10/2024 22:58290
uyển sách “CẦN THƠ PHỐ CŨ NÉT XƯA” sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu về đất và người Cần Thơ của đông đảo bạn đọc và phần nào cung cấp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan.
Kính thưa quý độc giả, Từ xa xưa, dân gian thường ca tụng vùng đất nằm trong cái nôi văn minh sông nước miệt vườn, phía bờ Tây sông Hậu rằng: “Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú…” hay “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Thật vậy, ngay thời các chúa Nguyễn, Cần Thơ – Trấn Giang đã phát lộ vóc dáng “đô thị sơ khai”; rồi không ngừng phát triển, đến những năm đầu thế kỷ XX, định hình một Tây Đô rõ nét: Văn minh đô thị định hình, hàng loạt kinh xáng chiến lược được đào mở, công nghiệp lúa gạo phát triển mạnh. Chợ Cái Răng được xem là “chành lúa vĩ đại”, chỉ đứng sau Chợ Lớn ở đất Nam Kỳ, song song với nghề thương hồ, hun đúc nên chợ nổi. Văn minh tàu bè, xe cộ khởi phát, rồi kết nối cả Lục tỉnh. Năm 1918, bắc (phà) Cần Thơ hoàn thành, nối liền con đường thiên lý Bắc – Nam. Mấy ai ngờ từ năm 1961, Cần Thơ đã có con đường hàng không! Trong các tỉnh miền Tây, Cần Thơ cũng là nơi có hoạt động điện ảnh, ấn loát, báo chí, vô tuyến truyền hình sớm nhất! Năm tháng qua đi, dấu xưa vẫn còn đó, những kiến trúc cổ, cùng bao danh thắng làm đắm say lòng người. Cần Thơ cũng có Hàng Dừa, Hàng Xoài, Hàng Sao, Hàng Dương…giống như Hà Nội 36 phố phường. Giữa sông sâu lại nổi lên những dải đất cồn xanh thẳm. Với kỳ vọng mang đến bạn đọc những khám phá thú vị về xứ sở “gạo trắng nước trong”, để cùng chia sẻ, thêm yêu thành phố Tây Đô hôm nay, Tổ Thư viện – Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thanh quận Ninh Kiều xin trân trọng giới thiệu quyển sách “CẦN THƠ PHỐ CŨ NÉT XƯA” do soạn giả Nhâm Hùng liên kết với Thư viện thành phố Cần Thơ ra mắt năm 2017, được Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Quyển sách được tác giả tham khảo từ rất nhiều nguồn tài liệu quý, có giá trị của các tác giả-tổ chức trong và ngoài địa bàn thành phố Cần Thơ như: Địa chí Cần Thơ (Tỉnh uỷ-UBND TP. Cần Thơ - 2002), Cần Thơ trước năm 1899 (bản dịch từ tiếng Pháp – Thư viện Cần Thơ), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (Sơn Nam, NXB Văn nghệ - 1994), Tự điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nguyễn Đình Tư, NXB Chính trị-Quốc gia – 2008),… Quyển “CẦN THƠ PHỐ CŨ NÉT XƯA” có 223 trang in giấy trắng ngà, sạch sẽ, minh họa bìa màu đẹp mắt, bìa giấy cứng khổ 14cmx20cm. Sách có 02 phần nội dung lớn và 16 chủ đề nhỏ về đất và người Cần Thơ như: “Phần I -Cội nguồn và khai mở” có 06 chủ đề về vùng đất Trấn Giang xưa, Đô thị sơ khai dưới Triều Nguyễn, Miệt vườn Cần Thơ hình thành ra sao, Kể chuyện cồn nổi, Vẻ đẹp kiến trúc cổ, Chợ nổi Cái Răng hình thành; “Phần II -Nhận diện đô thị buổi đầu” có 10 chủ đề về Đô thị Cần Thơ 100 năm trước, Cần Thơ tròn sách Nam kỳ phong tục nhơn diễn ca năm 1909, Bế Ninh Kiều thuở ấy, Văn minh tàu bè xe cộ, Bắc (phà) Cần Thơ sứ mạng trăm năm, vang tiếng văn chương- kịch nghệ, Thông tin đại chúng đi đầu miền Tây, Lý thú địa danh dân gian ở Cần Thơ, bàn về Tây Đô, Thương hoài phố cũ-nét xưa. Trong khuôn khổ chuyên mục giới thiệu sách hôm nay, xin lược trích một nội dung trong quyển “CẦN THƠ PHỐ CŨ NÉT XƯA” để giới thiệu đến quý độc giả về “Lý thú địa danh dân gian Cần Thơ”, nằm ở “Phần II – Nhận diện đô thị buổi đầu” của sách. “…Trên địa bàn Cần Thơ xưa, sự hình thành địa danh cũng giống như nhiều địa phương khác ở Nam Bộ, phổ biến là dựa vào tên gốc của các nhân vật có uy tín, các loại cây cỏ hay các loài thú, cầm, chim, cá… Tuy nhiên, trong quá trình khẩn hoang, mở đất, phát triển kinh tế, văn hoá đã sản sinh ra những địa danh mang nét riêng “văn minh miệt vườn” phía bờ Tây Hậu Giang, với những tên rạch: Cái Can, Cái Chanh, Rạch Dâu, Mương Chuối…hay đặc trưng “văn minh đô thị” sông nước như: nhà phố 18 căn, Hàng Dừa, Cầu Bắc, Xóm Thúng, hẻm Hai Địa, hẻm Vú Sữa, Hồ Xáng thổi, Lộ Tẻ, Lộ Mới, Bến xe Mới…” “…Mỗi xóm hội tụ những hộ chung ngành nghề như đan lát, làm bánh, đóng xuồng ghe hoặc mua bán…hình thành từ cả trăn năm trước. Tại quận Ninh Kiều có xóm Cầu Củi (chuyên vựa, bán củi), xóm Đáy tại vàm rạch Đầu Sấu (chuyên nghề hạ bạc, tức giăng lưới thả câu), xóm Lò Nem ở Cái Sơn (chuyên làm nem chua), xóm Ghe tại rạch cái Sơn (chuyên đóng xuồng, ghe)…” Trong “Thương hoài phố cũ, nét xưa” kết thúc quyển sách, soạn giả Nhâm Hùng cảm khái: “…Giữ thành phố sôi động hôm nay, nếu chịu khó truy tìm, nghiền ngẫm về những địa danh dân gian, ta như được ôn lại bài học lịch sử Cần Thơ ngay buổi hình thành, phát triển.” Có thể nói rằng, dù những phố cũ, nét xưa ấy dù đang còn hiện diện hay đã mất đi, tất cả đã trở thành “hồn phố”, luôn tồn tại trong tâm thức bao người, để nhớ thương hoài phố cũ, nét xưa. Mong rằng, quyển sách “CẦN THƠ PHỐ CŨ NÉT XƯA” sẽ đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu về đất và người Cần Thơ của đông đảo bạn đọc và phần nào cung cấp thêm tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan.