Sáng 26/4, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) tổ chức Lễ khánh thành Trai đường và kính mừng Đại lễ Phật đản (Vesak) Phật lịch 2567.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Lễ khánh thành Trai đường, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cả nước hiện có 4 học viện gồm: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là Học viện thứ tư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép thành lập năm 2006.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer nằm tại khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, là nơi đào tạo kiến thức tăng sinh Khmer ở cấp Cử nhân Phật học Pali – Khmer cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh thành Nam bộ.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ.
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Sau gần 17 năm thành lập và phát triển, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Phật học. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện, Học viện đã không ngừng nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục chuyên nghiệp trong lĩnh vực Phật học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng tăng tài và đáp ứng nguyện vọng của sư sãi, chư tăng và đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời góp phần cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer.
Từ khi thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo hàng trăm tăng sinh tốt nghiệp ra trường; liên kết với các trường đại học như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ ngành Tôn giáo học. Ngoài chức năng giáo dục, Học viện còn tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như: Lễ Dâng y Kathina, Lễ nhập hạ, Lễ Phật đản…
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu (phải), Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng bằng tuyên dương công đức cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Phật sự và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ cho biết, cuối năm 2016, UBND thành phố Cần Thơ giao Viện Kiến trúc Xây dựng giúp Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thiết kế mô hình, bảng vẽ tổng thể công trình kiến trúc gồm 14 hạng mục, mật độ cây xanh, cầu lộ trong khuôn viên Học viện.
Hòa thượng Đào Như - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Trai đường dài 47,1 mét, rộng 19,6 mét, chiều cao 21,55 mét, là một trong các hạng mục công trình xây dựng tổng thể của Học viện được Trung ương Giáo hội hỗ trợ kinh phí. Trải qua hơn 4 năm xây dựng, nay đã cơ bản hoàn thành như ý nguyện.
Việc xây dựng và hoàn thành công trình Trai đường thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo, Trung ương Giáo hội, các tăng ni, cư sĩ, phật tử, các nhà hảo tâm, quý vị sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer...
Sau Lễ khánh thành, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ để hoạt động của Học viện ngày một phát triển, góp phần đào tạo được nhiều vị tăng tài, công dân giỏi cho đất nước.
Lễ cắt băng khánh thành Trai đường, Học viện Phật học Nam tông Khmer.
Ảnh: Thu Hiền - TTXVN
Dịp này, nhân Đại lễ Phật đản (Vesak) Phật lịch 2567, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức Đại lễ Đặt bát hội cúng dường 3.000 vị chư tăng đến từ các tỉnh, thành cả nước và 13 quốc gia trên thế giới. Đây là Đại lễ mang tính nhân văn và các giá trị tinh hoa hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc; khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer; đồng thời quảng bá hình ảnh của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đến với các nước Phật giáo trên thế giới.
Thu Hiền
Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cập nhật ngày 26-04-2023