Sau gần sáu năm trông đợi, sáng 19-5, cầu Vàm Cống vượt sông Hậu chính thức khánh thành và thông suốt toàn tuyến N2 từ Bình Phước về đến TP. Cần Thơ, qua đó rút ngắn thời gian và cự ly từ các tỉnh Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ đi TP. HCM cũng như các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước.
Cầu Vàm Cống là cầu dây văng thứ hai vượt sông Hậu và là cây cầu dây văng thứ năm ở Miền Tây, là cây cầu lớn nghìn tỉ thứ chín được khánh thành thông xe tại vùng ĐBSCL từ năm 2000 đến nay.
Như vậy cùng với trục QL1A, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương (đang thi công đạn nối tiếp Trung Lương – Mỹ Thuận), việc thông xe cầu Vàm Cống thông suốt tuyến N2- tạo thêm trục dọc nữa góp phần thông suốt tuyến vận tải từ Bình Phước, Bình Dương và TP.HCM về đến tận Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và tận Cà Mau mà không phải qua ngả QL1A.
Cây cầu góp phần “chia sẻ” áp lực giao thông với QL1A, thông thương hàng hóa dễ dàng hơn. Như đánh giá của Bộ GTVT, việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu vào sử dụng, kết hợp với dự án thành phần 1- cầu Cao Lãnh và dự án thành phần hai tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống đã khai thác sử dụng từ tháng 5-2018 sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển KT-XH và tăng cường đảm bảo AN-QP trong khu vực.
Theo Bộ GTVT, dự án xây dựng cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mêkông được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án gồm cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu dài 2,97 km và đường dẫn dài 5,88 km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ và cách bến phà Vàm Cống khoảng 3 km về phía hạ lưu. Cầu Vàm Cống được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m.
Cầu Vàm Cống chính thức thông xe, nối đôi bờ sông Hậu và thông tuyến N2 từ Bình Phướng về tận Kiên Giang, Cà Mau.
Trụ tháp chính hình chữ H cao 143,9 m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm bốn làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ; đường dẫn vào cầu được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 20,6 m, gồm bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ với tốc độ thiết kế 80 km/h.
Một số hình ảnh Nhóm PV PLO ghi nhận tại lễ khánh thành và thông xe cầu Vàm Cống sáng 19-5, cùng nghi thức kéo băng đỏ bảng hiệu tên cầu và hình ảnh người dân háo hức được băng băng chạy xe vượt sông Hậu qua ngả cầu Vàm Cống và hết cảnh gần trăm năm phải lụy phà:
Việc hoàn thành để đưa công trình cầu Vàm Cống góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực ĐBSCL, tạo động lực phát triển KT-XH (Ảnh: Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại lễ khánh thành).
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Võ Thành Thống cho rằng cầu Vàm Cống tạo lực đẩy góp phần hoàn thiện hạ tầng GTVT không chỉ cho Cần Thơ, Đồng Tháp mà là cả vùng ĐBSCL.
Nghi thức cuối cùng chuẩn bị kéo băng tên cầu để chính thức thông xe.
Nghi thức cuối cùng chuẩn bị kéo băng tên cầu để chính thức thông xe.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo các địa phương, nhà tài trợ và nhà thầu... chia sẻ niềm vui ngay trên cầu Vàm Cống.
Sau các nghi thức khánh thành và thông xe, người dân chạy xe lên cầu Vàm Cống.
Xe bon bon qua cầu Vàm Cống, hết cảnh gần trăm năm lụy phà.
Những chiếc xe đấu tiên băng qua cầu Vàm Cống.
Người dân phía bờ Đồng Tháp háo hức di chuyển qua cầu Vàm Cồng để qua bờ Cần Thơ.
Người dân vui mừng đi trên cây cầu mới
Niềm vui ngày khánh thành
H.DƯƠNG- T.DUNG-N.GIAO
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật cập nhật ngày 19/05/2019