“Thi đua là yêu nước
Yêu nước thì phải thi đua”.
(Hồ Chí Minh)
Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, để động viên mọi lực lượng phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Thường vụ Trung ương đã ra chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công” và thi đua ái quốc là “vì nước, vì nòi”.
Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày Nam Bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng toàn quân và toàn dân. Mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc gì cũng phải thi đua; thi đua gắn liền với mỗi con người, gắn liền với công việc hằng ngày “công việc hằng ngày là nền tảng của thi đua”. Người đã nâng thi đua lên một tầm tư tưởng cao: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Kể từ đó, ngày 11/6 hàng năm trở thành “Ngày thi đua yêu nước”.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước nở rộ khắp các vùng, miền, các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Từ phong trào thi đua kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, phong trào thi đua khôi phục và phát triển kinh tế; phong trào thi đua chống Mỹ, cứu nước đến phong trào vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Các phong trào thi đua phát triển liên tục góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bước sang thời kỳ đổi mới, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Từ phong trào “Nông dân sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Tiến quân vào khoa học kỹ thuật”, “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; “Dạy tốt, học tốt’; “Đền ơn đáp nghĩa” đến các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; … do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các ngành, các đoàn thể nhân dân tổ chức và phát động đã và đang được nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng.
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong cả nước. Thi đua yêu nước thực sự đã đem lại nhiều thành tựu rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Nhằm tổng kết những bài học kinh ngiệm và những thành quả của phong trào thi đua yêu nước qua các thời kỳ lịch sử, năm 2018 Nxb. Thông Tấn đã phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương biên soạn và xuất bản quyển sách “70 năm thi đua yêu nước (1948 -2018)”. Sách dày 258 trang, tập hợp khoảng 300 bức ảnh được chọn lọc với một số tư liệu và bài viết mang tính tổng kết những bài học kinh nghiệm qua các phong trào thi đua yêu nước từ Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5/1952) đến Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ IX (tháng 12/2015), gồm 5 phần chính:
- Thi đua yêu nước trong kháng chiến kiến quốc (1945 - 1954).
- Thi đua yêu nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955 - 1975).
- Thi đua yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1976 - 1985).
- Thi đua yêu nước trong thời kỳ đầu đổi mới (1986 - 2000).
- Thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (2001 - 2018).
Quyển sách là tài liệu góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 302.09597 / B112M
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.016794;
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.018973