Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc : Chứng tích, nhân vật, đất đai thuỷ thổ của miền Nam cũ : Di cảo / Vương Hồng Sển. - In lần thứ 3. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2017. - 315tr.; 20cm

Thứ bảy - 14/09/2019 05:50 2.246 0
Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc : Chứng tích, nhân vật, đất đai thuỷ thổ của miền Nam cũ : Di cảo / Vương Hồng Sển. - In lần thứ 3. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2017. - 315tr.; 20cm
Quyển sách “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc : Chứng tích, nhân vật, đất đai thuỷ thổ của miền Nam cũ” được nhà văn Vương Hồng Sển viết năm 1974 và duyệt lại năm 1978. Đây có thể xem như hồi ký tiếp theo “Hơn nửa đời hư” vốn rất nổi tiếng của ông.
Quyển sách kể về những nếp sinh hoạt, các sự kiện, nhân vật và đất đai thủy thổ của Miền Nam, đặc biệt là miệt Hậu Giang hồi đầu thế kỷ 20 và trước đó được kể lại và so sánh với thời điểm ông viết, bằng một giọng điệu có sức truyền cảm lớn, qua đó giúp người đọc được nhìn thấy quá khứ của một vùng đất mênh mông trù phú nhưng cũng ẩn chứa bao hiểm họa, và thấy cả “tương lai” mà tác giả lúc đó chưa thể biết.
Với độ dày 314 trang, quyển sách gồm 18 câu chuyện, đa phần được viết vào năm 1966, kể chuyện miền Nam hồi 2 thập niên đầu thế kỷ 20, thuở mà tác giả đã sống cả một thời tuổi trẻ. Sách giữ đúng văn phong truyền cảm và chánh tả rất riêng của cụ Vương thời đó: Sốc-Trăng thay vì Sóc Trăng hoặc Bãi-Xàu thay cho Bãi Xào, hay là Cơ-me thay vì Khmer như bây giờ.
Đọc quyển sách, bạn có thể hình dung được nguồn cội và thủy thổ cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn trong bài viết “Cánh đồng Cà-Mau, vựa cá mắm thiên nhiên của trời dành cho dân Việt” hay có thể biết được ruộng đất thời đó ở miền Tây Nam bộ giá trị ra sao qua bài viết “Phương pháp làm giàu của vài ông chủ điền lớp trước”.
Lý giải về các địa danh như về địa danh Cà Mau, ông phân tích: Từ Bạc-Liêu đi một đỗi gặp một cánh đồng thấp phì nhiêu vô cùng, nhưng đặc biệt là nước sông rạch đều một màu đen thâm gần như mực xạ. Tiếng Cao-Miên gọi “swrock tưc khmau”, dịch “sốc nước đen”. Ông bà chúng ta Việt-hóa thành Cà-Mau, chớ không phải “Cà-Mâu” như nhiều đồng bào thường viết. Hoặc trong bài “Ba-Thắc, Hậu-Giang, năm mươi năm về trước” viết vào tháng 7 năm 1966, cụ Vương giải thích cái tên Ba Thắc: “Miền Ba-Thắc, tức là Srock Bassac theo cách đọc của người Cơ-me, gồm các tỉnh trù phú miệt Hậu-Giang, kể từ Châu-Đốc (Thổ gọi Moat-chrut có nghĩa là “miệng heo”) xuống đến mũi Cà-Mau, mấy tỉnh nầy muốn giao thông với Sài-Gòn, thì có tàu sắt gọi xà-lúp (chaloupe) liên lạc chạy đều đều”.
Và còn rất nhiều bài viết mà qua đó, người đọc sẽ có dịp tìm hiểu về những “chứng tích, nhân vật, đất đai thuỷ thổ của miền Nam cũ” để biết được quá trình hình thành dải đất này, được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc trong sáng tác của một nhà văn mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ.
Quyển sách “Ăn cơm mới, nói chuyện cũ: Hậu Giang - Ba Thắc : Chứng tích, nhân vật, đất đai thuỷ thổ của miền Nam cũ” được Nxb. Trẻ tái bản lần thứ 3 vào năm 2017. Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 895.922803/Ă115C
- DC2602, DC.2603
* Phòng Mượn:
- 895.922803/Ă115C
- MV.20055

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây