Trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, nhiều thuần phong mỹ tục rất cần thiết cho đạo lý làm người và kỷ cương xã hội. Trong đó tập tục cưới hỏi luôn được quan tâm đặt biệt, bởi đó là một vấn đề hệ trọng trong vòng đời của một con người, từ trạng thái độc thân sang trạng thái có gia đình, sang vị trí độc lập, làm chủ gia đình.
Nhằm góp phần giúp bạn đọc tìm hiểu về phong tục cưới xin của người Việt qua các thời đại, tác giả Bùi Xuân Mỹ biên soạn quyển sách “Đám cưới người Việt xưa và nay” được Nxb. Hồng Đức ấn hành năm 2021. Nội dung sách gồm 3 phần chính được trình bày qua 255 trang:
Phần 1 “Phong tục cưới hỏi truyền thống” trình bày các nội dung như: Hôn nhân là gì? Những hình thức hôn nhân sớm nhất của loài người (tạp hôn, quần hôn, hôn nhân ngoại tộc, hôn nhân đối ngẫu); Hôn nhân một vợ một chồng và người ta bắt đầu tổ chức hôn lễ từ bao giờ? Tập tục cưới hỏi từ thời Hùng Vương? Vai trò của cha mẹ trong hôn nhân? Nguồn gốc chữ song hỷ trong đám cưới; Đạo lý vợ chồng theo quan niệm Nho giáo; Pháp chế hôn nhân thời phong kiến; Pháp luật phong kiến về tội ngoại tình.
Trong phần này, sách cũng giúp bạn đọc tìm hiểu về các tập tục, nghi lễ trước đám cưới như: Thách cưới; Chọn giờ tốt, ngày lành; Dạm ngõ và ăn hỏi; Các tục sau lễ ăn hỏi; Chuẩn bị những nghi thức trong lễ cưới; Cưới chạy tang; Quy định về nghi thức hôn lễ trong thời vua Lê Thánh Tông; Chính sách về hôn lễ của nhà Nguyễn; Hôn lễ và các tập tục (lễ vu quy, lễ xin dâu, lễ rước dâu và đưa dâu, lễ cưới và cỗ cưới, tục lệ chuẩn bị phòng tân hôn, lễ thành hôn và lễ hợp cẩn); Các tập tục sau đám cưới (lễ đặt nồi, mâm cơm mời bố mẹ chồng, lễ Lại mặt, tục kiêng kị khi gặp chồng,…); Những đám cưới đặc biệt (tái giá, tục huyền, cưới vợ lẽ, nàng hầu, nô tỳ, thú phạt, tráo hôn, hai lần kết hôn, cưới lại, minh hôn, cắt tiền duyên, đám cưới cung đình.
Phần 2 “Đám cưới ba miền” ghi chép lại tập tục cưới hỏi ở ba miền Bắc, Trung, Nam qua các nội dung như: Cưới hỏi ở Bắc Bộ xưa; Cưới hỏi ở Hà Nội qua các thời kỳ; Ra vốn cho dâu; Rước dâu ở Bắc bộ ngày nay; Tục cưới ở Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Cưới hỏi ở Nam Bộ; Món ăn trong tiệc cưới ở Nam Bộ; Cưới hỏi xứ miệt vườn; Cưới hỏi ở Bến Tre, Trà Vinh; Những kiêng kị trong đám cưới Nam Bộ; Những đám cưới đặc biệt (đám cưới tại chùa, hôn lễ của tín đồ Công giáo, hôn phối của tín đồ đạo Cao Đài, đám cưới tập thể, lễ tuyên hôn, đám cưới phương xa, hôn nhân với người nước ngoài).
Phần 3 “Đám cưới thời nay” đề cập đến những việc cần thiết để có một đám cưới hoàn hảo như: Chủ động trong cưới hỏi; Hiểu về luật hôn nhân và việc đăng ký kết hôn; Những việc nên thận trọng trước ngày cưới; Những việc cần lưu ý khi chuẩn bị cưới (chọn địa điểm, thực đơn và dự tính số khách, thiệp mời, trang sức, chụp ảnh, hoa cưới, áo cưới, bánh cưới, phòng tân hôn, tuần trăng mật…).
Ngoài ra, ở phần phụ lục là những ghi chép về đám cưới người Việt ở nước ngoài, nghi lễ hôn nhân người việt ở Trung Quốc, Nga, Mỹ.
Có thể thấy, trong tiến trình lịch sử, những lễ nghi, tập tục cưới hỏi của người Việt cũng có tính kế thừa, tính biến hóa và tính phát triển; bởi ở bất kỳ thời đại nào thì lễ tục cũng tiếp thu những diện mạo tinh thần, và cũng chịu sự ảnh hưởng của văn hóa, kinh tế, chính trị của thời đại đó.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Đám cưới người Việt xưa và nay” để làm giàu thêm vốn kiến thức và có thể lựa chọn thực hiện những tập tục cưới xin phù hợp, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
- Ký hiệu phân loại: 392.509597 / Đ104C
- Phòng Đọc: DV 59643;
- Phòng Mượn: MA 24384-24385