Gia đình giáo dục / Nguyễn Đức Phong; tổ chức bản thảo: Kiều Mai Sơn. - H. : Tri thức, 2019. - 188tr.; 21cm

Thứ hai - 31/05/2021 23:51 889 0
Gia đình giáo dục / Nguyễn Đức Phong; tổ chức bản thảo: Kiều Mai Sơn. - H. : Tri thức, 2019. - 188tr.; 21cm
“Gia đình giáo dục” là quyển sách được viết bởi nhà văn Thái Phỉ (tên thật là Nguyễn Đức Phong) đã từng được Nhà xuất bản Đời Mới ấn hành năm 1951. Tác giả không chỉ là một nhà văn, ông còn là một trong những nhà giáo dục ở Việt Nam sớm nhận ra tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành của trẻ em và tiền đồ của dân tộc.

Sách được Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2019, do Kiều Mai Sơn tổ chức bản thảo, có chỉnh sửa một số cách viết để thống nhất với quy tắc chính tả hiện nay, đồng thời thêm một số chú thích cần thiết, còn mọi điểm khác đều được giữ nguyên. Sách gồm 188 trang trình bày 3 phần: Sức khỏe trước đã; Những cái hại cho sự học; Tấm gương sáng và sự săn sóc của bậc cha mẹ về việc học.  

Đọc sách, bạn đọc sẽ thấy rõ quan điểm cốt lõi về giáo dục gia đình tác giả đưa ra thời điểm cách đây hơn 70 năm nhưng so với những thành tựu giáo dục hiện nay vẫn còn phù hợp. Tiêu biểu là ba nội dung quan trọng mà ngày nay vẫn còn nguyên giá trị đó là: 

Thứ nhất, Thái Phỉ nhấn mạnh đến việc nuôi dạy nên những con người toàn diện phải có sức khỏe, có trí tuệ và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Ông khuyên cha mẹ phải đặc biệt chú ý đến chuyện ăn, mặc, ngủ của con cái. Ông cũng coi trọng việc rèn luyện cho trẻ em sinh hoạt lành mạnh và vận động hợp lý, tránh vận động quá sức, đặc biệt là tập luyện, thi đấu thể thao mà không được hướng dẫn một cách khoa học.

Thứ hai, tác giả lưu ý đến văn hóa đọc và rèn luyện phương pháp, thói quen đọc sách cho con trẻ. Ở điểm này, ông đã đi trước đa số người Việt từ rất sớm. Thực tế ngày nay văn hóa đọc đã được phụ huynh quan tâm hơn, bởi nhận thức được rằng: Đọc sách sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách tốt đẹp và thành công, hạnh phúc trong tương lai.

Thứ ba, tác giả chú ý đặc biệt đến việc tự giáo dục của phụ huynh. Ông đã nêu lên quan điểm gia đình có vai trò quan trọng không thể thay thế và cho rằng: “Muốn làm nên cái nhiệm vụ nặng nề và quan trọng ấy, các bậc cha mẹ phải tỏ ra mình xứng đáng với cái địa vị ấy”. Ông chỉ rõ tầm quan trọng của việc tự học, tự nhận thức của phụ huynh, ông khuyên các bậc phụ huynh không nên quên tự giáo dục lấy mình để mà giáo dục con cái. Đó là một lời khuyên không bao giờ thừa, không bao giờ cũ.

Tuy có một vài điểm không phù hợp với quan điểm giáo dục theo khoa học hiện nay (tác giả khuyên nên sử dụng đòn roi với trẻ khi đã áp dụng các phương pháp khác không hiệu quả), nhưng quyển sách “Gia đình giáo dục” vẫn rất đáng học hỏi và áp dụng, giúp chúng ta thấy rõ cái Tâm cái Tầm của người xưa đối với việc quan tâm giáo dục trẻ em bắt đầu từ cái nôi gia đình. 

Các bạn hãy tìm đọc quyển sách này tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 649 / GI-100Đ
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.056536;
▪ PHÒNG MƯỢN: ME.007393; ME.007394

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây