Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở Cần Thơ được quan tâm. Những nét văn hóa quý báu của cha ông, những tinh hoa của đất và người Cần Thơ nhờ đó mà được khơi dậy sức sống. DSVHPVT không chỉ là “quá khứ” mà còn là tiềm năng, tài nguyên du lịch và nền tảng nhân văn cho Cần Thơ hội nhập, phát triển.
Quyển sách “Di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Cần Thơ” do Bảo tàng Thành phố Cần Thơ biên soạn và phát hành năm 2019, tập hợp giới thiệu 30 bài viết có tính chất khảo cứu về di sản văn hóa của các dân tộc Việt, Khmer, Hoa đang được bảo tồn trên địa bàn Thành phố Cần Thơ.
Mỗi di sản văn hoá phi vật thể được các tác giả giới thiệu lịch sử hình thành, hoạt động tiêu biểu, ý nghĩa, giá trị của di sản cùng việc làm giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được giới thiệu như: Lễ kỳ yên thượng điền Đình Bình Thuỷ, lễ tống phong của người Việt, lễ cầu an của người Khmer,…
Bên cạnh các Lễ hội là những nét đẹp đời sống của người dân Cần Thơ như: văn hoá chợ nổi Cái Răng, làng nghề dệt chiếu Cái Chanh,… Hay các món bánh dân gian đặc trưng của Cần Thơ: bánh tét lá cẩm, bánh Num bon của người Khmer, xá xíu của người Hoa, lẩu mắm,..
Quyển sách là minh chứng sống động cho nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, từ đó bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố, việc cần thiết và cơ bản chính là đưa những di sản văn hóa này trở lại với cộng đồng sinh hoạt văn hóa, bằng cách khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống của dân tộc trong mỗi người dân tới toàn cộng đồng.
Trân trọng kính mời quý vị và các bạn tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 390.0959793 / D300S
- DV.056967
* Phòng Mượn:
- 390.0959793 / D300S
- MA.021430, MA.021431, MA.021432