Lịch sử nước ta / Hồ Chí Minh. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2020. - 115tr.; 13cm

Thứ sáu - 04/09/2020 05:35 2.396 0
Lịch sử nước ta / Hồ Chí Minh. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2020. - 115tr.; 13cm
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. 

Đó là hai câu mở đầu diễn ca “Lịch sử nước ta” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác tại Pác Pó sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước. Đây là bài diễn ca lịch sử nước ta bằng thể thơ lục bát dễ thuộc, dễ hiểu gồm 208 câu.
Diễn ca “Lịch sử nước ta” với nội dung ca ngợi tinh thần bất khuất trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của nhân dân ta. Đồng thời, tác giả kêu gọi các tầng lớp nhân dân hãy đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, đứng lên làm cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng đất nước khỏi ách thống trị thực dân Pháp. Bài diễn ca đã góp phần chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Năm 2020, Nxb. Trẻ đã xuất bản quyển “Lịch sử nước ta” với khổ 9 x 12,5 ghi lại toàn văn bài diễn ca với độ dày 115 trang.
Quyển sách nhỏ gọn với rất nhiều hình minh họa sinh động chuyển tải đến bạn đọc những câu thơ gần gũi dễ hiểu, dễ nhớ của Hồ Chủ tịch. Nội dung bài thơ viết về lịch sử nước ta từ khi bắt đầu hình thành với tên gọi Văn Lang và trải qua các thời kì kháng chiến chống ngoại xâm, đến năm 1945 đổi tên nước là Việt Nam. 
 Bên cạnh đó, niên biểu lịch sử Việt Nam được Người đặt dưới tên gọi “Những năm quan trọng” (bắt đầu từ mốc trước Tây lịch “2879 - Hồng Bàng” và kết thúc là mốc “1945 - Việt Nam độc lập”) và bài viết “Nên học sử ta” của Bác Hồ in trên báo Việt Nam độc lập, số 117, ngày 1-2-1942 cũng được trình bày trong quyển sách.
Một điều thú vị khi tìm hiểu bài diễn ca “Lịch sử nước ta”, chúng ta sẽ biết được tác phẩm này đầu tiên in trên sách do Việt Minh tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2 năm 1942. Khi xuất bản cuốn sách này, Hồ Chí Minh vừa là tác giả vừa là biên tập viên, vừa là người trình bày, vừa là họa sĩ minh họa, đồng thời là thợ in và sửa morase.
Bài lịch sử Việt Nam bằng thơ này mãi mãi là một tác phẩm giàu tâm huyết, có tác dụng rất lớn trong mọi thời đại. Trong điều kiện hội nhập ngày nay, chúng ta càng không quên lịch sử bốn nghìn năm cha ông ta đã anh dũng đứng lên dựng nước và giữ nước. Đặc biệt là lời kêu gọi gìn giữ và phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc được Bác Hồ viết trong hai câu cuối của bài thơ:
“Dân ta xin nhớ chữ đồng:
Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh!”

 Các bạn hãy tìm đọc quyển “Lịch sử nước ta” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7 / L302S; 
▪ PHÒNG ĐỌC:  DN.003214
▪ PHÒNG MƯỢN:  MG.010117; MG.010118

 

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây