Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống. Đây là dấu mốc quan trọng giúp hoạt động thư viện hiệu quả hơn, cũng như nâng cao văn hóa đọc của nhân dân.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu và vận dụng hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến thư viện và văn hóa đọc, Thư viện TP. Cần Thơ trân trọng giới thiệu quyển “Luật Thư viện” do Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2020.
Với 59 trang, quyển sách trình bày toàn văn Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/11/2019 và được công bố theo Lệnh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 03 tháng 12 năm 2019. Luật này thay thế Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH10. Luật Thư viện đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân quy định trong Hiến Pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, cơ sở văn hóa.
Luật Thư viện gồm 52 điều thể hiện qua 6 chương gồm: Những quy định chung; Thành lập thư viện; Hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện; Điều khoản thi hành.
Qua đây, các nội dung như: Thư viện; Thư viện số; Tài nguyên thông tin; Dịch vụ thư viện; Chức năng, nhiệm vụ của thư viện; Các loại thư viện; Điều kiện thành lập thư viện; Nguyên tắc hoạt động thư viện; Quyền, nghĩa vụ của của người làm công tác thư viện; Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng thư viện; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;… được quy định rõ trong các điều Luật. Trong đó, về phát triển văn hóa đọc, ở điều 30 của Luật Thư viện đã quy định: "Ngày 21 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”. Điều này có ý nghĩa thiết thực tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, cũng như tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Có thể thấy, Luật Thư viện ra đời là niềm vui của những người làm công tác thư viện và những người yêu văn hóa đọc. Luật Thư viện vừa là điểm tựa vững chắc vừa tạo niềm hy vọng về sự chấn hưng và phát triển của sự nghiệp thư viện cũng như văn hóa đọc của đất nước trong thời gian tới.
Bạn đọc có thể tra tìm quyển “Luật Thư viện” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
- Ký hiệu phân loại: 344.597 / L504TH
- PHÒNG ĐỌC: DV.058306;
- PHÒNG MƯỢN: MA.022680; MA.022681; MA.022682