Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 được Giáo sư Klaus Schwab, sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2016 tại Davos, Thụy Sĩ, khác với những thay đổi về tốc độ, phạm vi và ảnh hưởng của các công nghệ mới so với Cách mạng số hóa từ năm 1960. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những giá trị chưa từng có tác động đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, song cũng gây ra không ít hệ lụy, tác động xấu đối với con người và xã hội. Trong bối cảnh đó, pháp luật đóng vai trò then chốt bằng việc tạo ra hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội mới phát sinh, giải quyết các vấn đề mới đặt ra trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ở Việt Nam, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần nhắc đến “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” vừa là cơ hội, thách thức, yêu cầu thúc đẩy, đổi mới, vừa là quan điểm phát triển, đặc biệt nhấn mạnh: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật… khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước."
Được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2021, quyển sách “Pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do PGS. TS. Đặng Minh Tuấn chủ biên, là tài liệu bắt nhịp với vấn đề tiêu điểm của thời đại lần đầu tiên đề cập riêng đến chủ đề này.
Với độ dày 599 trang, quyển sách gồm 3 chương:
Chương 1 trình bày tổng quan cách mạng công nghiệp lần thứ tư và mối liên hệ với pháp luật, những thay đổi của pháp luật; các yêu cầu, quan điểm và cách tiếp cận đối với pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chương 2 trình bày tổng quan pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các luật cụ thể như: Luật Hiến pháp, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Luật Dân sự, pháp luật kinh doanh, pháp luật việc làm, tư pháp quốc tế, công pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế…
Chương 3 đề cập một số vấn đề pháp lý cơ bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở các lĩnh vực gồm: quản trị nhà nước; chính phủ điện tử; phòng, chống tham nhũng; phạm vi và giới hạn của tự do internet; trí tuệ nhân tạo; an ninh mạng; phòng, chống thông tin giả trên không gian mạng; phòng chống rửa tiền.
Tập hợp các vấn đề lý luận và thực tiễn thời sự về pháp luật trong giai đoạn hiện nay, quyển sách “Pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” không chỉ là tài liệu tham khảo cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, các nhà nghiên cứu, sinh viên, học viên chuyên ngành luật tại các cơ sở đào tạo luật, mà còn dành cho các cán bộ thực tiễn và những người quan tâm đến lĩnh vực này.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 349.597 / PH109L
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020376