Ngày nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Bởi đây là mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Từ đó, người dân tự ý bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Quyển sách “Phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam” do Nguyễn Thanh Loan chủ biên, Nxb. Thể thao và Du lịch ấn hành năm 2020 sẽ cung cấp bạn đọc những nội dung liên quan đến vấn đề này.
Sách dày 272 trang, nội dung gồm 3 chương: Chương 1 khái quát cơ sở lý luận về phát triển du lịch cộng đồng; Chương 2 giới thiệu các mô hình du lịch cộng đồng hiệu quả ở Việt Nam đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội địa phương; Chương 3 đưa ra một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng du lịch cộng đồng tạo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Có thể thấy, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng khá thành công ở vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lào Cai, Hà Giang v.v… Việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc đặc sắc. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng phát triển cần giữ nguyên gốc, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó. Tác giả cũng nêu khuyến nghị: Để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng, các địa phương cần có sự thay đổi để mang đến màu sắc mới đến với địa phương mình. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về chiến lược quy hoạch du lịch cộng đồng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng mạnh hơn, đồng thời giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của mỗi địa phương.
Với nội dung giới thiệu tương đối đầy đủ các vùng du lịch và các mô hình du lịch cộng đồng trên cả nước, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm thực tế từ các mô hình phát triển du lịch cộng đồng hiện có tại Việt Nam, quyển sách “Phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam” là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến lĩnh vực du lịch.
Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 338.409597 / PH110TR
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.059361
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.024004; MA.024005