“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. (Ca dao)
Từ xa xưa trong lịch sử, người Việt đã hình thành loại hình tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Người Việt coi trọng và thực hành các nghi thức cúng lễ tổ tiên và xem đó như một chuẩn mực của “Hiếu đạo” vì người Việt quan niệm sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn, tức là, kính thờ khi đã mất như khi còn sống. Tinh thần “Hiếu đạo” đối với đất nước, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, từ xưa cho đến nay, luôn là một “điểm son” trong lẽ sống và văn hóa của người Việt. Trên thế giới có nhiều quốc gia có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam. Đây là tín ngưỡng góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam luôn được các thế hệ người Việt duy trì, kế tục, phát huy và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.
Nhằm giúp bạn đọc tìm hiểu về lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, năm 2015, Nxb. Lý luận Chính trị đã xuất bản quyển sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do GS. TS. Tạ Ngọc Tấn chủ biên.
Quyển sách là kết quả của cuộc Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Với độ dày 473 trang, quyển sách tập hợp các bài tham luận làm sáng tỏ về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học; Nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm thức người Việt và các tộc người thiểu số trên các vùng miền của Tổ quốc và của bà con Việt kiều xa quê; Khẳng định vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng đất nước hiện nay.
Với nhiều thông tin khoa học về nguồn gốc, tập tục, đặc điểm, giá trị văn hoá thờ cúng Hùng Vương của người Việt, cũng như những chỉ dẫn các địa phương xây dựng đền thờ Hùng Vương, quyển sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại. Đặt biệt là công tác phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là một di sản văn hóa thế giới, đồng thời quan sát những biến đổi của Lễ hội Hùng Vương trong hoạt động du lịch hiện nay để có những giải pháp phù hợp.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 398.09597 / T311NG
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.014613;
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.015579; MA.015580