Sự phát triển với tốc độ nhanh và đầy biến động của nền kinh tế - xã hội đã đem đến cho quá trình sống, học tập và rèn luyện của học sinh ngày càng nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi đối với sự phát triển nhân cách các em. Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi nhất ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với thế hệ trẻ. Bản thân hoạt động giáo dục trong các nhà trường cũng cần được làm phong phú thêm với những hiểu biết sâu sắc hơn về mặt tâm lý của học sinh để tạo điều kiện thích nghi hóa nội dung giáo dục theo điều kiện và khả năng của người học.
Quyển sách “Thấu hiểu tâm lý học đường” do Ánh Hoa sưu tầm và biên soạn, Nxb. Dân trí ấn hành năm 2019 sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về tâm lý học đường ở lứa tuổi học sinh (tuổi vị thành niên và tuổi teen). Sách dày 151 trang bao gồm 03 phần:
Phần 1 “Tầm quan trọng của việc thấu hiểu” xác định vai trò, ý nghĩa của tâm lý học đường như: Tâm lý học đường là gì?; Tại sao cần phải quan tâm đến tâm lý học sinh?; Tầm quan trọng của việc thấu hiểu tâm lý học đường và vai trò của tư vấn tâm lý học đường... Thấu hiểu tâm lý học đường sẽ giúp các bậc phụ huynh và giáo viên có thể phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp kịp thời đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống. Đồng thời cũng hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội.
Phần 2 “Sự thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi học đường” trình bày những nội dung như: Vị trí và giai đoạn phát triển tâm lý; Những điều kiện của sự phát triển tâm lý lứa tuổi; Hoạt động giao tiếp của lứa tuổi thiếu niên; Sự phát triển nhân cách; Đặc trưng tâm lý của lứa tuổi thiếu niên... Bên cạnh đó còn hướng dẫn bạn đọc cách giải quyết những tình huống như: Làm sao để thấu hiểu và giúp đỡ con khi gặp vấn đề tâm lý lứa tuổi học đường?; Người giáo viên nên làm gì để chia sẻ, giúp đỡ các em học sinh trong tiến trình phát triển tâm lý?... Những thay đổi và tác động về điều kiện sống của gia đình, nhà trường, xã hội khiến cho hoạt động giao tiếp của các em phức tạp hơn. Đây cũng là giai đoạn hình thành ý thức, đạo đức, tình cảm để tạo nên nhân cách của các em. Khi phát hiện các em có những dấu hiệu đó thì phụ huynh và giáo viên phải biết nói chuyện, lắng nghe để có những giải pháp thích hợp. Giáo viên và phụ huynh cần là những người bạn gần gũi, tin cậy để các em mạnh dạn bộc bạch những điều khó khăn, thầm kín nhất.
Phần 3 “Tâm lý học đường thường gặp” đề cập những vấn đề như: Những bất thường về tâm lý; Những áp lực học tập; Nghiện game, internet, mạng xã hội; Tình yêu học đường; Bạo lực học đường do khủng hoảng tâm lý; “Bỗng dưng” nổi loạn; Thái độ im lặng và nhu cầu lắng nghe, thấu hiểu; Những vướng mắc thầm kín tuổi dậy thì; Tâm hồn treo ngược cành cây (chứng mất tập trung)... Đó là những biểu hiện ảnh hưởng không tốt đối với đời sống, hoạt động học tập và tu dưỡng rèn luyện của các em, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục.
Quyển sách “Thấu hiểu tâm lý học đường” là tài liệu tham khảo hũu ích dành cho giáo viên có thêm kiến thức và kỹ năng để giáo dục học sinh một cách khoa học và hiệu quả hơn. Đồng thời cũng là kim chỉ nam cho các bậc phụ huynh nuôi dạy con tốt hơn ở lứa tuổi học sinh, một giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, giúp các em ngày càng trưởng thành và có tương lai tươi sáng.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 371.801 / TH125H
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.017852
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.021062; MA.021063