Gia đình là hạt nhân của xã hội. Những giá trị truyền thống lâu đời của một gia đình, một dòng họ có sức mạnh vô hình đã thúc giục, động viên cho mọi người trong gia đình, dòng họ thực hiện những hoài bão to lớn, đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của một dân tộc. Trong quá trình lịch sử, các gia đình Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Phật và đạo Nho, vì vậy cũng được tiếp thu những tinh hoa của đạo Phật, đạo Nho, và đã “Việt hóa”, và “dân gian hóa” trở thành những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong đó có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu tìm hiểu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin đã xuất bản cuốn sách "Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo" của tác giả Nguyễn Thế Long vào năm 2006. Sách dày 172 trang gồm tập hợp hơn 25 bài viết trong các cuộc hội thảo, trên báo chí về truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của nước ta như chuyện về “Phạm Văn Nghị, thầy giáo chiến sĩ”, “Cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng đã tự học tiếng Pháp như thế nào trong nhà tù Côn Đảo”, “Nhân tài phải được nuôi dưỡng trong tinh thần tự do sáng tạo”, “Từ cây bút lông đến bàn phím vi tính”,...
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ với mã số:
Ký hiệu phân loại: 371.009597 / TR527TH
PHÒNG MƯỢN: MA.007728
PHÒNG ĐỌC TỔNG HỢP: DV.036387