Để ăn không phải băn khoăn : Đối thoại về an toàn thực phẩm / Vũ Thế Thành, Nguyễn Bích Hiền. - H. : Thế giới, 2018. - 167tr. : Ảnh; 21cm

Thứ sáu - 13/09/2019 22:45 1.695 0
Để ăn không phải băn khoăn : Đối thoại về an toàn thực phẩm / Vũ Thế Thành, Nguyễn Bích Hiền. - H. : Thế giới, 2018. - 167tr. : Ảnh; 21cm
Ăn gì khỏi sợ? Chưa bao giờ câu hỏi ấy lại nóng bỏng như ngày hôm nay. Nhưng nỗi sợ ấy có bao nhiêu phần trăm đến từ kiến thức khoa học, vào bao nhiêu phần trăm tạo nên bởi truyền thông giật gân? Tiếc thay, truyền thông giật gân hiện nay dường như đang áp đảo với một tốc độ phi thường, lan truyền ra hàng loạt những tin đồn chưa chính xác về an toàn thực phẩm.
Quyển sách “Để ăn không phải băn khoăn” do Vũ Thế Thành và Nguyễn Bích Hiền biên soạn, Nxb. Thế Giới ấn hành năm 2018 tập hợp những thông tin về an toàn thực phẩm, giúp bạn biết cách sử dụng thực phẩm thực sự khoa học, an toàn và có thể an tâm trong việc ăn uống hàng ngày trước quá nhiều thông tin trên báo chí.
Với độ dày 268 trang gồm 31 bài viết, quyển sách được trình bày dưới dạng những câu đối đáp ngắn gọn, hóm hỉnh giữa hai tác giả, giúp các câu chuyện khoa học về an toàn thực phẩm bỗng trở nên vô cùng thú vị và dễ tiếp cận. Hàng loạt những vấn đề được đặt ra như: Ăn mì gói sợ ung thư? Nấu nướng thực phẩm bằng lò vi sóng tạo ra chất gây ung thư? Rau củ quả có nitrate gây ung thư?… Trong thực tế, tìm ra mối quan hệ giữa thực phẩm và nguy cơ ung thư là điều khó khăn, bởi chúng ta ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau và cơ địa mỗi người mỗi khác, cho nên mỗi nghiên cứu về an toàn thực phẩm thì có thể cho kết quả khác nhau. Có nhiều nghiên cứu nhưng không phải nghiên cứu nào cũng có giá trị như nhau. Giới khoa học chỉ xem xét những nghiên cứu được xem là tin cậy, sau đó mới đưa ra nhận định chung.
Nhiều bài báo tiêu cực với những tiêu đề lạ lùng như thực phẩm này là sát thủ thầm lặng, thực phẩm kia phải tránh, ngược lại, cũng có những bài báo ngợi ca quá trớn những loại gọi là siêu thực phẩm, giúp thúc đẩy hệ miễn nhiễm, diệt tế bào ung thư,… Người ta dễ tin những lời hù dọa, nếu không tin cũng nơm nớp sợ, nếu không sợ thì cũng rụt rè. Vì vậy, quyển sách sẽ giúp người đọc có cách tin khoa học, chính xác. Lấy ví dụ từ bài viết “Ngại là ngại muối, chứ đừng ngại dưa muối gây ung thư”, người đọc sẽ hiểu rằng dưa muối có độ mặn cao, không có lợi cho bao tử, thói quen ăn mặn có liên quan đến ung thư bao tử, ngại là ngại muối, chứ không phải ngại dưa muối. Hay bài viết “Bún phát quang, bún hàn the là bún bẩn: làm sao phân biệt” sẽ giúp người đọc nhận ra không phải việc sử dụng bún sẽ gây nguy hiểm mà do trong quá trình chế biến, một số nhà sản xuất đã sử dụng các chất phụ gia bị cấm dùng trong thực phẩm và cách để chúng ta nhận ra các loại bún bẩn, bún sử dụng chất cấm. Một số bài viết khác: “Chưa thể kết luận son môi là nguyên nhân gây nhiễm chì trong máu”, “Mì gói mà phải trụng nước sôi thì hơi… yếu vía”, “Gạo nhiễm arsenic, chẳng lẽ bỏ luôn cả cơm?”,…
Những vấn đề mà quyển sách nêu ra là những băn khoăn, lo sợ chung của các bà nội trợ qua những câu hỏi cụ thể, rất đời thường. An toàn thực phẩm hiện tại là vấn đề quan trọng, nhưng không phải tới mức hãi sợ, nhìn đâu cũng thấy thực phẩm gây ung thư. Đọc quyển sách “Để ăn không phải băn khoăn”, bạn sẽ bớt đi phần nào nỗi sợ khi ăn uống và có cách nhận diện thực phẩm khoa học, chính xác.
Sách đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 363.19/Đ250Ă
- DV.53911
* Phòng Mượn:
- 363.19/Đ250Ă
- MA.18529, MA.18530

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây