“Cảm ơn nhau đến trong đời
để khi giông gió có nơi trở về.”
- Nhược Lạc
Là một người vợ, một người mẹ trẻ, tác giả Nhược Lạc (sinh năm 1991) đã khắc họa không khí ấm áp đầy tình thương yêu của gia đình qua tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm”. Một tập thơ nhẹ nhàng chia sẻ về trải nghiệm, về quan điểm sống trong xã hội hiện đại. 85 bài thơ nhỏ nhắn, gọn gàng là tiếng lòng của người phụ nữ trẻ khi cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị trong mái ấm gia đình và hiểu được hạnh phúc ấy cần hết lòng vun đắp, giữ gìn.
Đọc những bài như: Cơm đến từ đâu, Dịu lời một chút với nhau, Cố gắng sống không cần cố gắng, Ngày bình thường, Người dưng vĩ đại, Bánh mới ra lò, Em ăn cơm, Những ngày giận nhau, Mỗi đứa trẻ là một miền đất khác, Làm chị, Cho con, Sau này con lớn, Đôi tay, Chén trà... và còn những bài khác trong xuyên suốt tập thơ, hình ảnh “cơm nhà” luôn hiện diện. Đó là những bữa sáng, bữa trưa, bữa tối và cả những lúc ăn vặt đều gắn với từng câu chuyện, là sự quan tâm chia sẻ nỗi niềm buồn vui dưới mái nhà:
“Anh bắc nồi cơm, em xào rau giá
đưa chuyện nhau nghe những nỗi nhật thường
em của ân cần, hạ của yêu thương
sợ gì đâu khi bão còn chưa đến”.
Và nhà sẽ là mái ấm:
“Là khi mình không muốn ăn một mình
mà thêm bát, thêm rau
thêm câu chuyện nhắc nhau vào đầu bữa
thêm vài thứ để rửa/ sau mỗi giờ ăn”.
Chỉ bình dị vậy thôi mà khiến người đọc phải dừng lại suy ngẫm phải chăng ta cần chậm lại một chút về với gia đình, cùng nhau ăn cơm và san sẻ những nỗi niềm, bởi:
“mỗi gia đình là ngọn hải đăng bé
để con thuyền căng gió lộng ra khơi
để hải âu vươn sải cánh muôn nơi
mà chẳng sợ hãi bất an và lạc lõng”.
Không chỉ là câu chuyện của riêng tác giả, đọc tập thơ “Cơm nhà nói chung là êm” bạn đọc thấy được đó là câu chuyện của người trẻ hôm nay trong hành trình trưởng thành. Từ khi ấu thơ rồi thiếu niên đến dậy thì, bước vào yêu, lập gia đình, chăm sóc con cái…Từng chặng đường đi qua với bao buồn vui nhưng trên hết, là tình yêu, là trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình.
“Cơm nhà nói chung là êm” được Nxb. Thế giới xuất bản năm 2021 với 209 trang.
Các bạn hãy tìm đọc tập thơ tại Thư viện TP Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.92234 / C463NH
▪ PHÒNG MƯỢN: MV.023259; MV.023260