Quyển sách “Trái tim có hình hộ khẩu” là tập phiếm luận gồm 20 tạp bút như những lát cắt cuộc sống, bày tỏ những suy nghĩ của tác giả Dương Thành Truyền trước các sự kiện, hiện tượng, con người trong cuộc sống. Sách có độ dày 191 trang gồm 40 bài viết, được chia làm 2 phần: “Dọc” và “Ngang”.
Phần “Dọc” gồm những câu chuyện về ứng xử của người đời, còn phần “Ngang” lại đi sâu về những vấn đề nóng mà dư luận đang quan tâm. Mỗi bài viết là một vấn đề cần quan tâm, suy ngẫm để tránh làm sai, nghĩ sai.
Chẳng hạn như trong bài viết “Thế giới phẳng”, tác giả nêu ra những dẫn chứng về thái độ, cách cư xử thiếu tôn trọng, lễ phép với người lớn của một bộ phận lớp trẻ. Bài viết “Trái tim có hình hộ khẩu” phê phán cách nghĩ thực dụng trong tình yêu, hôn nhân, làm tổn thương đối phương. Hay chuyện “Ai kêu tôi đó” bàn về những người luôn tìm mọi cách gây sự chú ý của mọi người một cách vụng về, phản cảm. Bài “Hoa hồng và rắn độc” phiếm về chuyện nhận hoa hồng từ các công ty dược của bác sĩ. Bài “Cơ chế an toàn” cười các thí sinh trong các cuộc thi hoa hậu trả lời ứng xử giống hệt nhau.
Bên cạnh sự phê phán, châm biếm, tác giả còn có những bài viết đề cao những việc làm tích cực, ý nghĩa, có ích cho xã hội. Như bài “Một định nghĩa khác về sự giàu có”, cho thấy tài sản chính là ý nghĩa từ những gì mà chúng ta mang lại cho người khác, cho cộng đồng ngay cả khi chúng ta không còn tồn tại trên cõi đời này. Hay bài “Nghĩa cử anh hùng” nói về anh Lương Văn Nhơn, bà con xã Tân Hòa Thành (Tiền Giang) trong cơn lũ dữ có thể làm kinh ngạc những người khác nước ngoài, nhưng đối với mỗi con người Việt Nam lại chính là một bổn phận phải thực hiện mà không cần suy tính, làm nên sức mạnh văn hóa Việt Nam.
Với ấn phẩm “Trái tim có hình hộ khẩu”, tác giả khéo léo lồng ghép những vấn đề xã hội qua những câu chuyện cụ thể bằng cách hành văn rất hài hước, nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng thâm thúy, giúp cho bạn đọc có góc nhìn độc đáo về xã hội, để từ đó đánh thức trách nhiệm công dân trong mỗi người qua các hành vi cụ thể.
Đọc quyển sách, bạn sẽ thấy được tính thời sự của nhà báo, tính tinh tế của nhà văn, cái sâu sắc, từng trải của một con người luôn không ngừng cố gắng học hỏi, phát triển và cống hiến. Đọc để hiểu hơn về cuộc sống và tự nhủ cố gắng vững vàng hơn, thích nghi hơn với thời cuộc. Sách do Nxb. Trẻ ấn hành năm 2017.
Mời bạn tìm đọc quyển sách “Trái tim có hình hộ khẩu” tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 895.92284/TR103T
- DV.53013
* Phòng Mượn:
- 895.92284/TR103T
- MV.19523, MV.19524