CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 02 (01/9/2022)            

Thứ tư - 24/08/2022 22:17 765 0
                                                                                                                         
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 02 của Thư viện TP. Cần Thơ!

I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 

     Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của sách, cũng như đặc trưng và tiện ích của sách in và sách điện tử do chúng tôi tổng hợp. 

 Sơ lược nguồn gốc ra đời của sách
Sự ra đời của sách gắn liền với lịch sử phát triển chữ viết và ngôn ngữ, văn học, khoa học kỹ thuật,.. bắt nguồn từ những dòng chữ ghi chép trên đá, thân cây, lá cây, trên xương, đất sét... và sau đó là trên giấy chỉ thảo papyrus (một loại giấy cói).

Những cuốn sách đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 25 trước công nguyên thời Ai Cập cổ đại, được viết trên giấy chỉ thảo cuộc thành ống. Đến thế ký thứ 9, thời kỳ văn minh cổ Trung Quốc, người ta bắt đầu in sách trên bản khắc gỗ, sau đó in trên đất sét, đồng thau với kỹ thuật thủ công. Đến thế kỷ 15, sách in theo kiểu sắp chữ ra đời ở Châu Âu (1440) đã đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật in ấn.

Sách in
Sách in là tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, đóng gộp lại thành quyển. Sách là nơi chứa đựng kiến thức về nhiều ngành nghề, về kinh nghiệm sống, những vấn đề xã hội hay những cảm xúc của tác giả mong muốn được truyền tải đến người đọc. 
Sách không chỉ cung cấp nguồn kiến thức to lớn để phục vụ cho quá trình học tập và làm việc, ngoài ra còn được người đọc xem nhưng là một phương thức để giải trí thư giãn đầu óc. 
Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì sách không chỉ được in ấn thành quyển mà còn có thêm dạng sách điện tử hay còn gọi là ebook.

Ebook 
Ebook hay sách điện tử (Electronic book), là một quyển sách được xuất bản và phát hành cho các thiết bị kỹ thuật số, bao gồm văn bản, hình ảnh hoặc cả hai. Sách điện tử có thể được đọc trên các thiết bị E-reader chuyên dụng, nhưng cũng có thể trên bất kỳ thiết bị máy tính nào có màn hình xem có thể kiểm soát, bao gồm máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng và điện thoại thông minh và pocket PC.
Ebook hiện nay có khá nhiều định dạng khác nhau để có thể tương thích với nhiều thiết bị hơn, các định dạng Ebook thường gặp là: EPUB, MOBI, PRC, PDF...

Sách in và Ebook - Những đặc trưng và tiện ích
Sách điện tử có lợi thế về sự nhanh chóng, tiện lợi có thể tranh thủ đọc những lúc rảnh rỗi với nhiều bản miễn phí, hoặc khi đọc có phí thì giá thành chỉ bằng khoảng 15 - 30% so với sách in (không tính giá thành của thiết bị điện tử dùng để đọc). Bên cạnh đó, sách điện tử còn có thể phóng to cỡ chữ; sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói (sách nói) phù hợp với người già, người khiếm thị.

Tuy nhiên sách điện tử có thể làm người đọc thường thiếu tập trung, mỏi mắt... hay khi thiết bị công nghệ gặp vấn đề, hàng ngàn “file” sách điện tử có thể dễ dàng biến mất. Những bất cập của sách điện tử lại là lợi thế của sách in truyền thống, bởi sách in truyền thống giúp chúng ta có cảm giác của sự sở hữu đồ vật yêu thích và xây dựng thói quen đọc hiệu quả hơn. Đặc biệt, đọc sách in giúp ta ghi nhớ được nội dung cũng như trình tự và vị trí của nó ở trong cuốn sách dễ dàng và nhớ lâu hơn. 

Các bạn thân mến! Sách in truyền thống hay sách điện tử? Đó không phải là câu chuyện về sự lựa chọn chỉ “1 trong 2”. Chúng ta có thể chọn ra phương tiện đọc phù hợp cho mình. Chúng ta có thể tận hưởng việc đọc sách báo điện tử để nhanh chóng lấy thông tin cần thiết hay giải trí khi thuận tiện... nhưng chúng ta vẫn có thể ưu tiên đọc sách in cho những văn bản chuyên sâu cần sự tập trung và thấu hiểu. Điều đó cho thấy, sách in và sách điện tử sẽ luôn cùng song hành phát triển làm nên sự đa dạng, phong phú của văn hóa đọc ngày nay.

II. NHỊP CẦU TRI THỨC

* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, xin gởi đến quý vị và các bạn nội dung tóm tắt bài viết “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” của Mai Mộng Tưởng đăng trên Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương (tuyengiao.vn).  

Trong thời khắc rất đỗi thiêng liêng của buổi sáng ngày 02-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Người đã hỏi hàng vạn nhân dân đang dự buổi công bố Tuyên ngôn độc lập là: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

  Dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng câu hỏi rất đỗi mộc mạc, giản dị ấy vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch Nước đối với nhân dân, vừa thể hiện tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhân cách lớn của lãnh tụ hết lòng vì nước, vì nhân dân.

Câu nói nổi tiếng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tấm lòng trân trọng của Người đối với toàn thể nhân dân, bởi theo Người, trên đời này không có gì quý bằng nhân dân, không có gì to lớn mạnh mẽ bằng nhân dân, không có gì thay thế được nhân dân. Chính vì vậy, suốt đời Bác luôn lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Không ai khác, chính Bác đã thể hiện rất rõ nét về quan điểm tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người về suốt đời gắn bó với nhân dân, không những tự mình giữ mực thước trong mối quan hệ với nhân dân, mà Bác còn nhắc nhở, dạy bảo, cổ súy cho cả hệ thống chính trị và nhân dân chú trọng làm thật tốt mối quan hệ máu thịt này. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc ấm no, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Hai tiếng đồng bào Bác sử dụng ở thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy còn có ý nghĩa chính trị lớn lao biết bao, khi cuối bản Tuyên ngôn độc lập, Người lại tiếp tục dõng dạc tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Truyền thống dân tộc Việt Nam qua 4000 năm lịch sử đã khẳng định khí phách hiên ngang của con Lạc, cháu Hồng không một kẻ thù nào có thể khuất phục, ý chí về “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” đã được Bác Hồ chú tâm căn dặn, và điều này đã trở thành chân lý bất biến rằng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”, đó còn là sự tiếp nối khẳng định truyền thống Việt Nam bằng câu ca dao: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”… Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam hôm nay dù làm gì, ở đâu, khi nghĩ về đất nước mình, trước hết hãy nhớ rằng chúng ta là… đồng bào!.

* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:


1. Quyển sách: Hào kiệt - Anh tài dưới cờ cách mạng / Ánh Dương chủ biên. - H. : Thanh niên, 2021. - 181tr.; 21cm
Với 181 trang, quyển sách là tư liệu về cuộc đời, sự cống hiến, hi sinh cho Tổ quốc của gần 50 nhân vật tiên phong hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác Hồ, trong hoàn cảnh ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta giành được chính quyền, song nhà nước non trẻ đứng trước muôn vàn khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” phải đối phó với thù trong giặc ngoài. Đó là những tên tuổi như: Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Bá Trực, Hồ Đắc Điềm, Trần Văn Lai, Hồ Đắc Di, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Tạ Quang Bửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Tư Nghiêm, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Thái Văn Lung, Văn Cao … Các nhân vật lịch sử, mỗi người với tài năng, sở trường riêng ở nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị, quân sự, lịch sử, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật...) nhưng đều có một điểm chung là lòng yêu nước nồng nàn và nguyện cống hiến hết sức mình phục vụ Tổ quốc, nguyện đem tài đức cùng Chính phủ mới vượt khỏi giai đoạn khó khăn lúc bấy giờ.

Đọc “Hào kiệt - Anh tài dưới cờ cách mạng” để chúng ta hiểu biết về những con người kiên trung, bất khuất đã viết tiếp trang sử bốn nghìn năm dựng bước và giữ nước hào hùng của cha ông.   Sách  được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 959.7032092 / H108K;
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060426;
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.010815; MG.010816.

2. Quyển sách: Bí mật tư duy sáng tạo / Dortte Nielsen, Sarah Thurber; Phạm Quốc Bảo dịch. - Thanh Hoá : Nxb. Thanh Hoá, 2022. - 205tr. : Hình vẽ, ảnh; 24cm
Sách gồm 4 phần cung cấp những kiến thức lý thuyết và các bài tập thực hành về tư duy sáng tạo, nhằm cải thiện kỹ năng sáng tạo và khai phá được tính sáng tạo trong mỗi chúng ta. Sách giải đáp những câu hỏi như: Bí mật của những người có tư duy sáng tạo là gì? Cốt lõi của tư duy sáng tạo? Cách tư duy của những người sáng tạo? Tại sao người sáng tạo rất giỏi nhận ra các mối liên kết? Thế nào là tư duy tổng hợp, tư duy phân kỳ, tư duy hội tụ… trong kỹ năng tạo ra sự liên kết? Từ đó trình bày các nội dung lý thuyết và các bài tập rèn luyện, phát huy khả năng sáng tạo để vận dụng trong đời sống. 
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Bí mật tư duy sáng tạo” để biết được rằng: Tính sáng tạo đôi khi mang tính chất thiên phú, nhưng thật ra tư duy sáng tạo luôn có những đặc điểm, cấu trúc và cách thức mà một khi nắm bắt được, chúng ta có thể tư duy tốt hơn, biết kết hợp và đưa ra được giải pháp hiệu quả hơn.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với số ký hiệu phân loại: 153.3 / B300M;
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020619;
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.013746; MH.013747

3. Quyển sách: 11 lời khuyên dành cho thế hệ trẻ của Bill Gates / Nguyễn Gia Linh. - Tái bản lần thứ 5. - H. : Lao động Xã hội, 2021. - 231tr. : Ảnh; 21cm
Cuốn sách đúc kết 11 lời khuyên là những kinh nghiệm thành công và trí tuệ mà Bill Gates đã tổng kết được cho cuộc đời ông từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Đó là:
1. Thích nghi với cuộc sống.
2. Thành công là vốn nhân cách của bạn.
3. Đừng hi vọng không làm mà được hưởng.
4. Thói quen kỷ luật.
5. Không nên coi thường chuyện nhỏ.
6. Rút ra bài học kinh nghiệm từ những sai lầm.
7. Mọi việc đều phải tự tay mình làm.
8. Bạn luôn chỉ có một lần cơ hội.
9. Thời gian ở trong tay bạn.
10. Làm những việc nên làm.
11. Hãy đối xử tốt với những người xung quanh.
Với mỗi lời khuyên đưa ra, tác giả đều phân tích thấu đáo và chỉ dẫn những phương cách thực hiện, giúp các bạn trẻ có thể vận dụng vào cuộc sống.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách "11 lời khuyên dành cho thế hệ trẻ của Bill Gates" để có thêm những kỹ năng sống hữu ích. Sách có tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số ký hiệu phân loại: 158 / M558M
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061107; ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.013395; MH.013396

 Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 02 của Thư viện TP. Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn
             Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
CẤP THẺ BẠN ĐỌC
GIA HẠN SÁCH
CHỦ TÍCH HỒ CHÍ MINH - SÁNG MÃI TÊN NGƯỜI
KHO SÁCH ĐIỆN TỬ - EBOOK
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA
BÀI BÁO - TẠP CHÍ SỐ HÓA SỐ HÓA VỀ CẦN THƠ
Tập Thông tin Chuyên đề
THÔNG TIN DU LỊCH VIỆT NAM
THÔNG TIN KINH TẾ ĐBSCL
THÔNG TIN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
PHÁT THANH: VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG
CÙNG BẠN ĐỌC SÁCH: TRUYỀN CẢM HỨNG, KẾT NỐI VÀ LAN TỎA TRI THỨC
Let's Read - Asia’s free digital library for children
CSDL TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BẢN TIN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TP. CẦN THƠ
ẤN PHẨM XUÂN CẦN THƠ
Trung tâm kết nối Tri thức số
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây