THƯ VIỆN THÀNH PHỐ CẦN THƠ - CANTHO PUBLIC LIBRARY
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH “VĂN HÓA ĐỌC VÀ CUỘC SỐNG” KỲ 05 (01/12/2022)
Thứ năm - 24/11/2022 21:301.0540
Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 05 của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0 Các bạn thân mến!Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, xin mời các bạn cùng lắng nghe “Phương pháp đọc sách hiệu quả”, được chúng tôi tóm lược từ những chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương, trong quyển sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”, do Nxb. Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2022. Tác giả viết:
Sách có rồi, có thư viện rồi thì khi muốn đọc sách, việc đọc sách như thế nào sẽ là việc quan trọng. Từ kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình tôi có vài gợi ý:
Đọc ở đâu?
Chúng ta hãy tận dụng bất cứ thời gian nào để đọc sách vì thế cần phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đọc bất cứ đâu. Chúng ta có thể đọc sách khi chờ xe buýt, khi chờ làm thủ tục hành chính, khi chờ đợi người thân đến chỗ hẹn, khi ngồi trong phòng chờ... Vì thế chúng ta cần mang sẵn sách theo bên mình.
Đọc khi nào?
Mọi người có thể đọc sách bất cứ lúc nào có thời gian và bản thân muốn. Tuy nhiên, có một cách đặc biệt dành cho những người chưa có thói quen đọc sách là, hãy quy định ra thời gian đọc sách. Ví dụ, như đọc trước khi đi ngủ hay khi thức dậy vào buổi sáng. Muốn tập thành thói quen, đầu tiên nên chọn các cuốn sách mình thích, không quá dày, quá khó và thời gian ban đầu vừa phải có thể là 10 phút, hay nửa tiếng. Sau đó tăng lên dần tránh tình trạng “cả thèm chóng chán”. Đọc sách quan trọng không tính số lượng nhiều ít mà quan trọng là khả năng thẩm thấu, lĩnh hội cũng như những giá trị về tư duy, cảm xúc mà việc đọc đem lại. Vì thế hãy kiên nhẫn và không sốt ruột.
Đọc như thế nào?
Chúng ta hãy kiên nhẫn đánh thức não bộ bằng hoạt động đọc sách và linh động phối hợp với những hành động như: Vừa đọc vừa tra cứu để có cái nhìn đa chiều và mở rộng phạm vi hiểu biết về những từ ngữ, khái niệm, sự vật, hiện tượng mà mình không quen, chưa từng nghe thấy, đọc thấy và không hiểu. Vừa đọc vừa suy ngẫm qua việc đưa ra các câu hỏi như: “Tại sao”, “Nó sẽ như thế nào?”, “Tác giả dựa vào căn cứ nào để đưa ra lập luận như vậy?”. Điều này giúp bộ não trở nên linh hoạt hơn và ghi nhớ lâu hơn. Hãy đọc và ghi chép. Bởi đơn giản khi bước vào độ tuổi nào đó, khả năng ghi nhớ thông tin tức thời của chúng ta sẽ bị giới hạn. Tốt nhất là nên có quyển sổ tay ghi chép tường tận và có hệ thống về các cuốn sách mình đã đọc. Ngày nay công nghệ thông tin giúp chúng ta có thể ghi chép trực tiếp lên các “file” văn bản, trong máy tính hay trên trang nhật ký trực tuyến, web cá nhân... vừa tiết kiệm thời gian và tìm lại thông tin rất dễ dàng.
Hy vọng rằng, qua những chia sẻ thiết thực nêu trên, mỗi người chúng ta sẽ lựa chọn được phương pháp phù hợp, tạo nên thói quen đọc sách hiệu quả cho riêng mình.
II. NHỊP CẦU TRI THỨC
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết Tên gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ" ra đời như thế nào? của Xuân Nguyễn, đăng trên trang Thông tin điện tử Công an nhân dân (https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Ten-goi--Anh-bo-doi-Cu-Ho-ra-doi-nhu-the-nao-i324170/)
"Từ khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang là “Bộ đội Ông Ké” hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất... Về sau, khi biết tên Người là “Bác Hồ” mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng.
"Tên gọi "Anh bộ đội Cụ Hồ" đã trở nên thân quen với nhân dân ta từ hơn nửa thế kỷ nay. Đó là một nét độc đáo Việt Nam, bởi vì trên thế giới, hiếm có nước nào mà nhân dân lại lấy tên vị lãnh tụ kính yêu để đặt tên cho quân đội như ở nước ta. Nó thể hiện tình cảm quý mến lãnh tụ và lòng tin yêu của nhân dân đối với quân đội, đồng thời nói lên tình cảm gắn bó thiêng liêng, ruột thịt giữa người lính với lãnh tụ của mình.
Bác yêu thương bộ đội như con và những người lính đều coi Bác như Cha nên mới có cái tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ" thân thương ấy, cũng như nhân dân ta đều gọi Hồ Chủ tịch là Bác Hồ. Trong tình lãnh tụ - quần chúng có tình Cha- con, Bác - cháu sâu nặng, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng có bài thơ Bộ đội Ông Cụ ghi lại chân thực hình ảnh Bác giữa những người lính như Cha - con ở chiến khu Việt Bắc thời kỳ tiền khởi nghĩa:
... Khi ăn cơm chiều,
Bộ đội đếm: một, hai... ngồi trật tự
Cụ đi từng bàn xem bát đũa
Cho thổi còi, rồi Cụ ăn sau.
Mọi người rủ nhau
Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ
Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,
Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu...
(Trích “Bộ đội ông Cụ - Muôn vàn tình thân yêu”, Nxb Văn học Giải phóng, 1976, tr 17)
Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm lời nói của Đại tướng về nguồn gốc của tên gọi cao quý ấy. Từ "Bộ đội Ông Ké", "Bộ đội Ông Cụ" mà thành tên gọi "Bộ đội Cụ Hồ", cái tên thân thương, trìu mến ấy đã đi vào cuộc sống Việt Nam, vào lòng nhân dân ta để thành sức mạnh chiến thắng. Và những người lính Việt Nam đều sung sướng, tự hào khi được mang danh hiệu "Anh bộ đội Cụ Hồ" như tuổi trẻ Việt Nam mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xingiới thiệu đến quý vị và các bạn 03 quyển sách sau:
1. Quyển sách: “Đường Hồ Chí Minh trên biển: Biểu tượng của ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", do Sơn Hải sưu tầm, bổ sung, Nxb. Dân trí xuất bản năm 2022. Qua 199 trang, sách tập hợp các bài viết, bài nghiên cứu về bối cảnh lịch sử, tầm nhìn chiến lược, vai trò, ý nghĩa của đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên Biển Đông, được thành lập ngày 23/10/1961, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Đặc biệt, quyển sách giúp bạn đọc - đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi - hiểu rõ hơn những đóng góp, hy sinh của quân và dân ta đã tạo nên những kỳ tích lịch sử của con đường Hồ Chí Minh trên biển đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Qua đó bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ với ký hiệu phân loại: 959.7043 / Đ561H
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061755; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011250; MG.011251
2. Quyển sách: “Hiểu hết về công nghệ” do Tiểu Vũ dịch, nhà xuất bản Thế giới xuất bản năm 2022. Qua 255 trang, quyển sách “mổ xẻ” những máy móc, thiết bị có ở quanh ta để cho các bạn thấy rõ cơ chế hoạt động của chúng. Những thắc mắc về công nghệ của bạn sẽ được giải đáp thỏa đáng trong quyển sách này qua 9 nội dung gồm: Công nghệ năng lượng; Công nghệ vận tải; Công nghệ xây dựng và vật liệu; Công nghệ dân dụng; Công nghệ vi tính; Công nghệ viễn thông; Công nghệ thực phẩm và nông nghiệp; Công nghệ y học.
Với lối giải thích dễ hiểu, minh họa màu đẹp mắt, “Hiểu hết về công nghệ” được xem là quyển sách đơn giản nhất, trực quan nhất với những kiến thức dẫn lối, đem tới rất nhiều thông tin thú vị và bổ ích, giúp bạn đọc bắt nhịp được với những thay đổi nhanh chóng trong thời đại ngày nay.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 600 / H309H; ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020863
3. Quyển sách: “Cưới hỏi - Lễ mừng thọ và phát biểu” do diễn giả Khánh Toàn biên soạn, Nxb. Hà Nội xuất bản năm 2022. Với 227 trang, sách chia sẻ đầy đủ và chi tiết các bước để tổ chức một lễ cưới phù hợp với văn minh hiện đại mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống.
Có thể thấy, từ xưa dân gian coi việc cưới xin là một trong ba việc lớn của đời người (sự nghiệp, làm nhà, cưới vợ). Một đám cưới Việt Nam truyền thống và chuẩn mực sẽ theo trình tự 6 lễ: nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp trưng, thỉnh kỳ, thân nghinh. Ngày nay, do nếp sống đã thay đổi, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, sự du nhập của văn hóa phương Tây, nên việc tổ chức lễ cưới của người Việt ngày càng xa rời với nguyên gốc. Về cơ bản phong tục cưới Việt Nam ngày nay chỉ thực hiện những lễ chính gồm: dạm ngõ, ăn hỏi, dẫn cưới, lễ cưới, lễ lại mặt. Đặc biệt, điều ý nghĩa nhất cần hướng đến đó là, tổ chức cưới hỏi đơn giản nhưng vẫn trang trọng, mang tính văn minh của thời đại nhưng cũng giàu nét truyền thống.
Sách còn có một số bài mẫu phát biểu để người đọc tham khảo như: Những mẫu phát biểu trong lễ cưới ở Nam Bộ; Các bài phát biểu trong lễ mừng thọ; Phát biểu cảm nghĩ các buổi lễ, họp mặt ...
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ với ký hiệu phân loại: 395.209597 / C558H ▪ Phòng Đọc: DL 20859
Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!