Trong lịch sử lâu đời trải qua mấy nghìn năm của nước ta, đã có rất nhiều sự kiện trọng đại, những câu chuyện ly kỳ, những nhân vật đặc biệt mà sử sách, thư tịch chính thống không thể thâu nhận, ghi chép hết được, hoặc có nhắc đến cũng sơ lược. Bên cạnh đó, một nguồn thông tin phong phú đa dạng, đó là các câu chuyện được truyền tụng trong dân gian, trong các xóm làng và từ ghi chép trong ngọc phả, thần tích với nội dung chứa đựng yếu tố huyền ảo, lạ lùng... cần có sự phân tích, lựa chọn, giải mã thêm; thế nhưng ở góc độ tích cực, những thông tin này đã bổ trợ dữ liệu cho chính sử, giúp chúng ta xem xét, tìm hiểu về một sự kiện hay một nhân vật cụ thể được bao quát, mở rộng hơn. Giúp cho hậu thế biết tới những nhân vật được nhân dân truyền tụng và tôn kính thờ phụng.
Quyển sách “Bà Chúa Kho và giai thoại về những nữ nhân kiệt liệt” do Lê Thái Dũng biên soạn, Nxb. Hồng Đức xuất bản năm 2021 sẽ giới thiệu đến bạn đọc những giai thoại lý thú về một số nhân vật nữ có công lao, sức ảnh hưởng nhất định được dân gian lưu truyền. Sách dày 203 trang, gồm 2 phần:
Phần 1 giới thiệu một số dữ kiện chính liên quan đến “Bà Chúa Kho” - một hiện tượng tín ngưỡng đặc biệt thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Cho thấy theo thông lệ, hằng năm cứ vào dịp đầu xuân, khách thập phương, nhất là giới kinh doanh, làm ăn buôn bán lại đổ về đền Bà chúa Kho ở Cổ Mễ (Bắc Ninh) để vay tiền, xin lộc, rồi cuối năm thì đi lễ “tạ”, “trả” tiền vay, tiền lãi cho bà chúa. Người đến lễ bái thì nhiều nhưng không mấy người biết rõ về xuất thân, sự tích của bà chúa Kho.
Bên cạnh đó, sách đã nêu một số sự tích lưu truyền về nguồn gốc bà chúa Kho ở các địa phương khác như Bà chúa Kho làng Giảng Võ, hay ở thành Nam Định, ở Bắc Ninh với những chi tiết khác biệt, chưa đồng nhất. Mặc dù tìm hiểu ngọn nguồn về gốc tích của bà chúa Kho là điều khó làm được, nhưng chắc hẳn đó là những nữ nhân từng có ngoài đời thật đã có đức độ, công lao gìn giữ kho lương, giúp dân no ấm và sau này được xem là phúc thần được nhân dân thờ phụng, tín ngưỡng.
GS. Vũ Ngọc Khánh đã đưa ra nhận định về chuyện vay tiền bạc của bà chúa Kho như sau: “Kể ra thì cũng là một quan niệm bình thường, ở người dân chất phác, hồn nhiên. Môn học gọi là “dân gian thông tục học” trong khoa nghiên cứu Folklore, đã đề cập đến hiện tượng này. Nữ thần là bà chúa Kho, tất nhiên có nhiều của cải. Tìm đến bà xin vay một khoản nào đó để về làm vốn, âu cũng là chuyện thường tình. Có điều vay thì phải trả, đều có tính cách tượng trưng. Có khá nhiều người tin rằng vay của bà chúa Kho thì rất dễ ăn nên làm ra. Có thể có sự quá tin, có sự tưởng tượng, suy diễn, có sự an ủi nào đó trong tâm thức của thiện nam tín nữ... Tâm lý ấy cũng là bình thường, không có gì đáng trách nhưng nếu nó trở thành khuynh hướng trục lợi để bày ra những trò lừa gạt, mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để lao vào chuyện buôn gian bán lận, ngu hóa dân hay gây ô nhiễm môi trường thì lại là điều không thể chấp nhập được, mà phải dùng biện pháp để ngăn chặn”. Vì vậy, khi đi cúng lễ, mỗi du khách nên chú ý đến sự tích của vị thần mà mình lễ bái, hiểu được tinh thần yêu nước, chiến đấu chống giặc ngoại xâm, công lao của họ đối với đời sống xã hội. Như thế, việc cúng lễ mới thực sự mang ý nghĩa tâm linh cao đẹp, hướng tới cái thiện, chứ không phải chen chúc nhau đi lễ với những ước mong phù phiếm, không hiện thực. Cha ông ta từ xưa đã có câu nhắc nhở rằng:
“Ta về ta lễ đền ta,
Linh thiêng phúc đức đều là tại tâm”.
Phần 2, sách cung cấp thông tin lý thú về một số nhân vật nữ kiệt liệt có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và bình ổn xã hội. Đó là những câu chuyện như: Những người vợ tài đức của An Dương Vương; Chuyện hai nữ tướng của Bà Trưng giả ăn mày để làm tình báo; Hai người vợ đặc biệt của vua Ngô Quyền; Nàng công chúa giúp vua cha dẹp loạn 12 sứ quân; Công chúa An Tư hy sinh vì nghĩa nước; Chuyện về người con gái nuôi của vua Lê Thái Tổ; Tấm gương uy dũng của Thứ phi Phương Dung;...
Để biết thêm những chi tiết cụ thể trong các giai thoại này, các bạn hãy tìm đọc quyển “Bà Chúa Kho và giai thoại về những nữ nhân kiệt liệt”, được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ với mã số:
- Môn loại: 959.7009 / B100CH
- Phòng Đọc: DV 59866
- Phòng Mượn: MG 10666-10667