Trên thế giới, việc nghiên cứu lịch sử văn học của các quốc gia được tiến hành từ nửa cuối thế kỉ XIX và có vị trí không thể thiếu. Ở Việt Nam, nghiên cứu văn học sử đã bắt đầu từ nửa đầu thế kỉ XX và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu, phê bình văn học. Tới nay, nghiên cứu văn học sử Việt Nam đã có ự chuyển biến mới đối với việc nhìn nhận sâu rộng hơn về toàn bộ văn học nước nhà, văn học cổ điển, văn học đầu thế kỉ XX, văn học đương đại và sự phát triển của văn học hướng ra thế giới.
Nhằm mục đích giới thiệu với bạn bè quốc tế một bức tranh cơ bản về văn học Việt Nam; năm 2021 Nxb. Đại học Sư phạm ấn hành quyển sách “Lược sử Văn học Việt Nam” do GS. TS Trần Đình Sử chủ biên với độ dày 339 trang, bao gồm 4 chương:
Chương 1 “Văn học dân gian Việt Nam từ khởi thủy đến hiện đại” đưa ra một cái nhìn khái quát về lịch sử văn học dân gian Việt Nam bao gồm 4 thời kì: Thời kì hình thành nền tảng của văn hóa Việt Nam; Thời kì thuộc thiên niên kỉ đầu Công nguyên; Thời kì văn hóa truyền thống trong quốc gia Đại Việt; Thời kì chuyển tiếp từ văn hóa truyền thống sang văn hóa hiện đại. Tuy tư liệu cụ thể về văn học dân gian trước thế kỉ X vẫn còn khan hiếm và ít ỏi, nhưng với những gì còn lại cũng chứng tỏ được sức sống dẻo dai và mãnh liệt của dân tộc ta. Đây cũng chính là thời kì hình thành nền tảng của văn hóa Việt Nam.
Chương 2 “Văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến năm 1885: Bản sắc riêng trong khu vực văn hóa chữ Hán” trình bày 3 giai đoạn hình thành nền văn học trung đại Việt Nam: Giai đoạn hình thành văn học chữ Hán Việt Nam (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XV); Giai đoạn hình thành văn học chữ nôm, văn học song ngữ Việt Nam (thế kỉ XV đến hết hết thế kỉ XVII); Giai đoạn phồn thịnh Văn học chữ nôm, văn học song ngữ Việt Nam (từ thế kỉ XVIII đến năm 1885). Với những đặc trưng về tư tưởng, khuynh hướng, thể loại và một số tác giả tiêu biểu ở những giai đoạn đặc biệt này đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cho nền văn học dân tộc, đưa văn học Việt Nam lên đỉnh cao của sự phát triển.
Chương 3 “Văn học Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1945: Chữ quốc ngữ và quá trình hiện đại hóa toàn diện” trình bày 2 giai đoạn, đó là: Giai đoạn chuyển tiếp từ văn học trung đại sang văn học hiện đại và Giai đoạn hình thành nền văn học hiện đại. Trong thời kì này, sự xuất hiện của phê bình văn học đã trở thành một bộ phận của đời sống văn học, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của văn học Việt Nam và kết tinh được nhiều thành tựu xuất sắc trên hầu hết các thể loại.
Chương 4 “Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến nay: Từ cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đến đổi mới và hội nhập thế giới” đã mở ra một thời kì mới cho nền văn học dân tộc. Từ năm 1945 đến năm 1975 văn học tồn tại trong hoàn cảnh đặc biệt của hai cuộc kháng chiến và đất nước bị chia cắt, vì thế văn học Việt Nam tồn tại song song hai nền văn học với nhiều khác biệt, trong đó văn học cách mạng phục vụ các nhiệm vụ chính trị và hướng về đại chúng. Từ sau năm 1975, văn học chuyển sang giai đoạn hậu chiến và từ giữa những năm 1980 văn học Việt Nam đã bước vào thời kì đổi mới, bước những bước tiếp xa hơn trên con đường hiện đại hóa để hòa nhập thực sự vào tiến trình văn học thế giới. Nhìn chung, văn học dân gian từ cuối thế kỉ XX đến nay có những diễn biến vừa cho thấy cái riêng của dân tộc, vừa phù hợp với quy luật chung của văn học dân gian nhân loại.
“Lược sử văn học Việt Nam” không chỉ là quyển sách cần thiết cho bất kỳ người Việt nào quan tâm đến văn hóa dân tộc mà còn là tài liệu bổ ích cho những bạn bè nước ngoài muốn hiểu rõ hơn về văn chương Việt Nam.
Quý vị và các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Lược sử Văn học Việt Nam” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.92209 / L557S
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.019675