“Những con đường, cách thức, phương tiện hay những góc độ tiếp cận khác nhau chẳng qua cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích khám phá, khẳng định giá trị của tinh hoa văn học dân tộc trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến giữa văn học Việt Nam với các nền văn học trong khu vực và trên thế giới. Hành trình khám phá, khẳng định những giá trị đó không bao giờ kết thúc và mỗi một nỗ lực tham gia, đóng góp đều xuất phát từ mong muốn được ghi nhận như là một dấu chân trong nhiều dấu chân.” (Trích Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa - Những hướng tiếp cận)
Đó là đoạn văn được trích trong Lời mở đầu của quyển sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa - Những hướng tiếp cận” do PGS.TS. Nguyễn Kim Châu biên soạn. Sách được Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020. Qua 235 trang, sách sẽ góp phần làm rõ hơn ý nghĩa cũng như là giá trị của các hiện tượng văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa. Sách được chia thành 3 phần:
Phần 1 tập trung vào định hướng “Tiếp cận tư duy và hình tượng nghệ thuật” với các bài viết như: Ngộ và hành trình trải nghiệm đời sống của các thiền nhân đời Trần giúp tìm hiểu về tinh thần đốn ngộ trong văn học Phật giáo đời Trần; Nhận thức về con người phi lý trong thơ chữ Hán Nguyễn Du lý giải sự phức tạp trong quan niệm về con người và văn chương của Nguyễn Du; Dấu ấn của tinh thần mỹ học sinh thái trong triết thuyết Lão – Trang chứng minh rằng đây là một triết thuyết chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú của tư tưởng sinh thái phương Đông cổ xưa;….
Phần 2 tập trung vào định hướng “Tiếp cận thể loại và ngôn từ nghệ thuật” qua các bài viết: Khảo sát phép đối ngẫu trong thơ ca trung đại Việt Nam từ góc nhìn cấu trúc; Cơ chế hình thành và giải mã điển cố trong văn học trung đại Việt Nam giúp tìm hiểu về phép đối ngẫu và điển cố, những thủ pháp sử dụng ngôn từ đặc trưng của một nền văn học đậm chất cao quý, tao nhã và quy phạm; Phân tích sâu Đặc điểm ngôn từ kệ ngũ tuyệt đời Lý và Tiếp cận Độc Tiểu Thanh Ký – Nguyễn Du từ góc độ ngôn từ; So sánh ngôn từ nghệ thuật Sự phát triển của tiếng Việt văn học qua các nhìn đối sánh Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi và Bạch Vân quốc ngữ thi của Nguyễn Bỉnh Khiêm;… để khẳng định những bước tiến của tiếng Việt văn học sau mấy thế kỷ phát triển.
Phần 3 “Tiếp cận chủ thể và văn bản phê bình văn học” gồm những bài viết khảo sát vai trò, đặc điểm của các văn bản tựa bạt, lời dẫn, đề từ,… cùng với kiểu hình người đọc tri âm trong phê bình thơ ca Việt Nam thời trung đại như: Phê bình kiểu Kim Thánh Thán; Viên Mai bàn về thơ nữ trong Tùy Viên thi thọai;…
Không chỉ giúp bạn đọc hiểu được những vấn đề thuộc về văn học trung đại Việt Nam, quyển sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa - Những hướng tiếp cận” còn giúp bạn đọc hiểu được những vấn đề thuộc văn học cổ điển Trung Hoa góp phần làm rõ mối quan hệ và sự ảnh hưởng của hai nền văn học này.
Sách được Thư viện TP Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 895.92209 / V115H
▪ PHÒNG MƯỢN: MB.8133