Hiện lên trong 22 bài ký sự của quyển “Hà Nội thênh thang ký ức” là những trăn trở và tấm lòng của nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học - một người trẻ hết lòng yêu mến Hà Nội, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Tác giả đã dõi theo những thay đổi không ngừng của thủ đô trong dòng chảy thời hiện đại, bằng tình yêu và cả sự tiếc nuối trước những đổi thay, anh đã tự nhủ: “Tôi yêu và tôi sẽ làm việc một cách âm thầm để cùng gìn giữ những vẻ đẹp của Hà Nội". Bằng ngòi bút của mình, anh đã ghi lại những ký ức gần gũi, thân thương, những nét văn hóa tốt đẹp của đất Hà thành làm người đọc phải xúc động, suy ngẫm.
Trong các ký sự: Những làng chèo ven sông Nhuệ, Trầm tích làng ngoại thành, Giá trị làng hiếu học, Chợt nhớ mắt làng, Nơi đâu những mảnh hồn làng, Khi làng lên phố, Giữ tinh hoa làng nghề, Hà Nội thênh thang ký ức... là nỗi nhớ về làng cổ với bao ký ức đẹp và cũng lo lắng cho những nét văn hóa cổ truyền ấy của Hà Nội đang dần mai một, nếu không được gìn giữ.
Những tên đất, tên làng gắn với những nghề cổ truyền như: làng tò he Xuân La (xã Phượng Dực); làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất) làng nghề quạt giấy Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất); làng đúc đồng Ngũ Xá (quận Ba Đình); làng đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai), làng làm lân sư rồng Đa Sỹ (Hà Đông)... trong trang viết của anh là những ký ức tươi đẹp và là mối lo bức thiết về việc truyền dạy, tiếp nối để không bị thất truyền. Bởi đó chính là những giá trị văn hóa, tinh hoa của cha ông xưa, nếu biết phát huy, sáng tạo để hội nhập sẽ tạo nên những sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế, không chỉ có lợi nhuận, mà còn giúp thế giới biết nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam.
Các bài viết: Nét đẹp từ những gia đình đa thế hệ, Bồi đắp văn hóa Hà Nội, Ăn ngõ, Văn hóa thi chim đất Hà thành, Mênh mang cổ thụ, Vòng bánh xe trên phố… ghi lại những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, cũng như những chia sẻ chân tình của tác giả: “Mỗi con người sống ở Hà Nội là một gương mặt Hà Nội. Bởi từ cách sống, đi lại, ăn mặc, mỗi người đều là những thực thể có thể làm thành phố xấu đi hoặc đẹp hơn. Vậy thì chúng ta phải chung tay cho vẻ đẹp, bình yên của thành phố. Đó là thể hiện trách nhiệm với Thủ đô bằng những việc làm cụ thể. Làm sao để thành phố có tuổi 1.010 năm vừa văn minh, thanh lịch”.
Các bạn hãy tìm đọc quyển “Hà Nội thênh thang ký ức” để hiểu hơn về những giá trị văn hóa cần được bảo lưu của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Sách do NXB Dân trí xuất bản năm 2020 với 212 trang, được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
- Môn loại: 895.9228403 / H100N
- Phòng Đọc: DV 59515
- Phòng Mượn: MV 23026-2302