“Làm người phải đắn phải đo
Phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu” (Ca dao)
“Làm người suy chín, xét xa
Cho tường gốc ngọn, cho ra vắn dài” (Ca dao)
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ, ca dao Việt Nam nói về đạo làm người là bức tranh sinh động thể hiện sự tồn tại của con người trong tổng hòa những mối hệ xã hội; là sự thống nhất biện chứng những yêu cầu cơ bản để hoàn thiện nhân cách và những nguyên tắc đạo đức căn bản, cốt lõi quy định bổn phận của con người trong mối quan hệ với bản thân, gia đình và xã hội.
Ca dao, tục ngữ Việt Nam là triết lý sống được cha ông ta đúc rút qua nhiều thế hệ đã thể hiện được quan niệm về đạo làm người mang tính bền vững, thể hiện những giá trị cốt lõi mà con người cần phải theo đuổi suốt cuộc đời.
Quyển sách “Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam” do TS. Trần Thị Thơm biên soạn, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2022 với 191 trang là tài liệu nghiên cứu có hệ thống, góp phần khẳng định giá trị hiện thời về quan niệm đạo làm người qua tục ngữ, ca dao. Sách gồm ba chương:
Chương một trình bày một số vấn đề lý luận về đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam như: khái niệm tục ngữ, ca dao Việt Nam, khái niệm đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam; đặc điểm và cơ sở hình thành đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt Nam,…
Chương hai đi sâu phân tích những nội dung cơ bản của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam thể hiện qua các mối quan hệ giữa con người với bản thân, giữa con người với gia đình và giữa con người với xã hội.
Từ chương một và chương hai rút ra ý nghĩa của đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam với việc xây dựng gia đình Việt Nam hòa thuận, hạnh phúc cũng như với việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Trân trọng giới thiệu quyển sách “Đạo làm người trong tục ngữ, ca dao Việt Nam” đến quý bạn đọc. Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phuc vụ bạn đọc với mã số:
- Môn loại: 170.9597 / Đ108L
- Phòng đọc Tổng hợp: DV 61817
- Phòng Mượn: MH 14131