Trai nước Nam làm gì? / Hoàng Đạo Thuý; Đặng Hoàng Giang giới thiệu. - H. : Nxb. Hà Nội, 2021. - 110tr.; 21cm

Thứ sáu - 04/11/2022 04:24 1.397 0
Trai nước Nam làm gì? / Hoàng Đạo Thuý; Đặng Hoàng Giang giới thiệu. - H. : Nxb. Hà Nội, 2021. - 110tr.; 21cm
“Giờ đây, điều mà thanh niên Việt Nam cần tự vấn là liệu mục đích của cuộc đời có phải là để đi cáp treo lên Phan để selfie hay không, hay là để tạo ra một xã hội công bằng, bác ái và hài hòa với thiên nhiên. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta ngưng một chút cơn sốt học thành triệu phú, học thành thông minh kiểu Do Thái, hay chạy theo 28 bí quyết dạy con của người Nhật, và nhìn lại và học hỏi từ những giá trị mà Hoàng Đạo Thúy đã đề xướng từ cách đây hơn 70 năm: lớp trẻ cần trở thành những người khỏe về thể lực, mạnh mẽ trong tinh thần, tỉnh ngộ trong nhận thức và vững vàng trong đạo đức. Đọc “Trai nước Nam làm gì?” với con mắt và đầu óc mở của thế kỷ 21, mỗi người sẽ rút ra được những bài học cho chính mình, tuy câu hỏi hôn nhân có là một cuộc xổ số hay không thì vẫn còn được để ngỏ đó.”
- Đặng Hoàng Giang.

Năm 1943 Hoàng Đạo Thúy, nhà hoạt động văn hóa xã hội nổi tiếng ở Việt Nam đã viết cuốn sách mỏng 10 chương mang tên “Trai nước Nam làm gì?” như để trao cho thanh niên cùng thời một lời kêu gọi, một cương lĩnh sống. Năm 2021, quyển sách đã được Nxb. Hà Nội xuất bản và giới thiệu đến bạn đọc. 

Những điều tác giả nêu ra năm xưa như: phải nhớ gốc tổ tiên, gia đình, làng nước; cần chừa xa hoa, đánh bạc, thuốc phiện; sống có mục đích, rèn luyện sức khỏe, hiểu rõ về yêu, ghét, sống và những giá trị quân tử, nhân nghĩa…; cần có nghề chuyên môn; hãy suy nghĩ kỹ về hôn nhân… cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị để trả lời cho câu hỏi “Trai nước Nam làm gì?”. 

Trong đó, khi nói đến nghề chuyên môn, tác giả chỉ rõ:
“Nghề chuyên môn, đích là cái nghề mình đang học. Phải tập thể dục cho đủ sức khỏe, rồi để hết hơi hết sức vào việc học của mình. Học cái gì cần đến chỗ thật hiểu, thật biết, suy xét thí nghiệm cho rõ. Đừng học để đi thi, học để biết để dùng, thế rồi đến lúc thi vẫn được. Gần đến lúc thi mà ngốn lấy, ngốn để thì, cái trò “bạo nhập lại bạo xuất”, thi xong là quên hết. Nên từ đầu năm bài nào học kỹ bài ấy, kỳ đến thật tiêu, ăn nhập vào đầu óc mới thôi. Việc hôm nào làm ngay hôm ấy, đó là một thói quen cần có cho được. Chỗ không được rõ thì hỏi thày, bàn với bạn, tìm kiếm ở sách vở, chưa thấy chưa thôi. Trong các năm học thì để cái đích mình cho cao, phải đến hạng “thày nghề” mới tạm nghỉ. Đừng cho “gọi là đủ” đã là được. Thôi học rồi vẫn tìm, vẫn xem học mãi.”

Về chọn nghề và làm nghề, tác giả lưu ý: “Chọn nghề cốt nó hợp với tài mình, với ý thích của mình, cốt nó có ích với nước với đời. Cần nhất là việc làm cho thực được, đồ phải làm cho thật kỹ. Ngoài cái thú thannh cao ngắm một công trình mà mình đã để hết tài trí của mình vào đó, cái giàu có không phải đợi mà nó vẫn đến.” 

Tác giả cũng dẫn chứng: 
“Phạm Ngũ Lão đan sọt bên cạnh đường. Sọt chắc mà bền, người ta ai cũng nhớ của. Đến lúc làm tướng vẫn cái chí làm cẩn thận ấy mà làm trọn được việc đại tướng.
 Người tráng sĩ  chỉ sợ không đủ tài. Có tài thì ngại gì không có chỗ dùng. Không chê việc thiện nhỏ mà không làm, không lấy công việc hèn mà không cố sức.
Trần Bình làm thằng mõ chia phần, vẫn cố làm cho thật công bằng, cái mầm ấy sau này mọc lên tài kinh bang tế thế.
Đã có ích thì không nghề gì hèn. Một khi một người hiền làm thì nghề gì cũng thành cao quý. Đã làm thì không đồ gì có thể cẩu thả được.
Vót cái tăm được tinh vi thì xây dịp cầu cũng kỹ càng.”

Còn rất nhiều điều bổ ích được tác giả nêu trong quyển “Trai nước nước Nam làm gì” đáng để người trẻ hôm nay tìm đọc và suy ngẫm để có thể thông suốt và vững vàng trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 305.23509597 / TR103N; 
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.060159
▪ PHÒNG MƯỢN: MA.024891; MA.024892

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây