“Tôi nghĩ rằng quan trọng phải là ý thức bảo vệ, bênh vực và giúp các bộ môn âm nhạc dân tộc sống lại, chứ không phải tìm hiểu nó cho thỏa tính tò mò trong khoa học và việc nó mất còn chẳng bận tâm.”
- Giáo sư Trần Văn Khê.
“Trần Văn Khê: Trăm năm tâm và nghiệp” là quyển sách tập hợp những bài viết, chia sẻ về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Văn Khê qua hồi ức của thân hữu, học trò của ông. Thông qua quyển sách, người đọc thêm hiểu biết về Giáo sư Trần Văn Khê (1921- 2015) một người thầy kiến thức uyên thâm và cống hiến hết lòng hết sức bảo tồn và phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Sách dày 358 trang, mở đầu là bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Văn Khê qua hồi ức của con trai ông. Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu âm nhạc người Việt Nam là thành viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông có gần 200 bài nghiên cứu đăng trên sách báo, bách khoa từ điển, tạp chí chuyên môn các nước được đánh giá cao về học thuật và được dịch ra hơn 15 thứ tiếng. Ông là người có những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với tư cách là một nhà văn hóa châu Á, đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên mọi diễn đàn. Cuộc đời ông bôn ba như con thoi đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bạn bè năm châu sự đa dạng, phong phú và đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Những năm cuối đời, ông đã mang về Việt Nam toàn bộ tư liệu liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam và các nước mà ông đã một đời chắt chiu góp nhặt, để làm tài liệu nghiên cứu, góp phần bảo tồn và lưu truyền tinh hoa văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.
Kế đến là những bài viết về Giáo sư Trần Văn Khê của thân hữu, học trò của ông và những người từng gặp gỡ, tiếp xúc với ông như: Nghệ sĩ nhân dân Kim Cương với bài viết “Người thầy không lớp học của tôi...”; Nhà sử học Dương Trung Quốc với bài “Có một thế hệ như thế...”. Hay như bài viết “Giáo sư Trần văn Khê là trí thức tiêu biểu của dân tộc Việt Nam thời hiện đại” của Nguyễn Đăng Hưng; “Kính nể bộ nhớ siêu đẳng Giáo sư Trần Văn Khê” của Nguyễn Đông Thức; “Nhớ Giáo sự Trần Văn Khê: Tinh thần dân tộc chảy trong huyết quản” của Minh Trần; “Ngày trở về của Giáo sư Trần Văn Khê: tình thương để lại” của Đỗ Hồng Ngọc; “Tôi không có gia sản mà chỉ có một sự nghiệp tinh thần” của Quế Phương; “Trần Văn Khê: Ra đi là để trở về” của Nhật Lệ;...
Cuối quyển sách là một số hình ảnh về Thư viện Trần Văn Khê.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Trần Văn Khê: Trăm năm tâm và nghiệp” tại Thư viện thành phố Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 781.620092 / TR121V
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020794
▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011190; MG.011191