Chào mừng quý vị và các bạn đến với Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” kỳ thứ 33 (tháng 4/2025) của Thư viện thành phố Cần Thơ!
I. VĂN HÓA ĐỌC 4.0
Các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Văn hóa đọc 4.0” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Đừng quên đọc sách mỗi ngày!” của Trúc Giang đăng trên Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (https://hcmcpv.org.vn)
Những ngày nghỉ dài, chẳng hạn dịp giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5, hoặc các ngày nghỉ Tết, nhiều người chọn cách đi du lịch, đi về quê hoặc thăm họ hàng… Khi tạm gác các công việc thường ngày, tạm thời giảm các áp lực tiến độ… chúng ta nên chọn cách đọc sách để thư giãn, kể cả trong thời gian đi du lịch (như lúc trên máy bay, lúc nghỉ chân…). Đó là việc không chỉ để giải trí mà còn để bổ sung kiến thức và bồi bổ những xúc cảm, những suy nghĩ tích cực cho tâm hồn…
Cách đây khá lâu, bản tin Chào buổi sáng của kênh VTV1 có một tiết mục là Mỗi ngày một quyển sách. Mỗi ngày có nhiều quyển sách mới được xuất bản; cho dù duy trì đều đặn hàng ngày thì mỗi năm tiết mục này cũng chỉ giới thiệu được 365 quyển sách, nên chẳng qua là điểm những sách nổi bật mà thôi! Nhưng việc điểm sách còn có nhiều cơ quan truyền thông khác thực hiện. Các báo đều có mục điểm sách ở trang văn hóa văn nghệ để giới thiệu, phê bình những tác phẩm mới, những cây bút mới gắn với một hoặc một số tác phẩm nào đó. Đây cũng là cách làm cho người đọc biết đến tác phẩm và tác giả, từ đó tìm đọc hoặc nghiên cứu thêm, hoặc giới thiệu cho người khác tìm đọc.
Thật ra, công việc của những người thực hiện việc giới thiệu sách có ý nghĩa biết bao! Và tác dụng của mục này cũng không nhỏ. Việc giới thiệu sách không chỉ đọc trước cho bạn đọc để giới thiệu những nét chính hoặc những điểm thú vị nhất, đáng xem nhất cho bạn đọc mà còn thực hiện công tác phê bình, tức là khen, chê, góp ý, gợi mở… Không chỉ vậy, việc giới thiệu còn bằng những hình thức khác phong phú như phỏng vấn tác giả (dịch giả hoặc đại diện nhà xuất bản), một nhà phê bình, một chuyên gia…, để làm cái công việc định hướng cho người đọc quan tâm, tìm đọc và có cách đọc quyển sách đó hiệu quả nhất.
Ngày trước, việc giới thiệu sách có nét đặc sắc. Có tờ báo giới thiệu bằng cách liệt kê một số sách của một số nhà xuất bản đang phát hành (cách gần như quảng cáo); có báo chỉ đơn giản nêu thông tin rằng tòa soạn vừa nhận được những sách tặng của các tác giả sau…; có báo thực hiện việc điểm sách bằng một bài phê bình (thường là khen)… Những cách đó cũng tạo điều kiện để người đọc có thể tìm được cuốn sách mình thích hoặc của tác giả mình thích. Tức là, tờ báo đang làm công việc khuyến khích người đọc báo đi… đọc sách!
Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, người ta có biết bao nhiêu thông tin từ internet, đủ các thể loại, và có thể tiếp cận thông tin, đi đường, ngồi trên xe buýt, lúc chuẩn bị ngủ…, người ta đều có thể đọc được rất nhiều điều, chỉ bằng cách mở điện thoại thông minh hoặc cái máy tính bảng. Bên cạnh đó, cuộc sống hối hả khiến nhiều người thậm chí không còn nhiều thời gian để đọc sách! Nên ngồi giở từng trang sách, cả những đoạn mình không hiểu rõ hoặc không thích đọc thì có thể làm lãng phí thời gian lắm chứ! Hơn nữa, đọc tài liệu trên mạng, đoạn nào thích hoặc cần thiết thì copy lại hoặc in ra, chẳng cần phải mua cả quyển sách, có thể tiện lợi hơn nhiều!
Tuy nhiên, đọc sách không chỉ là thói quen, sở thích mà còn là một nhu cầu, một lối sống. Đọc sách để bổ sung kiến thức cho công việc, cho yêu cầu mà cũng một cách rèn luyện khả năng tư duy. Đọc sách thể thỏa mãn tình yêu đối với sách, đối với tác giả, đối với tri thức. Đọc sách thực sự là một cách thư giãn, thực ra rất “lành tính” bởi tính chất “thuần” (không pha tạp, lẫn lộn về phương thức, nội dung…) của nó, bên cạnh nhiều cách thư giãn khác. Đọc sách còn là một phương pháp giáo dục cho con trẻ, trước hết là việc làm gương cho trẻ về tình yêu với sách và lòng ham đọc sách. Đọc sách cũng là một nét văn hóa, bởi từ đọc sách sẽ hình thành tình yêu sách và thúc đẩy tình yêu đó đến nhiều người khác, để góp phần phát triển văn hóa đọc...
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà suốt những ngày chinh chiến, hoàng đế, nhà quân sự người Pháp nổi tiếng Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) vẫn không quên mang sách theo bên mình; thậm chí ông còn khoe với đại văn hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832) rằng ông đã đọc vài lần quyển Nỗi đau chàng Werther, tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Goethe. Mục sư nổi tiếng người Mỹ gốc Anh Parker Cadmand (1864 – 1936) có lịch trình làm việc trong ngày là đọc trọn một cuốn sách mới xuất bản, đồng thời ông cũng đọc vài ba tiểu thuyết trinh thám mỗi tuần, trong đó ông đặc biệt thích Sherlock Holmes. Hay nhà văn Mỹ Upton Sinclair (1878 – 1968) trứ danh với cuốn The Jungle mãi 10 tuổi mới được đến trường nhưng trước đó đã biết đọc và đọc hết các tác phẩm của Dickens và Thackeray, lại đọc thêm mấy chục cuốn sách khác, trong đó có phần lớn bộ Bách khoa Từ điển nên học được hai năm thì đủ sức theo ban đại học rồi.
Còn Bác Hồ của chúng ta cũng vậy, chẳng mấy lúc rời quyển sách, từ lúc làm bồi trên tàu buôn cho đến lúc trở thành lãnh tụ; ngay cả lúc nằm trên giường bệnh, người ta đã tìm thấy cuốn Từ điển Việt Nam – Tây Ban Nha dưới gối nằm của Bác...
Dĩ nhiên với phần lớn chúng ta, mỗi ngày không thể nào đọc được một cuốn sách. Nhưng chúng ta có thể đặt ra mục tiêu mỗi ngày ta đều cố gắng có đọc sách, một vài trang cũng được. Mục tiêu đó giúp chúng ta không quên thói quen đọc sách, không quên được một hoạt động có tính văn hóa và thể hiện một tinh thần say mê học hỏi.
Chẳng biết từ bao giờ có câu “quyển sách gối đầu giường” để chỉ những quyển sách rất cần thiết trong cuộc sống và có thể đọc đi đọc lại đến nỗi phải để ngay ở đầu giường cho dễ lấy, có khi làm gối ngủ luôn! Có thể mỗi người trong chúng ta đều có một quyển gối đầu giường như thế. Chính cuốn sách ấy và kiến thức thâu thái được từ nhiều cuốn sách khác đã góp phần thay đổi cuộc đời của chúng ta theo hướng tích cực hơn!
II. NHỊP CẦU TRI THỨC
* Các bạn thân mến! chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, mời các bạn cùng nghe bài viết “Liều thuốc trường thọ rẻ nhất thế giới, không mất tiền mà tự học lấy” của T. Linh đăng trên Tạp chí điện tử Gia đình Việt Nam (giadinhonline.vn)
Mặc dù các yếu tố di truyền bẩm sinh có tác động nhất định đến sức khỏe và tuổi thọ, nhưng những thói quen sinh hoạt có được mới quan trọng hơn. Nghiên cứu kéo dài 14 năm của CU ở 6.000 người cao niên sống ở khu vực Bắc Mỹ cho biết, những người trưởng thành nếu duy trì cuộc sống có ý nghĩa, có mục đích thì tuổi thọ cao hơn so với nhóm người sống không có mục đích.
Có rất nhiều phương pháp giữ gìn sức khỏe trên thế giới, và một trong những đơn thuốc trường thọ rẻ tiền nhất gói gọn trong “bận rộn”.
Bận rộn là bí mật sức khỏe của nhiều người trăm tuổi.
Qi Baishi, một họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc sống đến 93 tuổi, là một người nổi tiếng tin vào sự "bận rộn", ông yêu cầu bản thân phải vẽ mỗi ngày, không để một ngày nào nhàn rỗi.
I.M. Pei, kiến trúc sư nổi tiếng gốc Hoa, người đã thiết kế kim tự tháp bằng kính của Louvre và Bảo tàng Tô Châu ở tuổi 90 vẫn làm việc chăm chỉ để thiết kế Bảo tàng Tô Châu, công việc là một loại niềm vui đối với ông.
Bận rộn là liều thuốc rẻ nhất trên thế giới
Có câu: “Bận rộn là liều thuốc tốt nhất cho mọi thứ”, nhiều người sống nhàn hạ thường than phiền đau chỗ này ngứa chỗ kia, khi đã có mục tiêu trong đời và có việc để làm thì họ trở nên bận rộn, cơ thể và tinh thần khỏe mạnh hơn.
Làm thế nào để giữ cho mình bận rộn?
Dậy sớm
Người trường thọ hầu như không ngủ muộn, lối sống của họ vô cùng quy củ, nên ngủ thì ngủ, thức thì dậy, công việc và cuộc sống của họ được sắp xếp có trật tự.
Đừng lãng phí thời gian vào buổi sáng, đừng nằm trên giường, bạn có thể dùng nó để đọc một bài báo hay và uống một ấm trà ngon. Ăn sáng, hẹn bạn bè, tán gẫu uống cà phê, thong thả.
Ra ngoài thường xuyên
Mỗi ngày ở nhà buồn chán, trong lòng khó tránh khỏi có nhiều lo lắng. Nếu bạn muốn có một khoảng thời gian vui vẻ, bạn cũng có thể ra ngoài đi dạo và hít thở không khí trong lành. Khi thời tiết tốt, bạn có thể chạy bộ, ra mồ hôi, bơi lội, chơi bóng để vận động cơ thể.
Tiếp tục tập thể dục
Sức khỏe tốt là cơ sở để luôn khỏe mạnh và tươi trẻ, người muốn trẻ mãi không già phải tuân thủ thói quen tốt là vận động điều độ để tỏa ra sức sống từ trong ra ngoài, tràn đầy năng lượng.
Quan tâm đến đồ dùng hàng ngày
Khi bạn ăn mặc đẹp, bạn trông sảng khoái, tự tin hơn và trông trẻ hơn so với tuổi thực của bạn. Vì vậy, hãy dành chút thời gian chăm sóc bản thân, ăn mặc gọn gàng, chỉn chu.
Giữ tâm hồn tươi trẻ
Người có tâm hồn tươi trẻ sẽ chủ động thử những điều mới, luôn tìm hiểu mọi thứ mới với sự tò mò, có thể nhìn thấy những gương mặt rạng rỡ, một tâm trạng yêu đời, những cảm xúc tích cực cũng có thể mang lại cho chúng ta sức khỏe.
Tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn
Ngay cả sau khi nghỉ hưu, người cao tuổi vẫn nên giữ cho bộ não của mình luôn hoạt động, sống hết mình và sống có mục tiêu và kế hoạch. Bạn cũng có thể tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn, làm thiện nguyện cùng mọi người, quen biết nhiều người hơn, cũng có thể cùng bạn bè ra công viên tập thể dục buổi sáng, nghe tiếng chim hót và làm nhiều việc ý nghĩa hơn.
Kiên trì đọc sách và du lịch
Kiên trì "Sống đến già, học đến già" có thể khiến người ta trông trẻ ra, đọc nhiều hơn, ngoại hình tự nhiên sẽ thay đổi. Đọc sách có thể mở mang đầu óc, du lịch có thể giúp mở rộng tầm nhìn, những người thích đọc sách và du lịch đều có quan điểm riêng về mọi việc, tự tin, năng động tự nhiên, tràn đầy sức sống tuổi trẻ và quên đi tuổi tác của mình.
Theo lối sống mình thích, chúng ta cần làm cho mình “bận rộn”, sống một cuộc đời trọn vẹn, thư giãn đầu óc, sảng khoái cả người, học tập và thư giãn trong khi bận rộn để sống lâu hơn.
* Quý vị và các bạn thân mến! Trong chuyên mục “Nhịp cầu tri thức” kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị và các bạn 03 tài liệu sau:
1. Quyển sách “Sài Gòn từ hiệp định Pari đến mùa xuân 1975 (hỏi và đáp)” do Nguyễn Thanh Tịnh, Phạm Hoàng Yến, Nguyễn Ngọc Vân, Hoàng Lan Anh sưu tầm, biên soạn, Nxb. Quân đội nhân dân ấn hành năm 2010 sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về giai đoạn đặc biệt này. Sách gồm 235 trang, trình bày 115 câu hỏi - đáp về chiến thắng mùa xuân năm 1975 từ hiệp định Pari đến chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh. Qua đó giúp cho thấy sự lãnh đạo tài tình, sắc bén, kiên quyết và sáng tạo của Đảng ta, cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, nỗ lực phi thường của quân và dân cả nước.
Đọc sách, các bạn sẽ được giải đáp rõ ràng các câu hỏi như: Mốc thời gian chính dẫn đến việc ký kết Hiệp định Pari? Quá trình đàm phám Hiệp định Pari trải qua những giai đoạn nào? Những nhân vật đại diện cho các bên ký Hiệp định Pari? Vấn đề thống nhất nước Việt Nam và vấn đề quan hệ giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam? Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi những người Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam, Tổng thống Mỹ G.Pho đã phát biểu gì? Kitxinhgiơ đã phát biểu gì trong ngày 30 tháng 4 năm 1975? Ý nghĩa và đặc điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975? Chất độc màu da cam là gì? Nhân vật chính trong bức ảnh”mẹ con” là ai?; Hoàn cảnh ra đời của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”?...
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số 959.704332 / S103G. PHÒNG ĐỌC: DV.040902; PHÒNG MƯỢN: MG.005361; MG.005362
2. Bộ sách “Những viên ngọc quý” (2 tập) do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Cần Thơ phối hợp với Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2021 (có chỉnh sửa, bổ sung thêm một số nội dung trên cơ sở nội dung tập sách do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ xuất bản năm 1995). Bộ sách giới thiệu những người con trung hiếu của quê hương Cần Thơ.
Tập 1 giới thiệu về những cống hiến, hy sinh của các đồng chí: Châu Văn Liêm, Quản Trọng Hoàng; Phan Văn Bảy; Ngô Hữu Hạnh; Trần Ngọc Quế; Thái Thị Nhạn; Nguyễn Truyền Thanh; Trần Văn Khéo; Phan Thị Đạm.
Tập 2 giới thiệu về các đồng chí: Ung Văn Khiêm; Hà Huy Giáp; Nguyễn Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây); Lê Văn Sô; Lê Văn Nhung; Huỳnh Phan Hộ; Trần Văn Hoài; Lương Chí; Ngô Thị Huệ.
Đây là những đồng chí cách mạng lão thành, những chiến sĩ, liệt sĩ cộng sản kiên cường của Đảng; những tấm gương mẫu mực, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sống chiến đấu vì lý tưởng cao cả, vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Tổ quốc.
Bộ sách “Những viên ngọc quý” là tư liệu quý, giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết về những bậc cha anh đi trước đã chịu nhiều hy sinh gian khổ, tù đày hay vĩnh viễn nằm xuống để đổi lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho quê hương, đất nước. Trân trọng giới thiệu bộ sách đến quý độc giả. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với ký hiệu phân loại: 959.793 / NH556V.
- Những viên ngọc quý (Tập 1. - 254tr).
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061198; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011069; MG.011070; MG.011071
- Những viên ngọc quý (Tập 2. - 249tr).
▪ PHÒNG ĐỌC: DV.061199; ▪ PHÒNG MƯỢN: MG.011072; MG.011073; MG.011074
3. Quyển sách “Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi cho muôn đời” do TS. Trần Viết Hoàn biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản lần thứ sáu (năm 2020) nhằm giúp bạn đọc hiểu và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Sách dày 370 trang gồm 36 bài viết ngắn gọn, mộc mạc, chân thực về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những sinh hoạt đời thường của Người. Bao năm tháng trôi qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang hơi thở của thời đại. Như trong tác phẩm Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số tháng 12 năm 1958 với bút danh Trần Lực - Người viết: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Người cho rằng, mọi thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên đều xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình. Người cho đó là chủ nghĩa cá nhân vô cùng nguy hiểm, nó sinh ra hàng trăm thứ bệnh trong đó có bệnh: quan liêu, tham nhũng, bè phái, xu nịnh, hiếu danh, kiêu ngạo... Vì vậy ta phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tính tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật...”.
Thật vậy, sự chỉ bảo ân cần cùng những lời dạy thiết thực về đạo đức cách mạng là vũ khí để đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức trong đời sống xã hội, vì một xã hội văn minh, đất nước phát triển bền vững. Sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số: 170 / Đ108Đ; PHÒNG MƯỢN: MH.011933; MH.011934.
Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phát thanh “Văn hóa đọc và cuộc sống” của Thư viện thành phố Cần Thơ đến đây xin tạm dừng. Quý vị và các bạn có thể nghe lại nội dung chương trình trên Cổng Thông tin điện tử Thư viện TP. Cần Thơ, tại http://www.cantholib.org.vn. Cám ơn quý vị và các bạn đã chú ý theo dõi. Xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại!