Hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp những tình huống thương tích hoặc bệnh tật diễn ra bất ngờ. Trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể, bạn phải quyết định việc cần làm để đảm bảo an toàn cho người bị nạn, cũng như không tự đẩy mình vào các mối nguy hiểm không đáng có (ví dụ tiếp xúc với máu, chất tiết của nạn nhân có bệnh lý tiềm ẩn, ví dụ: người nhiễm HIV, viêm gan, virus B…)
Quyển sách “3 phút sơ cứu: Cách xử lý ban đầu giúp bạn kiểm soát các tai nạn thường gặp” do bác sĩ Ngô Đức Hùng biên soạn sẽ hướng dẫn chúng ta có thể nhanh chóng xử lý tạm thời các tình huống nghiêm trọng trước khi có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp. Sách do Nxb. Thế giới ấn hành năm 2020 với 203 trang, nội dung gồm 5 chương:
Chương 1 trình bày các vấn đề về sơ cứu cơ bản như: Bộ dụng cụ sơ cứu; Đánh giá ban đầu; Khi nào cần trợ giúp y tế? Chờ đợi xe cứu thương hay tự vận chuyển? Gọi 115; Nguyên tắc an toàn trong sơ cứu; Rửa tay và đeo găng; Kiểm soát đường thở và hỗ trợ hô hấp; Hồi sinh tim phổi cơ bản; Dị vật đường thở; Tư thế an toàn; Dấu hiệu sinh tồn và tình trạng sốc; Vận chuyển an toàn; Máy sốc điện tự động.
Chương 2 hướng dẫn sơ cứu về các chấn thương như: Chấn thương cột sống; Vết thương phần mềm; Vết thương hở do sắc nhọn; Cầm máu; Chăm sóc và thay băng vết thương; Khi nào cần dự phòng uốn ván; Tổn thương xương khớp; Chuột rút; Một số chấn thương nghiêm trọng.
Chương 3 hướng dẫn cách xử trí các vết cắn, đốt như: Dị ứng và sốc phản vệ; Động vật cắn; Khi nào cần tiêm phòng dại; Rắn cắn; Kỹ thuật băng ép bất động; Vắt/ đỉa cắn; Ong đốt/chính; Sâu róm/bọ nẹt; Kiến ba khoang; Bệnh giời leo; Bọ cạp đốt; Rết cắn.
Chương 4 chỉ dẫn các phương pháp sơ cứu các bệnh lý thường gặp như: Đột quỵ não cấp; Đau ngực cấp; Động kinh, co giật; Sốt; Sốc nhiệt, say nắng, say nóng; Mất nước; Bệnh tiểu đường; Đuối nước; Bỏng; Điện giật; Dị vật đường tiêu hóa; Chảy máu mũi; Tổn thương mắt.
Chương 5 đề cập đến các loại ngộ độc và nguyên tắc xử trí các loại ngộ độc thường gặp như: Ngộ độc cóc và cá nóc; Chất tẩy rửa; Nuốt phải thủy ngân; Ngộ độc khí CO/ ngạt khí.
Mặc dù quyển sách này không thể thay thế được các chương trình đào tạo về kỹ năng sơ cứu từ các chuyên gia, nhưng sẽ đem lại những kiến thức đúng đắn giúp bạn đọc hiểu biết hơn, từ đó có thái độ tốt hơn trong việc hợp tác và xử trí ban đầu các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp.
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
* PHÒNG ĐỌC:
- 616.02 / B100PH
- DV.057425
* PHÒNG MƯỢN:
- 616.02 / B100PH
- ME.007545, ME.007546