Biển Đông là cửa ngõ thông ra Thái Bình Dương - đại dương lớn nhất thế giới, là vùng biển có vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thông, giao thương quốc tế và an ninh chiến lược, không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà cả đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Xuất phát từ vị trí đặc biệt liên quan đến Biển Đông, cùng với lịch sử xác lập chủ quyền quốc gia dân tộc trên vùng biển này, cũng như những căn cứ pháp lý mà Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định, Việt Nam khẳng định có đầy đủ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình theo luật pháp và các công ước quốc tế đối với vùng biển này và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Quyển sách "Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông” do Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh xuất bản là tài liệu cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng về chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Sách dày 332 trang, nội dung gồm 6 chương:
Chương 1 trình bày tổng quan về biển, đảo Việt Nam cung cấp những thông tin về vị trí địa lý, tài nguyên và giá trị vị thế của biển đảo Việt Nam.
Chương 2, chương 3 và chương 4 trình bày quá trình xác lập và thực thi chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ trước thế kỷ XX đến năm 2017 trải qua các thời kỳ: Thời kỳ dựng nước và đấu tranh giành quyền tự chủ; Thời kỳ đầu phong kiến độc lập tự chủ (thế kỷ X - XVI); Thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, (thế kỷ XVII-XVIII); Thời kỳ nhà Nguyễn (nửa đầu thế kỷ XIX); Thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XIX); Quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975; Quá trình thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam từ năm 1976 đến năm 2017. Qua đây thể hiện rõ tầm nhìn và công sức ông cha xưa đã khai phá, xác lập và thực thi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển, đảo khác, khi mà chúng chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.
Chương 5 và chương 6 nêu lên hiện trạng biển Đông và cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Các biện pháp và thủ tục giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong luật quốc tế và khả năng áp dụng để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Cho thấy, trong bối cảnh có sự tranh chấp ở Biển Đông, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), Việt Nam kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng biện pháp hòa bình, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, thông qua nhiều bằng chứng pháp lý và lịch sử thuyết phục.
Xuất bản năm 2019, quyển sách “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông” là tài liệu có ý nghĩa thiết thực giúp bạn đọc thêm hiểu rõ về vị trí và tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm góp phần gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các bạn hãy tìm đọc quyển sách tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
* PHÒNG ĐỌC:
- Ký hiệu phân loại: 320.109597 / CH500QU
- Số đăng ký: DV.057675
* PHÒNG MƯỢN:
- Ký hiệu phân loại: 320.109597 / CH500QU
- Số đăng ký: MA.021900, MA.021901