Sống với biến động : Thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long / Setsuko Shibuya; Lê Việt Dũng...dịch. - Cần Thơ : Đại học Cần Thơ, 2016. - 206tr.; 24cm

Thứ bảy - 30/05/2020 20:25 1.608 0
Sống với biến động : Thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long / Setsuko Shibuya; Lê Việt Dũng...dịch. - Cần Thơ : Đại học Cần Thơ, 2016. - 206tr.; 24cm
Trong bối cảnh đất nước tham gia vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đang chịu những tác động lớn. Biến đổi xã hội trong khu vực nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay là một tiến trình tất yếu, là kết quả của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điển hình là những thay đổi về hiện trạng của gia đình ở một địa phương nông thôn thuộc TP. Cần Thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Quyển sách “Sống với biến động : Thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn Đồng bằng Sông Cửu Long” do Lê Việt Dũng, Trần Thanh Bé, Phạm Phương Tâm biên dịch, Nxb. Đại học Cần Thơ ấn hành năm 2016 sẽ giúp bạn đọc thấy được đời sống của bà con nông dân vùng ĐBSCL kể từ khi đổi mới kinh tế ở thập niên 1980. Đây là công trình nghiên cứu của Giáo sư Shibuya Setsuko (Nhật Bản) tại xã Long Tuyền vào năm 1997 (ở thời điểm đó là xã Long Tuyền thuộc tỉnh Cần Thơ, nay là phường Long Tuyền thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) khi bà đến Trường Đại học Cần Thơ để tìm hiểu và phối hợp với nhà trường tiến hành nghiên cứu về vấn đề kinh tế - xã hội ở nông thôn ĐBSCL.
Sách có độ dày 206 trang, bao gồm 08 phần, tập trung vào việc mô tả cuộc sống gia đình Việt ở nông thôn vùng ĐBSCL khi phải cố gắng chống lại những biến động của xã hội trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, gắn liền với công cuộc cải cách kinh tế quốc gia.
Hai phần đầu của quyển sách giới thiệu về gia đình và xã hội Việt Nam, liên hệ với khu vực ĐBSCL và công cuộc cải cách đổi mới đất nước. Bên cạnh đó là những thông tin khái quát về TP. Cần Thơ bên bờ sông Mekong, và xã Long Tuyền là nơi thực hiện nghiên cứu, với nội dung tập trung vào nét sinh hoạt văn hóa ở nông thôn, cơ cấu kinh tế, các đơn vị hành chính và hạ tầng công cộng cấp xã (ủy ban nhân dân, bưu điện, công an, trạm y tế, hệ thống trường học,…). Đặc biệt, các sông ngòi, kinh rạch chảy khắp mọi ngóc ngách và cuộc sống của người dân phục thuộc rất lớn vào dòng sông.
Hai phần tiếp theo trình bày về gia đình hạt nhân (có một đôi vợ chồng và các con còn độc thân), gia đình mở rộng (gồm hai cha mẹ, các con ruột và dâu rể cùng các cháu, chia sẻ các hoạt động thường nhật) và việc hợp tác gia đình trong hoạt động kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp và buôn bán nông sản. Gia đình Việt ở Long Tuyền và các địa phương xung quanh giai đoạn này đối mặt với nhiều khó khăn bắt nguồn từ những thay đổi xã hội trong cải cách đổi mới: công nghệ mới, việc tiếp nhận thông tin còn hạn chế, cạnh tranh trong nước và toàn cầu, biến động thất thường giá cả thị trường, chi phí hoạt động nông nghiệp, thiếu đất và giá đất tăng đột biến,…
Với những khó khăn ở trên, người dân có những lo lắng về tương lai và cố gắng thích nghi, tìm giải pháp để đấu tranh với các biến động, được trình bày ở phần 5 và 6. Người dân dần tìm kiếm các công việc phi nông nghiệp để bổ sung thu nhập cho gia đình. Có nhiều loại việc làm khác nhau cho người dân: một số công việc tương đối dễ làm, một số công việc đòi hỏi có trình độ và tay nghề chuyên môn. Những người trẻ có cơ hội tìm việc tốt hơn. Các bậc cha mẹ lo lắng thế hệ con cái họ sẽ không sống dựa vào nông nghiệp được, vì vậy tốt hơn là có việc làm khác để đảm bảo cuộc sống tương lai. Nhiều gia đình tại Long Tuyền và các làng xóm khác nhận ra giáo dục có ý nghĩa đặc biệt với tương con cái họ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho lớp trẻ sau này.
Hai phần cuối quyển sách ghi nhận những nỗ lực của bà con nông dân để ứng phó với các yếu tố kinh tế và xã hội ngoài tầm kiểm soát của họ. Người dân Long Tuyền tiếp cận những vấn đề nông nghiệp và phi nông nghiệp một cách có chiến lược. Các thành viên gia đình phối hợp chặt chẽ nhau để tồn tại khi hoàn cảnh xã hội gặp khó khăn. Gia đình nông thôn ĐBSCL là một đơn vị mạnh mẽ và quan trọng của xã hội, giữ vai trò cốt lõi trong cuộc sống thường nhật của người dân.
Trong phần kết quyển sách, Giáo sư Setsuko đã ghi nhận những thay đổi tích cực của người dân Long Tuyền sau 17 năm quay lại nơi đây, với những tiện nghi, sung túc trong đời sống. Người đọc có thể nhận ra bức tranh toàn cảnh của nông thôn ĐBSCL thông qua xã Long Tuyền nhiều năm về trước tuy khó khăn, vất vả, nhưng khi nhận xét, so sánh với xã hội hiện tại, lại thấy được sự vươn lên, đổi thay nhiều và nhanh của đất nước. Trong suốt dòng chảy của lịch sử cùng với sự thay đổi, các bản sắc văn hóa, mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, xóm làng,… vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát triển và ngày càng tỏa sáng hơn.
Với lượng thông tin đa dạng, quyển sách chính là tài liệu hữu ích dành cho những bạn đọc, nhà nghiên cứu có quan tâm đến các chủ đề về sự phát triển ở nông thôn, xã hội và sự biến đổi của nó.
Quyển sách hiện đang được phục vụ tại Thư viện TP. Cần Thơ. Bạn đọc tra tìm tài liệu với mã số:
* Phòng Đọc:
- 306.8509597 / S455V
- DL.018224
* Phòng Đọc Địa chí:
- 306.8509597 / S455V
- DC.002823, DC.002824, DC.002825
* Phòng Mượn:
- 306.8509597 / S455V
- MA.022069, MA.022070, MA.022071

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây