Mùa Thu năm Canh Tuất (1010), chỉ sau hơn nửa năm lên ngôi Hoàng đế, lập ra Vương triều Lý, Đức Lý Thái Tổ đã đưa ra một quyết định với tầm nhìn thiên niên kỷ: dời đô từ Hoa Lư về định đô Thăng Long. Từ đây địa danh Thăng Long chính thức được xác lập và qua quá trình xây dựng, bồi đắp của các triều đại - bắt nguồn từ Vương triều Lý - đã trở thành nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, kết tinh tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, năm 2010 quyển sách Vương triều Lý (1009-1226) do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên đã giới thiệu đến độc giả một công trình nghiên cứu khách quan và toàn diện quá trình lịch sử Vương triều Lý từ buổi khởi dựng cho đến lúc suy vi. Trong đó nhấn mạnh những hy sinh và cống hiến của Lý Thái Tổ, của triều đình và quân dân nhà Lý cho đất nước, cho nhân dân và cho Thăng Long.
Sau hơn 10 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, quyển sách Vương triều Lý (1009-1226) vẫn là tài liệu được độc giả tin cậy và đón nhận nhiệt tình. Năm 2022, Nxb. Hà Nội đã xuất bản bộ sách “Các Vương triều trên đất Thăng Long”, trong đó mở đầu là công trình “Vương triều Lý (1009-1226)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên. Trong lần xuất bản này với 490 trang, tác giả đã rà soát, hiệu đính lại thông tin, tiếp tục bổ sung các kết quả nghiên cứu, nhằm mang đến cho bạn đọc một công trình tương đối toàn diện và cập nhật về vương triều Lý - vương triều đầu tiên của dân tộc trong kỷ nguyên độc lập định đô trên đất Thăng Long.
Sách gồm 4 chương:
Chương một “Lý Thái Tổ (1009-1028)” trình bày nguồn gốc dòng họ và quê hương Lý Công Uẩn, quá trình thành lập vương triều và định đô Thăng Long.
Chương hai viết về thời kỳ hưng thịnh của vương triều Lý, từ Lý Thái Tông đến Lý Anh Tông (1028 - 1175) gồm các đời vua: Lý Thái Tông (1028-1054); Lý Thánh Tông (1054-1072); Lý Nhân Tông (1072-1127); Lý Thần Tông (1128-1137); Lý Anh Tông (1137-1175).
Chương ba viết về các triều vua trong 50 năm cuối của vương triều Lý (1176 -1226) gồm: Lý Cao Tông (1176-1210); Lý Huệ Tông (1210-1225); Lý Chiêu Hoàng (1225 - 1226).
Chương bốn gồm những nghiên cứu, đúc kết về sự nghiệp vương triều Lý. Đó là: Thiết lập thể chế Trung ương tập quyền, củng cố thống nhất quốc gia; Tổ chức kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; Hoạt động ngoại giao và sự nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực; Xây dựng và phát triển kinh tế; Khai mở nền văn hóa Thăng Long, văn minh Đại Việt.
Cuối quyển sách là Phụ lục các công trình, bài báo khoa học về vương triều Lý.
Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc.
Sách được Thư viện thành phố Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 959.7023 / C101V;
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020705