Cuộc đời chúng tôi : Sách tham khảo / H. Ghemcốp; Lê Phương, Phạm Duy Kiên, Lê Quang Trọng, Hồ Tuyến dịch. - H. : Chính trị Quốc gia, 2000. - 426tr.; 22cm

Thứ sáu - 30/10/2020 04:36 1.964 0
Cuộc đời chúng tôi : Sách tham khảo / H. Ghemcốp; Lê Phương, Phạm Duy Kiên, Lê Quang Trọng, Hồ Tuyến dịch. - H. : Chính trị Quốc gia, 2000. - 426tr.; 22cm
Như chúng ta đã biết, Các Mác (1818- 1883) và Phriđrich Ăngghen (1820 -1895) là hai nhà lý luận lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hai ông đã sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học có tác động to lớn và sâu rộng đối với nhân loại tiến bộ. Tuy nhiên, không có ai vốn sinh ra đã là người cách mạng. Các Mác và Ph. Ăngghen cũng thế. Hai ông là người thế nào? Xuất thân ra sao? Vì những lẽ gì mà hai ông trở thành những người cộng sản , được xem là những vĩ nhân đem đến ánh sáng tư tưởng giúp những dân tộc chịu áp bức đứng lên giành lại độc lập và thoát cảnh lầm than?
Quyển sách “Cuộc đời chúng tôi” sẽ trả lời cho bạn đọc những câu hỏi đó. Sách do do H. Ghemcốp biên soạn (Lê Phương, Phạm Duy Kiên, Lê Quang Trọng, Hồ Tuyến dịch), Nxb. Chính trị Quốc gia ấn hành 2000.
Với độ dày 426 trang, sách trình bày tiểu sử và sự nghiệp của Các Mác và Phriđrich Ăngghen qua 24 chương gồm: Hai con người vùng Ranh; Đấu tranh với “triết học thế giới hiện thời”; Biên tập viên và cộng tác viên của “Báo tỉnh Ranh”; Hai người khám phá tương lai; Bắt đầu một tình bạn lâu dài suốt cả cuộc đời; Sự ra đời của một thế giới quan mới; Trên con đường đi tới thành lập đảng; Một cuốn sách mỏng làm nên lịch sử; Trong ngọn lửa cách mạng châu Âu; Kết cục của cuộc cách mạng; Miếng ăn cay cực của cuộc sống di cư; Một mối liên kết vô song; Cuốn sách của những pháp kiến; Quốc tế đấu tranh cho quyền con người; Người mở đường cho Đảng Aidơnác;  Đứng về phía các chiến sĩ công xã; Đảng cách mạng của giai cấp chống lại chủ nghĩa vô chính phủ; Theo gót cha; Những tư tưởng về xã hội tương lai; Những năm hợp tác cuối cùng; Những người thực hiện đầy đủ Di chúc của bạn; Người được tin cậy của phong trào công nhân quốc tế; Giai cấp công nhân cần có hòa bình; “Chúng ta đã sống không hoài công”.
Đọc sách, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về xuất thân, sự gặp gỡ và những điều kiện tạo nên hai con người cùng chung chí hướng vượt bao gian khó, để lại những tư tưởng vĩ đại đi vào lịch sử nhân loại. 
Ph.Ăngghen sinh ngày 28/11/1820 tại thành phố Bác-men, nước Đức trong một gia đình tư sản. Tốt nghiệp tú tài, Ph.Ăngghen vâng lời cha thôi học, theo nghề kinh doanh thương mại. Những quan sát xã hội và hoạt động thực tiễn đã làm biến chuyển thế giới quan và tư duy chính trị của ông. Từ con đường tự học, học trong sách báo, trong các câu lạc bộ bác học, trong tổng kết thực tiễn và trong sự phẫn nộ với xã hội đương thời, Ph.Ăngghen đã trở thành một nhà bác học. Trên con đường học tập và nghiên cứu, Ph.Ăngghen đã gặp Các Mác một cách gián tiếp thông qua đọc các tác phẩm của Các Mác. Dần dần từ việc nghiên cứu triết học, kinh tế chính trị học, hai ông đã tìm đến nhau rồi trở thành những người đồng chí.
Các Mác sinh ngày 05/5/1818 ở thành Tơ-ri-a nước Đức trong một gia đình trí thức. Ông tốt nghiệp tú tài rồi vào học khoa Luật tại trường Đại học Tổng hợp Bon, sau chuyển sang học trường Đại học Béc-lin, một trung tâm nghiên cứu về triết học. Mác đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ triết học.
Các Mác và Ph.Ăngghen đã gặp nhau lần đầu vào tháng 11/1842, khi Ph.Ăngghen trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập tờ Nhật báo tỉnh Ranh. Mùa hè năm 1844, Ph.Ăngghen đến thăm Các Mác ở Pa-ri. Hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn và đây được xem như là “cuộc gặp mặt lịch sử” của hai vĩ nhân. Hai con người xa lạ, từ những hoàn cảnh xuất thân, môi trường giáo dục và quá trình đào tạo rất khác nhau đã trở thành hai người đồng chí, hai người bạn với một tình bạn vĩ đại và cảm động đã cùng nhau viết nên một học thuyết cách mạng dẫn đầu thời đại. Với chủ nghĩa duy vật lịch sử, C. Mác và Ph. Ăngghen đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, bởi vì lần đầu tiên các quy luật phát triển của xã hội loài người được đưa ra ánh sáng, bao gồm hệ thống các quy luật. 
Đặc biệt, sự ra đời “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen viết nên đã thức tỉnh giai cấp công nhân, nhân dân lao động ý thức được vai trò lịch sử của mình, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong quá trình phát triển của các tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ không tưởng trở thành khoa học. Cho đến hôm nay, Tuyên ngôn vẫn luôn là nền tảng tư tưởng và là kim chỉ nam cho hành động của phong trào cộng sản và công nhân thế giới. Trong mỗi chặng đường cách mạng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới lại càng khẳng định tính chất khoa học và cách mạng, đồng thời làm phong phú thêm những tư tưởng vượt thời đại và trường tồn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Trân trọng giới thiệu quyển sách “Cuộc đời chúng tôi” đến quý vị và các bạn. Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số: 
▪ Ký hiệu phân loại: 335.43 / C514Đ
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.005693
▪ PHÒNG MƯỢN: MH.002963

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây