Trong lịch sử, cha ông ta đã đổ biết bao mồ hôi công sức, xương máu để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đối với biển đảo của đất nước, quyết không để một tấc đất rơi vào tay kẻ thù. Đã có biết bao nhiêu trận chiến oanh liệt cùng biết bao tấm gương trung dũng, kiên cường, thà hy sinh cả mạng sống của mình để bảo vệ toàn vẹn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Hải chiến Gạc Ma Trường Sa 1988 - khúc tráng ca bất tử” là quyển sách do Nguyễn Thái Anh, Quốc Dũng tuyển chọn, biên soạn, Nxb Văn học ấn hành 2014. Đây là những bài viết, ký ức của các cán bộ, chiến sĩ tham gia cuộc hải chiến Gạc Ma - Trường Sa năm 1988 và những kỷ niệm, tâm sự của người lính trẻ hiện nay đang ngày đêm canh giữ Truờng Sa bảo vệ bình yên toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Sách dày 278 trang gồm 2 phần:
Phần thứ nhất với tiêu đề “Hải chiến Gạc Ma, Trường Sa năm 1988 - những ký ức không thể lãng quên” giúp người đọc sẽ biết rõ hơn bối cảnh, cũng như sự hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của hải quân Việt Nam trong cuộc chiến với quân Trung Quốc ngày 14/3/1988 qua các bài viết: Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3/1988? Chúng ta đã đề phòng Trung Quốc chiếm Gạc Ma; Ký ức về đồng đội ngã xuống ở Trường Sa; Những “liệt sĩ” trở về từ Gạc Ma; Đất nước tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng; 25 năm hải chiến Gạc Ma: Khơi lên niềm tự hào dân tộc; Vong trong bất tử trên bãi Gạc Ma; Khi tiếng súng lặng im;…
Phần thứ hai tiêu đề “Thao thức với Trường Sa” gồm những bài viết thể hiện tấm lòng, sự quan tâm sâu sắc của đất liền hướng về đảo xa, nơi có những người con đêm ngày canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến với biển đảo, các tác giả đã viết lên những bài viết mặn mòi vị biển giúp người đọc hiểu biết về một Trường Sa trung kiên, giàu đẹp, là máu thịt Việt Nam. Nơi đó có những người lính đảo đã quen với sóng gió biển khơi, khắc phục mọi khó khăn và xem “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Biển đảo với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nổi tiếng với phong ba, bão táp, với gió muối mưa muối, với cái nắng rát mặt đã tạo ra nhiều “đặc sản” không thể tìm thấy ở nơi khác như: Cây bàng vuông có hoa rất đẹp, lá có thể dùng gói bánh chưng, hạt có thể dùng để đánh bắt cá. Đảo chìm với những bãi san hô lộ thiên mà người đi biển phải quan sát, tính toán cẩn thận khi di chuyển tàu thuyền. Hay những hòn đá mồ côi nằm rải rác ven biển làm liên tưởng đến những người lính vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió. Đặc biệt nơi đây còn có những chú chó nghiệp vụ tinh khôn, những vườn rau được lính đảo chăm sóc kỹ càng trong điều kiện khắc nghiệt.
Các bài viết như: Vững niềm tin với Trường Sa; Những tấm lòng vì Trường Sa thân yêu; Nặng lòng với Trường Sa;… thể hiện nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, cũng như niềm tin yêu, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân đất liền dành cho cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cuối quyển sách tập hợp một số bài thơ như: Tổ quốc ở Trường Sa; Bên giàn khoan; Thơ tình người lính biển; Thư gửi biển xa; Nước biển đã mặn rồi; Suối nguồn cuồn cuộn nước triều Đông; … Trong đó, bài thơ “Gạc Ma và khúc tháng ba bi tráng” với những vần thơ lay động triệu con tim và nhắc nhở thế hệ sau không được quên nỗi đau này:
“Giặc đến Trường Sa cướp tàu cướp đảo
Các anh xông pha xả thân chiến đấu
Máu đỏ hòa cùng biển sâu
Quyện hồn sông núi, nâng sóng tầm nước Việt anh hùng.
Tuổi trẻ các bạn ơi hát khúc quân hành
Dân tộc chúng mình luôn biết kiên cường, chung sức
Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân thương nhất
Cho Tổ quốc thiêng liêng
Nơi có dáng hình lính đảo quấn quốc kỳ khắc ghi
Cột chủ quyền hiên ngang trước biển
Vì Nước ta nào ngại hy sinh!”
Các bạn hãy tìm đọc quyển sách “Hải chiến Gạc Ma Trường Sa 1988 - khúc tráng ca bất tử” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
Ký hiệu phân loại: 320.109597 / H103CH;
PHÒNG ĐỌC: DV.048216;
PHÒNG MƯỢN: MA.014197; MA.014198