Hạnh phúc của người Việt Nam : Khái niệm, cách tiếp cận & chỉ số đánh giá / Lê Ngọc Văn. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 247tr.; 23cm

Thứ hai - 01/03/2021 20:14 2.100 0
Hạnh phúc của người Việt Nam : Khái niệm, cách tiếp cận & chỉ số đánh giá / Lê Ngọc Văn. - Tp. Hồ Chí Minh : Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2019. - 247tr.; 23cm
    Hạnh phúc không chỉ là giá trị cốt lõi mà còn là mục tiêu luôn được hướng đến trong đời sống của con người và xã hội. Dù bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cũng như bất kỳ thời đại lịch sử nào, hạnh phúc vẫn luôn là khát vọng vươn tới của con người. Ngày 20 tháng 3 hàng năm đã được Liên Hợp Quốc chọn làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (International Day of Happiness). Đây là ngày đặc biệt trong năm, ngày mà mặt trời nằm ngay đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ; cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Ngày Quốc tế hạnh phúc truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng và hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc. Không chỉ là ngày mang tính tượng trưng đơn thuần, Liên Hợp Quốc đã khuyến khích các quốc gia cũng như các tổ chức nhận thức về tầm quan trọng của hạnh phúc trong xây dựng chính sách công, cũng như nhìn nhận hạnh phúc như một mục tiêu mang tính toàn cầu. 
    Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm”. Điều này mang ý nghĩa lớn lao nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế hạnh phúc, để từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối nước các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3).
    Được xem là một trong những nghiên cứu có hệ thống đầu tiên về hạnh phúc ở phạm vi quốc gia, quyển sách “Hạnh phúc của người Việt Nam: Khái niệm, cách tiếp cận & chỉ số đánh giá” sẽ cung cấp cho người đọc những nhận thức mới về quan niệm hạnh phúc trong đời thực, chỉ số hạnh phúc, cũng như những đặc trưng văn hóa trong quan niệm hưởng thụ hạnh phúc của người Việt Nam. Sách do PGS. TS. Lê Ngọc Văn, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2019 với độ dày 247 trang, nội dung gồm 7 chương, chia thành 2 phần:
    Phần thứ nhất gồm 3 chương trình bày khái niệm, cách tiếp cận, phương pháp đo lường hạnh phúc của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Qua đây xác định và phân tích quan niệm hạnh phúc được định nghĩa theo cách tiếp cận của lý thuyết về sự hài lòng được áp dụng cho mọi cá nhân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam: “Hạnh phúc là mức độ hài lòng của một người về cuộc sống của mình xét trên tổng thể”. Từ đó đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân qua 3 lĩnh vực gồm: Sự hài lòng về đời sống kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; Sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; Sự hài lòng về cá nhân.
    Phần thứ hai gồm 4 chương trình bày kết quả điều tra khảo sát về quan niệm hạnh phúc, hạnh phúc trong đời thực, chỉ số hạnh phúc trên các lĩnh vực, đời sống cá nhân, chỉ số hạnh phúc chung của người Việt Nam và các nhóm xã hội khác nhau. Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy: Việt Nam là một quốc gia mà người dân sống ở đó khá lạc quan, yêu đời. Họ đánh giá tích cực tất cả các lĩnh vực cơ bản của cuộc sống thông qua những trải nghiệm và mục tiêu đạt được hay sự thỏa mãn các mong muốn và nhu cầu cá nhân. Chỉ số hạnh phúc chung đạt mức tương đối cao 6,477 điểm (thang điểm 10). Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ nét ở các chỉ số thành phần. Chỉ số hạnh phúc trong đời sống kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên (5,780 điểm) thấp hơn đáng kể so với chỉ số hạnh phúc ở lĩnh vực quan hệ gia đình - xã hội (7,182 điểm) và đời sống cá nhân (6,122 điểm). Điều này một mặt cho thấy đời sống kinh tế - vật chất hiện tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, nhất là người nghèo, người sống ở nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người; mặt khác nó cũng phản ánh điều kiện xã hội khách quan để phát triển kinh tế còn có nhiều rào cản và hạn chế. Trong bối cảnh chuyển đổi của nền kinh tế ở nước ta hiện nay, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, người dân không chỉ lo lắng về an ninh kinh tế - vật chất, mà còn lo lắng về môi trường sống tự nhiên bị tàn phá, ô nhiễm, về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Chính sách của nhà nước và các địa phương trong việc bảo đảm việc làm, thu nhập, nhà ở, bảo vệ môi trường sống tự nhiên, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm không những mang lại hạnh phúc cho người dân, mà hơn thế, bảo đảm sự phát triển bền vững, công bằng xã hội, mọi người dân đều được hưởng lợi từ sự phát triển. 
    Với những thông tin thiết thực được nghiên cứu tổng hợp từ thực tế, quyển sách “Hạnh phúc của người Việt Nam: Khái niệm, cách tiếp cận & chỉ số đánh giá” là tài liệu tham khảo hữu ích mang tính ứng dụng rộng rãi trong đời sống và trong hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. 
    Trân trọng giới thiệu quyển sách đến quý bạn đọc. Sách có tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
    Ký hiệu phân loại: 152.4 / H107PH;
   ▪ PHÒNG ĐỌC: DL.017898;  
   ▪ PHÒNG MƯỢN: MH.010431; MH.010432

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây