Văn hóa Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người Việt Nam cũng góp phần định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, là biểu tượng cho sự đoàn kết và gắn kết các tầng lớp, các giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc, các thành phần kinh tế - xã hội khác nhau, tạo nên sự đồng thuận dân tộc, thống nhất ý chí và tình cảm của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam vừa thể hiện được bản sắc, bản lĩnh và văn hóa của con người Việt Nam, vừa tiếp thu được các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại, trong đó cần kế thừa và phát huy các giá trị tích cực và tiến bộ trong văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống nhân đạo; đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ của thế giới như tinh thần dân chủ, pháp quyền, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, v.v…
Tuy nhiên, công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường và than gia mạnh mẽ vào quá trình toàn cầu hóa ở nước ta hiện nay đang có những tác động không nhỏ tới hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam. Nhiều giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam có những biểu hiện đáng lo ngại, có thể dẫn đến sự đảo lộn và khủng hoảng các giá trị. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo những vấn đề nêu trên, năm 2021, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật đã xuất bản quyển sách “Hệ giá trị văn hoá và con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” do TS. Nguyễn Ngọc Thiện và GS. TS. Từ Thị Loan đồng chủ biên.
Sách dày 343 trang, gồm 4 chương là kết quả tổng hợp, hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người. Trong đó, đi sâu khảo sát thực trạng biến động hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai thực hiện các hệ giá trị đó trong thực tiễn. Trong đó nêu các giải pháp chung mang tính vĩ mô gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý điều hành đất nước; nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục về giá trị và hệ giá trị; phát huy vai trò của nhà trường trong giáo dục, rèn luyện giá trị; phát huy vai trò của xã hội trong hình thành và củng cố các hệ giá trị. Bên cạnh đó, cuốn sách đưa ra hệ thống các giải pháp xây dựng và hoàn thiện các giá trị cụ thể đối với từng giá trị từ hai hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người đã đề xuất.
Các tác giả cũng nhận định: "Việc xác định nội dung hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sao cho phù hợp, chuẩn xác đã là một việc khó khăn, nhưng quan trọng hơn là việc thực thi những giá trị ấy trong thực tiễn cuộc sống để góp phần thực sự xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự đóng góp trí tuệ, nhiệt tình, tâm huyết của tầng lớp trí thức, sự chung tay, góp sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân, sự đồng thuận, nỗ lực của toàn xã hội".
Quý độc giả có thể tìm đọc quyển sách “Hệ giá trị văn hoá và con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” tại Thư viện TP. Cần Thơ với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 306.09597 / H250GI;
▪ PHÒNG ĐỌC: DL.020246