Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số.
Ngay từ năm 1961, khi dân số cả nước mới khoảng 31 triệu người, Hội đồng Chính phủ đã có Quyết định số 216-CP ngày 26 tháng 12 “về việc sinh đẻ có hướng dẫn”. Năm 1993, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, khóa VII, khẳng định: “Công tác Dân số - KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, la một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Nghị quyết này đã đi vào đời sống, chỉ sau một thời gian ngắn cả xã hội đã ý thức đầy đủ hơn về vấn đề dân số, mối quan hệ giữa dân số và phát triển. Mức sinh đã giảm rất nhiều. Năm 1999, Liên hiệp quốc đã tặng Giải thưởng cho Việt Nam.
Nhưng những thách thức như: Quá trình già hóa dân số nhanh hơn, dấu hiệu mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh ngày càng rõ, mức sinh, mức chết còn khác nhau lớn giữa các vùng, di dân ngày càng sôi động… Mặc khác, môi trường kinh tế - xã hội của nước ta cũng thay đổi hết sức mạnh mẽ và nhanh chóng: Sự hòa nhập thế giới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa báo hiệu những xu hướng về biến đổi các quá trình dân số và hiện trạng dân số nước ta trong tương lai.
Quyển sách “Những xu hướng biến đổi dân số ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Đình Cử biên soạn, Nxb. Nông Nghiệp ấn hành năm 2007 sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các vấn đề liên quan đến dân số Việt Nam. Sách dày 395 trang gồm 2 phần:
Phần 1 “Những xu hướng biến đổi dân số” trình bày các nội dung: Quy mô, cơ cấu dân số nước ta; Xu hướng mất cân bằng giới tính ở trẻ em tăng; Sự chuyển đổi từ tỷ số phụ thuộc cao sang “cơ cấu dân số vàng”; Vị thành niên và sức khỏe sinh sản của vị thành niên; Đặc trưng của quá trình già hóa dân số; Di cư và tích tụ dân số; Mô hình ít con chất lượng cao; Sức khỏe sinh sản bị tổn thương và đang đứng trước thách thức gay gắt; Mức chết thấp và ổn định; Chất lượng dân số vẫn chưa cao; Gia đình Việt Nam ngày càng nhỏ và dễ “vỡ” hơn; Các bậc thang phát triển và quá độ dân số ở các tỉnh; Biến đổi dân số một số vùng ở nước ta.
Phần 2 “Chính sách dân số: kinh nghiệm của thế giới và bài học cho Việt Nam” trình bày các nội dung: Những yếu tố thúc đẩy việc xây dựng chính sách dân số của các chính phủ; Kinh nghiệm xây dựng chính sách dân số trên thế giới; Thành tựu, thách thức và bài kinh nghiệm trong chính sách dân số của Việt Nam.
Là sách chuyên khảo được viết theo lối mở để bạn đọc có thể tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn những xu hướng đã trình bày trong sách, quyển sách “Những xu hướng biến đổi dân số ở Việt Nam” là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các giảng viên, các bạn sinh viên và những người quan tân đến lĩnh vực Dân số và Phát triển.
Sách được Thư viện TP. Cần Thơ phục vụ bạn đọc với mã số:
▪ Ký hiệu phân loại: 304.6 / NH556X
▪ THÔNG TIN VỀ WORLD BANK: WB.001297